Tháng 11/2024 là tròn 60 năm kỷ niệm những chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô (11/1964-11/2024) chi viện vũ khí, thuốc men từ miền Bắc cho chiến trường Phú Yên và Khu 5. Ðón xuân Giáp Thìn 2024, Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh, thuyền trưởng tàu C41 anh hùng đã ngoài 90; các cựu chiến binh bảo vệ bến, đón tàu ngày xưa cũng đều ở tuổi xưa nay hiếm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Anh hùng LLVT, Thuyền trưởng tàu C41 Hồ Đắc Thạnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm ở tượng đài Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Những ngày cuối năm, thời tiết se lạnh chuẩn bị chuyển sang mùa xuân ấm áp. Những cánh tay vững chãi năm xưa chèo chống những chuyến hàng vượt biển từ miền Bắc, qua bao hàng rào, mắt lưới của địch để chuyển vũ khí vào Nam; những bàn tay chai sạm từng vác hàng, vận chuyển vũ khí và cầm súng chiến đấu bảo vệ bến, run run ôm nhau trong nỗi xúc động nghẹn ngào…
Hẹn nhau ngày hạnh ngộ
Ban liên lạc Bến Vũng Rô - Tàu Không số hiện không còn nhiều người. Thiếu tá, cựu chiến binh Ngô Văn Ðịnh, Phó Trưởng ban liên lạc Bến Vũng Rô - Tàu Không số cho biết những nhân chứng sống hiện nay chỉ còn: Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh, trung tá Hồ Thanh Bình, thượng úy Tống Trọng Ðiểm, trung úy Ngô Minh Thơ, chị dân công Nguyễn Thị Tảng - người gửi nắm đất Vũng Rô ra miền Bắc, nay được lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân Việt Nam. Trong số đó, người lớn tuổi nhất là trung tá Hồ Thanh Bình, Ðại đội trưởng K60 - đơn vị bảo vệ bến, nay 96 tuổi; người trẻ nhất cũng đã 75 tuổi.
“Sức khỏe không cho phép nên anh em hầu hết là gọi điện thăm hỏi, động viên nhau. Trước tết Giáp Thìn, chúng tôi đánh một chuyến xe đi đến từng nhà thăm nhau, bàn bạc một số việc và hẹn nhau ngày hạnh ngộ 60 năm bến và tàu gặp nhau vào tháng 11 năm nay”, ông Ðịnh nói.
Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh (còn được gọi là Mười Thạnh) chia sẻ: “Anh em chúng tôi là những người may mắn so với nhiều đồng đội. May mắn vì đã vượt qua hòn tên, mũi đạn, được chứng kiến đất nước hòa bình và phát triển. Mình còn khỏe thì còn liên lạc với anh em, nói chuyện truyền thống cho các thế hệ sau hiểu về huyền thoại Bến Vũng Rô - Tàu Không số, hòa chung trong bản hùng ca của đất nước”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Anh hùng LLVT, Thuyền trưởng tàu C41 Hồ Ðắc Thạnh. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Trung úy Ngô Minh Thơ (tên thường gọi là Năm Thơ) là người có mặt trong những ngày đầu thành lập Ðại đội K60. Sau ngày đất nước thống nhất, người thương binh này vẫn không lùi bước trước khó khăn trên mặt trận sản xuất, được nhận nhiều bằng khen do trung ương trao tặng. Ðặc biệt, ông nhiệt tình vô điều kiện với công tác hội, nhất là với Ban liên lạc Bến Vũng Rô - Tàu Không số.
Trong câu chuyện vui, Năm Thơ “lệnh” cho Mười Thạnh: “Tôi, đại diện đơn vị bảo vệ bến, yêu cầu anh Mười Thạnh phải sống vui, sống khỏe, tham gia cùng anh em tổ chức tốt sự kiện 60 năm “tàu và bến”; và tiếp tục các sự kiện 65 năm, 70 năm… hoành tráng!”.
