Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 8/6, ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đồng chí Phạm Đại Đại Dương điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN |
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, cùng các đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre và Quảng Trị. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. Tham gia thảo luận có đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các vị ĐBQH trong tổ số 9.
Phát biểu gợi ý thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 gợi ý một số nội dung trọng tâm để các vị ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo nội dung, chương trình kỳ họp đề ra.
Tham gia thảo luận tại tổ, các vị ĐBQH thống nhất với việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ở thời điểm hiện nay để tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC HƠN |
Thảo luận về các dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đặt ra hiện nay và thống nhất việc xem xét, ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên; đánh giá cao các ban soạn thảo các dự án luật đã lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của ĐBQH, các cơ quan hữu quan để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo luật trình kỳ họp đảm bảo kịp thời, chất lượng.
Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) các vị ĐBQH thống nhất việc sửa đổi, bổ sung luật này và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các nội dung của dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống mua bán người, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC HƠN |
Về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các vị ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao; thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ĐBQH đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo luật; đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện…
Các vị ĐBQH cũng đồng tình với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội. Dự thảo luật dự kiến sửa đổi 32/33 điều của luật hiện hành, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều của luật hiện hành… đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo luật, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phát biểu tại tổ, đồng chí Phạm Đại Dương cảm ơn sự tham gia góp ý tâm huyết, trách nhiệm cao của ĐBQH trong tổ; nhiều ý kiến có tính thực tiễn cao, cần được xem xét, đánh giá, tiếp thu để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và các dự án luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua để đảm bảo tính khả thi, phù hợp, hiệu quả. Tổ sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến góp ý của ĐBQH để chuyển đến Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định…
NGỌC HƠN