Chủ Nhật, 24/11/2024 02:20 SA
Đoàn ĐBQH Phú Yên tham gia thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
Thứ Bảy, 26/10/2024 14:47 CH

Đồng chí Phạm Đại Dương (bên phải) điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ các nội dung về KT-XH, ngân sách nhà nước, trọng tâm là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

 

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre. Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 điều hành phiên thảo luận.

 

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các ĐBQH của Tổ đại biểu số 9 tham gia thảo luận.

 

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo theo chương trình kỳ họp.

 

Tham gia phát biểu thảo luận, đa số các ĐBQH bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong thời gian qua; thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

 

Đồng thời, các ĐBQH phân tích, làm rõ thêm một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 như: Nhìn chung, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

 

Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8%-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6%-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỉ; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km; thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%, cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm… 

 

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ĐBQH cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm; nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài; thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…

 

Trên cơ sở những hạn chế chỉ ra, các ĐBQH đã làm rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp để Chính phủ quan tâm, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ để thúc đẩy KT-XH phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.

 

Tại buổi thảo luận, các ĐBQH còn tập trung cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

 

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Phạm Đại Dương thể hiện sự đồng tình với báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025. Đồng chí Phạm Đại Dương cũng đồng tình với các ý kiến phát biểu, đánh giá, phân tích của các ĐBQH; những ý kiến đã phân tích, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách để làm rõ hơn kết quả đạt được, những vấn đề còn bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi trong thời gian đến.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh, trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH; quan tâm công tác giải phóng mặt bằng để góp phần đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia; chú trọng công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển kinh tế số để góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh, khai thác tốt nhất tiềm lực, lợi thế vốn có của địa phương; đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách và đầu tư nguồn lực cho các địa phương để tạo điều kiện, đòn bẩy, sức bật mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025…

 

Kết luận tại buổi thảo luận tổ, đồng chí Phạm Đại Dương cảm ơn sự tham gia góp ý sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết của ĐBQH trong tổ; nhiều ý kiến có tính thực tiễn cao; đề nghị thư ký của tổ tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến góp ý của ĐBQH để chuyển đến Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Quốc hội theo quy định.

 

NGỌC HƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek