Hôm nay (8/12), Kỳ họp thứ 18, HĐND khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung, nổi bật là phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Quang cảnh ngày làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: ANH NGỌC |
Mở đầu phiên làm việc trong ngày thứ 3 của kỳ họp này, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường; lãnh đạo các sở, ngành giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển nguồn vốn, giao biên chế cho cấp xã…
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Công Danh là người đầu tiên trả lời chất vấn.
Các đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: ANH NGỌC |
Đại biểu Trần Công Hoan, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi về kết quả chấm điểm chỉ số phòng chống tham nhũng năm 2022 tỉnh đã phản ánh đúng thực chất hay chưa? Giải pháp nào để có điểm đánh giá tốt hơn cho những năm sau?
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Công Danh, tháng 10/2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022, Phú Yên có điểm đánh giá thấp nhất cả nước (đạt 50,02/100 điểm, xếp vị thứ 63/63 tỉnh thành, giảm 3,65 điểm và giảm 7 bậc so với năm 2021).
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tham gia ý kiến trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: ANH NGỌC |
Mặc dù năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, một số nội dung bị mất điểm năm 2021 cũng đã được khắc phục và đạt điểm trong năm 2022, tuy nhiên điểm số vẫn còn thấp, tập trung vào các nội dung như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý tham nhũng; thu hồi tiền và tài sản tham nhũng.
Để có điểm đánh giá tốt hơn cho những năm sau, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác PCTN, kiên quyết xử lý nghiêm những công chức vi phạm; phối hợp MTTQ tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về PCTN, đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời, có hiệu quả đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng; thực hiện việc kê khai, công khai tài sản thu nhập, việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng theo đúng quy định.
Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Đình Tiến giải trình một số vấn đề liên quan mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Ảnh: ANH NGỌC |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa về việc khi nào tỉnh đầu tư hệ thống kênh nhánh và san ủi đồng ruộng thuộc dự án Hồ chứa nước Suối Vực (huyện Sơn Hòa), ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Để phát huy hết năng lực và sử dụng tối đa công suất của công trình hồ chứa nước Suối Vực, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu cho khu vực lân cận là cần thiết.
Tuy nhiên, hiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, nguồn thu rất khó khăn, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh chủ yếu từ nguồn thu quyền sử dụng đất. Trong khi đó, 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản gần như “đóng băng” nên tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án và chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai thực hiện việc đầu tư hệ thống kênh nhánh của Hồ chứa nước suối Vực.
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn giải trình một số vấn đề liên quan mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Ảnh: ANH NGỌC |
Quan tâm đến việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở các cơ quan công quyền, đại biểu Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn: Vì sao tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp của tỉnh đạt thấp, nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh? Sở Nội vụ có những giải pháp, chính sách gì trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo đạt được tỉ lệ đối với từng cấp?
Đại biểu Ka Sô Chiểu. Ảnh: ANH NGỌC |
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ nói chung và cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp.
Hiện toàn tỉnh có 596 người, chiếm tỉ lệ 2,87% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh quản lý, trong đó: cấp tỉnh 143 người, chiếm tỉ lệ 2,01%; cấp huyện 279 người, chiếm tỉ lệ 2,47%; cấp xã 174 người, chiếm tỉ lệ 7,36%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Thời gian đến, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát để tham mưu tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm cán bộ, công chức, viên chức các cấp; tổ chức sát hạch viên chức, cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số đủ điều kiện để tiếp nhận vào công chức cấp huyện, tỉnh; tham mưu UBND tỉnh sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 402 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 93 của UBND tỉnh về thực hiện đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
“Đồng thời, Sở Nội vụ cũng kiến nghị trung ương xem xét việc xây dựng cơ chế, chính sách riêng trong công tác tuyển dụng, phân công, bố trí đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên hệ cử tuyển để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, ông Trương Ngọc Tuấn nói.
Trước khi kết thúc phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Phan Thị Hà Phước, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở TN&MT về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là trong công tác cấp giấy phép khai thác khoáng sản và hoạt động quản lý sau cấp phép?
Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh và đại biểu Phan Thị Hà Phước. Ảnh: ANH NGỌC |
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh cho biết: Thời gian qua, sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và nhất là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản; việc khai thác, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng trên, ngoài sự nỗ lực thực hiện chức trách của sở, cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ và tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các đơn vị chức năng có liên quan, nhất là lực lượng công an trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; vận động người dân tham gia bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Theo ông Đặng Ngọc Anh, thời gian đến, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để kịp thời phục vụ thi công các công trình dân sinh, công trình dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, sở cũng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có bài phát biểu tiếp thu và giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm; Chủ tọa kỳ họp phát biểu kết luận phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
THÙY THẢO