Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời.
Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính vẫn còn một số nội dung chưa đảm bảo tiến độ; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải cách thủ tục hành chính chậm cải thiện…
Đó là nội dung công văn của UBND tỉnh vừa nêu ra và chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp.
Thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; không thể phủ nhận các sở, ban ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Nhưng tại sao tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc vẫn còn xảy ra? Và không thể vì một số cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm mà chúng ta phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị tỉnh cũng như đại đa số cán bộ, công chức đang rất tâm huyết với công việc của mình.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân hệ thống pháp luật, các quy định chưa thực sự thống nhất, còn nhiều vướng mắc nên trong quá trình thực thi công vụ nếu không cẩn thận dễ dẫn đến sai sót. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức yếu; ý thức công vụ chưa cao, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Thực chất của căn bệnh này là sợ bị liên lụy, quy trách nhiệm, chỉ làm việc cầm chừng cho tròn bổn phận công chức. Điều đáng lo ngại của căn bệnh này khiến nhiều công việc bị trì trệ, nhiều nguồn lực không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực trạng này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh nhận diện, cảnh báo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để chấn chỉnh, khắc phục.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, địa phương. Trực tiếp, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền theo sát tình hình thực tế.
Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí, được lượng hóa, kết quả cụ thể bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá làm căn cứ trong bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Cả hệ thống chính trị của tỉnh kiên quyết khắc phục căn bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong cán bộ, công chức. Để làm tròn bổn phận “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy, mỗi cán bộ, công chức cần phải tự soi, tự sửa, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện hơn nữa để giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng.
NGUYỄN QUANG