Góp vào câu chuyện, bà Nguyễn Thị Tảng nói: “Trong cuộc đời mình, tôi luôn nhớ mãi lần gặp anh Mười Thạnh, thuyền trưởng Tàu Không số và trao nắm đất Vũng Rô, như một kỷ vật thiêng liêng, son sắt, thay lời cảm ơn sâu sắc của quân và dân Phú Yên”.
Huyền thoại Vũng Rô
Những ngày trước tết Giáp Thìn 2024, Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh và các thành viên trong Ban liên lạc Bến Vũng Rô - Tàu Không số “kín lịch” công tác. Các chú, các bác đi làm phim… tư liệu về “Huyền thoại Vũng Rô và đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Ðoàn làm phim tài liệu của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) vừa xong, các thành viên lại tiếp đoàn làm phim của Ðài Truyền hình Việt Nam, rồi đài truyền hình các tỉnh Nam Bộ và nhiều báo chí trong nước… Tất cả hướng về huyền thoại Vũng Rô trong hành trình lịch sử “Ðường Hồ Chí Minh trên biển”, gặp những nhân chứng hiếm hoi còn sống, minh mẫn như Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh và những chiến sĩ trung kiên bảo vệ bến năm nào.
Vì sao Vũng Rô được cấp trên chọn làm bến, trong khi ở đây lại nằm kế đường sắt và quốc lộ 1, nơi địch bố phòng cẩn mật từ đồn bốt trên bờ, đến ra đa tầm xa và hệ thống tàu tuần duyên trên biển dày đặc?
Lý giải cho thắc mắc này, thiếu tá Ngô Văn Ðịnh cho biết: Vũng Rô có vị trí địa lý đặc biệt và vai trò chiến lược, là nơi gần nhất hải phận quốc tế. Tuy bị địch khống chế từ trên không, trên biển và đất liền, nhưng Vũng Rô nằm trong vùng căn cứ miền Ðông của Tỉnh ủy Phú Yên, có nhiều hang, hốc tạo thành kho chứa vũ khí. Dải hoành sơn liên hoàn nối Vũng Rô với vùng căn cứ ở phía tây của tỉnh và lên Tây Nguyên.
Nói về điều này, thuyền trưởng Hồ Ðắc Thạnh ngắn gọn: “Thời điểm đó, mình sợ nhất là qua vùng biển miền Trung, trạm ra đa của Mỹ trên núi Chóp Chài quét rất xa. Nhưng nơi nguy hiểm nhất sẽ là nơi an toàn nhất, nếu ta biết tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ thì sẽ thắng”.
Và thực tế là thuyền trưởng Hồ Ðắc Thạnh cùng hải đoàn của mình đã 3 lần cập bến Vũng Rô thành công, chi viện hàng trăm tấn vũ khí cho chiến trường Phú Yên và Khu 5, mà không để lại một dấu vết hay sự nghi ngờ nào của địch.
Từ trái sang: Thiếu tá Ngô Văn Ðịnh, trung úy Ngô Minh Thơ, bà Nguyễn Thị Tảng, Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh, trung tá Hồ Thanh Bình, thượng úy Tống Trọng Ðiểm gặp mặt trước tết Giáp Thìn hẹn ngày hạnh ngộ 60 năm Tàu Không số cập bến Vũng Rô. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Không có nỗi vui mừng, hạnh phúc nào hơn khi tàu và bến gặp nhau, nhất là trong hoàn cảnh bí mật chiến tranh. “Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách/ Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi/ Mà hôm nay ta đã đến đây rồi/ Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển” (Anh hùng LLVT Hồ Ðắc Thạnh).
***
Quá khứ hào hùng của Vũng Rô, đang tiếp sức cho hiện tại để hướng về tương lai tươi sáng. Vũng Rô - Tàu Không số xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt, để tôn vinh truyền thống, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; đồng thời là một tượng đài văn hóa, lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ, lòng tự hào của người Việt Nam thế hệ hôm nay và mai sau.
THẾ NHƠN