Sáng nay (26/9), Đại hội đại biểu Hội Nông dân Phú Yên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức diễn ra tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh. Trao đổi với Báo Phú Yên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Xuân Hạnh cho biết:
- Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm nòng cốt trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp hội đã tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân.
Ông Phan Xuân Hạnh |
* Ông có thể cho biết nhiệm kỳ 2018-2023, công tác hội và phong trào nông dân tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật nào?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý điều hành của UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, hội đoàn thể và địa phương, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 12/14 chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể như kết nạp hội viên mới đạt 104%; cơ sở hội chưa thoát nghèo có quỹ hoạt động hội bình quân 1 hội viên từ 50.000 đồng trở lên đạt 206%; hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm đạt 109%; tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân đạt 150%; hội nông dân cấp xã chủ trì, phối hợp tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng được HTX và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đạt 144%...
Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã kết nạp 20.951 hội viên; thành lập mới 49 chi hội và 63 tổ hội nghề nghiệp với 8.546 thành viên; vận động, phát triển tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân các cấp được 8,6 tỉ đồng, nâng tổng quỹ lên hơn 41 tỉ đồng, đã lập 143 dự án với 1.178 lượt hộ vay để phát triển sản xuất. Cùng với đó, toàn tỉnh xây dựng 230 mô hình nhóm, hộ, tổ liên kết, 161 tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả; hỗ trợ đưa 76 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của tỉnh; hướng dẫn nông dân thành lập 13 HTX với 260 thành viên tham gia và 9 tổ hợp tác với 142 thành viên tham gia; xây dựng được 111 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương…
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã huy động nguồn lực của nông dân hơn 537 tỉ đồng, hơn 701.720 công lao động, hiến 428.855m2 đất; trực tiếp hỗ trợ xây dựng 45 nhà Đại đoàn kết cho hộ nông dân nghèo với hơn 1,2 tỉ đồng; tham gia xây dựng 235 mô hình thắp sáng đường quê, lắp hơn 11.000 bóng đèn compact tiết kiệm điện với chiều dài chiếu sáng gần 380km; xây dựng 256km đường nông thôn; sửa chữa 36 chiếc cầu... góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sống ở nông thôn ngày càng tốt hơn.
* Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hội và phong trào nông dân của tỉnh còn những tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?
- Nhiệm kỳ qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hoạt động hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là hoạt động hội ở một số cơ sở chậm đổi mới, còn mang tính hành chính hóa; việc hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp với các sở, ban ngành chưa có sự đồng bộ, thiếu chiều sâu nên chỉ mới tập trung vào công tác tập huấn, tuyên truyền, chưa xây dựng được các mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn, thiếu kinh phí hỗ trợ xây dựng và nhân rộng.
Ngoài ra, công tác chỉ đạo, triển khai phong trào ở một số cơ sở hội chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; chất lượng sinh hoạt một số chi, tổ hội còn mang tính hình thức. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ ở một số cấp hội hiệu quả chưa cao, ngân sách địa phương hỗ trợ còn nhiều hạn chế.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu. Ảnh: NGỌC HÂN |
* Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá nào để tiến tới thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra?
- Trong nhiệm kỳ tới, với tinh thần “Xây dựng tổ chức Hội Nông dân Phú Yên vững mạnh, khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng tỉnh Phú Yên giàu mạnh, văn minh, hiện đại”, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, tập hợp hội viên, nông dân; không ngừng chăm lo cho cán bộ, hội viên, nông dân về vật chất, tinh thần; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân. Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hội nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất và năng lực; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên khởi nghiệp vươn lên; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội. Đồng thời, hội tập trung phát huy vai trò chủ thể, trung tâm, khơi dậy khát vọng của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực đột phá thời gian tới là phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
* Xin cảm ơn ông!
Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh tập trung phát huy vai trò chủ thể, trung tâm, khơi dậy khát vọng của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. |
NGỌC HÂN (thực hiện)