Đó là chỉ đạo của đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân
Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đạt được những kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
Sông Cầu là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, từ năm 2015-2023, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thị xã đến các xã, phường nơi đây đã triển khai 119 cuộc giám sát, 25 hội nghị phản biện xã hội. Đặc biệt là hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát của cộng đồng đã đi vào nề nếp và phát huy tác dụng, đạt nhiều kết quả tích cực khi đã giám sát 242 vụ việc tại các xã, phường; phát hiện và kiến nghị 311 vụ việc, khắc phục thiếu sót trong quản lý, hoạt động ở cơ sở, nhất là công trình có vốn dân đóng góp, thể hiện dân chủ, công khai minh bạch trong đầu tư.
Trong 10 năm (2014-2023), MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động chọn nội dung, tổ chức 911 cuộc giám sát với những vấn đề người dân quan tâm như: Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… Công tác phản biện xã hội cũng đạt được kết quả nổi bật khi đã tổ chức hơn 140 cuộc phản biện xã hội. Các ý kiến phản biện ngày càng chất lượng, có chọn lọc và đảm bảo tính thực tiễn, cơ sở lý luận. Đặc biệt, việc tổ chức phản biện đối với các dự án ngay từ đầu đã tạo điều kiện để người dân được phát huy quyền dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến các vấn đề liên quan đến dự án, đảm bảo các dự án sau khi triển khai được người dân đồng thuận cao.
“Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Qua đó góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, được người dân đồng tình hưởng ứng”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết.
Một giáo viên góp ý về dự thảo liên quan đến quy định các khoản thu, mức thu hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh được Ủy ban MTTQ tổ chức khảo sát tại huyện Tây Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG |
Nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền
Thực tiễn cho thấy, giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục quán triệt, phổ biến tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nội dung Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân về hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp quan tâm, chủ động tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội, xem đây là một kênh quan trọng, cần thiết để xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Hằng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp bám sát tình hình thực tế của địa phương, chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và người dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp và phát huy vai trò giám sát của Nhân dân về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 10 năm qua, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn lưu ý MTTQ và các tổ chức thành viên nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, làm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng có chất lượng sâu hơn, hiệu quả hơn, góp phần làm cho chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gần gũi với đời sống xã hội; khẳng định được vai trò, vị trí của mặt trận trong giai đoạn mới.
THÚY HẰNG