Quốc khánh 2/9 là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Ngày Quốc khánh được xem là tết Độc lập, là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, ngẫm về quá khứ để hướng đến tương lai, bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ tiền nhân có công với đất nước, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc…
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu |
Từ nhỏ, tôi yêu thích và thuộc lòng đoạn thơ: “Hôm nay sáng mùng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó, vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây!” (Theo chân Bác - Tố Hữu).
Trong tâm trí trẻ thơ, tôi tưởng tượng quang cảnh Ba Đình mùa thu rực rỡ nắng vàng, cờ và hoa rợp phố, Bác Hồ đứng trên đài cao trước hàng vạn đồng bào đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” mà lòng rộn vui theo. Lớn lên, tôi càng hiểu và thấm thía rằng, hơn 80 năm nước mất nhà tan, Nhân dân ta lầm than khốn khổ vẫn kiên cường tranh đấu. Biết bao cuộc khởi nghĩa đẫm máu và nước mắt, biết bao thế hệ đã anh dũng hy sinh, biết bao năm tháng mỏi mòn chờ độc lập, để rồi hôm nay (2/9/1945), cả dân tộc vỡ òa niềm vui sướng, tự hào: “Độc lập bây giờ mới thấy đây!”.
Khi trở thành thầy giáo, tôi nhiều lần cùng với học trò tìm hiểu áng văn lập quốc vĩ đại của Bác. Nhưng cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, khi nghe báo chí phát lại những thước phim tư liệu, ghi âm trực tiếp lời Bác đọc “Tuyên ngôn độc lập”, lòng tôi lại trào dâng cảm xúc vui sướng, tự hào!
Ngược dòng lịch sử 79 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào ta vùng lên tổng khởi nghĩa. Trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, Nhân dân cả nước đã giành được chính quyền, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chất giọng xứ Nghệ của Bác trầm ấm, dõng dạc: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Những câu văn bất hủ ấy được trích trong “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776, nhưng người Mỹ chỉ dừng lại ở quyền con người cá nhân, còn Bác thì nâng lên thành quyền dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bác trích dẫn tiếp “Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền” của Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Việc viện dẫn trên cho thấy Bác trân trọng những tư tưởng tiến bộ của nhân loại nhưng vừa khéo léo dùng “gậy ông đập lưng ông”, lên án chính kẻ thù đã vi phạm nguyên tắc tốt đẹp do cha ông họ đặt ra.
Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp về chính trị, kinh tế, văn hóa; lên án hành động hèn nhát của Pháp “mở cửa nước ta rước Nhật vào”, rồi “quỳ gối dâng nước ta cho Nhật”; bác bỏ luận điệu sai trái của Pháp là có công “khai hóa” và “bảo hộ” Việt Nam, vạch trần âm mưu lăm le tái chiếm nước ta khi Thế chiến thứ II kết thúc.
Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh, Bác tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Kết thúc bản “Tuyên ngôn độc lập” là lời thề giữ nước, kết tinh truyền thống anh hùng, bất khuất của cả dân tộc: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
PHAN HUY THÙY