Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của dân tộc ta. Cùng với cả nước, Phú Yên đã vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Nhân tố cơ bản và quyết định cho cuộc khởi nghĩa
Ngày 1/9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lúc này thực dân Pháp thực hiện chính sách thực dân hà khắc đối với nước ta; chúng tiến hành những cuộc khủng bố trắng, đàn áp dã man các phong trào yêu nước, thủ tiêu những quyền tự do dân chủ tối thiểu mà Nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939.
Năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, sau đó làm cuộc đảo chính lật đổ thực dân Pháp ở nước ta vào tối 9/3/1945. Tình hình lúc này diễn biến mau lẹ, nhất là khi Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức vào ngày 9/5/1945, phát xít Nhật cũng lâm vào nguy khốn. Lúc này Trung ương Đảng nhận định tình thế và thời cơ cách mạng đã đến, nên quyết định: “Phát động một cao trào kháng Nhật mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” và ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người: “Giờ định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, cả nước vùng lên lật đổ bộ máy cai trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Ở Phú Yên, ngay sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng tình hình không ổn định, một số tù chính trị ở Trà Kê ra khỏi tù và hoạt động tại Phú Yên như Bùi Công Trừng, Hà Huy Giáp. Họ tiếp xúc, trao đổi tình hình, phổ biến chủ trương của Đảng với một số đảng viên, trí thức đang hoạt động ở Tuy Hòa gồm Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bát, Nguyễn Ái, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Chính, Nguyễn Văn Nguyên.
Cùng thời gian này, đồng chí Trần Suyền là sinh viên đang học tại Hà Nội về Tuy Hòa tuyên truyền nội dung báo Cứu Quốc và bản diễn ca chương trình Việt Minh. Tháng 4/1945, Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Phú Yên được thành lập, Đinh Nho Khôi làm thư ký.
Từ ngày 15-20/5/1945, gần 300 chiến sĩ cộng sản thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột trở về các tỉnh Trung kỳ, tham gia phong trào cách mạng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Ở Phú Yên, có các đồng chí Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Sơ và Hoàng Văn Phúc được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực trong Đảng ủy nhà tù Buôn Ma Thuột phân công về hoạt động ở Phú Yên đã cùng cán bộ, trí thức yêu nước trong nhóm Đinh Nho Khôi ở Tuy Hòa tiến hành cuộc vận động cách mạng.
Các hội cứu quốc cũng được thành lập như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc... có hàng nghìn quần chúng tham gia dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng. Công tác tuyên truyền cương lĩnh Mặt trận Việt Minh được đẩy mạnh, nâng cao giác ngộ cách mạng, động viên, hiệu triệu quần chúng vùng lên đánh đổ phát xít Nhật và bọn tay sai bán nước, quyết tâm giành chính quyền về tay Nhân dân. Các phong trào quần chúng hoạt động ngày một mạnh mẽ đã tác động đến chính quyền bù nhìn của địch ở Hòa Đa, Phước Hậu, La Hai và Sông Cầu.
Ngày 12/6/1945, tại nhà ông Cộng Tiếu (một hội viên Hội Nông dân cứu quốc ở làng Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An), các đồng chí Trương Kiểm (Trương Chí Cương), Đoàn Sơ (Sửu), Hoàng Văn Phúc (Xuân) và Lê Cấp (Mẫn) cùng với đồng chí Nguyễn Thái họp bàn việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời và quyết định các nội dung: Khẩn trương nắm chắc các đoàn thể quần chúng, phát động và sẵn sàng huy động lực lượng quần chúng xuống đường; xây dựng các đơn vị tự vệ vũ trang; tổ chức Đại hội Việt Minh tỉnh, định rõ thành phần, thời gian và nội dung đại hội, thông qua đại hội để phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy. Hội nghị ra nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Trương Kiểm, Hoàng Văn Phúc, Lê Cấp, Đoàn Sơ, Nguyễn Thái. Đồng chí Trương Kiểm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
Sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên chính thức đánh dấu sự khôi phục vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng ở Phú Yên. Đây là nhân tố cơ bản và quyết định cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Phú Yên giành thắng lợi.
Chính quyền cách mạng thuộc về Nhân dân
Ngày 17/7/1945, Tỉnh ủy quyết định triệu tập Đại hội Mặt trận Việt Minh tại nhà ông Nguyễn Quốc Thoại ở làng Phước Hậu, khu Tuy Hòa. Khẩu hiệu chung của đại hội là: “Đánh đổ phát xít Nhật! Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim! Việt Nam độc lập! Mặt trận Việt Minh muôn năm!”.
Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, chính phủ bù nhìn lo sợ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam, phong trào chống phát xít Nhật và bù nhìn tay sai diễn ra rầm rộ, không khí khởi nghĩa sục sôi trên khắp cả nước.
Ở Phú Yên, lúc này chính quyền tay sai từ tỉnh đến xã bị tê liệt hoàn toàn, khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân dâng cao, chờ lệnh khởi nghĩa. Song do thông tin liên lạc khó khăn, Phú Yên chưa nhận được kế hoạch khởi nghĩa của trung ương (14/8/1945). Dù vậy, Ủy ban Việt Minh Phú Yên đã chủ động phát động các cuộc biểu tình vũ trang thị uy toàn tỉnh chuẩn bị tiến tới giành chính quyền. Các cuộc biểu tình vũ trang thị uy có hàng nghìn người tham gia công khai, được tổ chức ở La Hai, Tuy An, Đồng Bò, đưa phong trào cách mạng lên đỉnh cao.
Ngày 20/8/1945, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Thư ký Ủy ban Việt Minh tỉnh biết tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh đã huy động lực lượng từ Đồng Xuân về Sông Cầu chuẩn bị khởi nghĩa. Tối 20/8, tại Chí Thạnh - Tuy An, Ủy ban Việt Minh tỉnh nhận định: “Nhật đầu hàng Đồng minh là thời cơ khách quan vô cùng thuận lợi để chúng ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, nếu chậm trễ sẽ không còn cơ hội. Khởi nghĩa là nhiệm vụ cực kỳ trọng đại, là đỉnh cao của bạo lực cách mạng, khởi nghĩa phải có lực lượng mạnh, cùng đồng thời với cả nước”.
Sau các cuộc biểu tình mạnh mẽ và quyết liệt của Nhân dân toàn tỉnh, phát xít Nhật ở Phú Yên bị cô lập hoàn toàn. Sáng 22/8/1945, chúng gấp rút chuyển quân vào Nha Trang. Trước khí thế mạnh mẽ của các cuộc biểu tình khắp cả tỉnh, đồng chí Lê Tự Nhiên, trên đường vào Nam, đến Phú Yên thông báo tin tức về các tỉnh bạn khởi nghĩa. Ngay sau khi nhận mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Trung kỳ, ngày 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh họp quyết định tổng khởi nghĩa vào nửa đêm 24/8/1945.
Sau một ngày khẩn trương chuẩn bị, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, các đội tự vệ bí mật có mặt ở các địa điểm quy định. Lực lượng quần chúng được trang bị gậy, giáo mác, cờ đỏ sao vàng, chia ra từng nhóm ở từng vị trí, sẵn sàng chi viện cho các nơi khi cần thiết. Trong đêm 24 rạng sáng 25/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa lần lượt chiếm đồn khố xanh Sông Cầu, kéo đến dinh tỉnh trưởng, ra lệnh tỉnh trưởng đầu hàng giao nộp tài liệu, ấn tín cho Ủy ban Khởi nghĩa; tuyên bố chính quyền thực dân phong kiến bị xóa bỏ.
Sáng 26/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên ra mắt quần chúng tại tỉnh lỵ Sông Cầu, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời tỉnh; Trương Kiểm (Trương Chí Cương) - Phó Chủ tịch và các ủy viên Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Cưu, Nguyễn Thái, Lê Cấp, Lê Duy Trinh, Phạm Ngọc Quế, Đoàn Sơ.
Ngày 27/8/1945, ở khu Đồng Bò - Tuy Hòa, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã huy động lực lượng công nhân nhà máy và Nhân dân trong vùng tổ chức mít tinh, vũ trang tước vũ khí đồn khố xanh, chiếm nhà Bang Tá thu 8 súng trường, 1 trung liên và 3.000 tấn đường. UBND Cách mạng lâm thời khu Đồng Bò được thành lập do đồng chí Đoàn Sơ (Sửu) làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa, ngày 28/8, hơn 800 quần chúng nhân dân mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hòa kéo nhau về huyện đường biểu tình thị uy, họ mang giáo mác, cung tên chiếm lấy huyện đường và tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai. Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Phú Yên thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cách mạng đã thuộc về Nhân dân. Nhân dân Phú Yên góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
ĐẶNG HỒNG THÁI
Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)