Sau Hiệp định Genève năm 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài 21 năm, hết sức dã man, tàn bạo đối với dân tộc Việt Nam. Đây là cuộc đối đầu lịch sử giữa một đất nước nhỏ bé, còn nghèo nàn và lạc hậu chống lại một cường quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hàng đầu thế giới.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ muôn vàn kính yêu, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta từng bước đánh bại quân xâm lược Mỹ và các nước chư hầu. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân, kết thúc hồi 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, giành thắng lợi hoàn toàn. Năm tháng có thể lùi xa nhưng ý nghĩa lịch sử và thời đại của Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn vang vọng khắp thế giới, cho đến muôn đời con cháu mai sau.
Chấm dứt sự thống trị, nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc
Đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào chiều sâu của lịch sử dân tộc ta. Ý nghĩa của chiến thắng này vẫn còn vọng khắp thế giới và đến muôn đời con cháu mai sau. |
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào trưa 30/4/1975, là mốc son chói lọi, hào hùng của dân tộc ta, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ xâm lược. Với chiến thắng vĩ đại và vô cùng oanh liệt này, nước ta đã chấm dứt hơn 100 năm bị thực dân, đế quốc đô hộ, non sông quy về một mối, đất nước thống nhất. Nói đến sự kiện này, báo chí nước ngoài và bạn bè quốc tế dành cho nước ta thái độ khâm phục, kính trọng. Ngay tại nước Mỹ, tờ Thời báo Los Angles (LA Times), ngày 1/5/1975 viết: “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt”. Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/5/1975 viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng thời đại các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định đổi tên nước ta là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hiệu Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định Nhà nước Việt Nam có hình thức thể chế là cộng hòa XHCN, có chế độ chính trị dân chủ, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Một tương lai hết sức tươi sáng được mở ra đối với dân tộc ta; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như thuở sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự lực, tự cường dân tộc
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta là cuộc chiến không cân sức, trong khi đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hàng đầu thế giới, thì Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu. Vậy sức mạnh nào đã giúp cho dân tộc ta đánh thắng đế quốc Mỹ? Và khẳng định rằng, đó chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự lực, tự cường dân tộc và sự ủng hộ nhiệt thành của Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Nên hiểu rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường tạo nên sức mạnh nội lực vô cùng to lớn đủ sức đánh bại mọi đội quân xâm lược. Còn sự ủng hộ của Nhân dân tiến bộ trên thế giới vừa tạo ra động lực, tăng thêm sức mạnh vật chất, tinh thần cho Nhân dân ta, vừa tạo ra sức ép mạnh mẽ về chính trị, xã hội làm lung lay đến tận gốc rễ sự hung hăng, tàn bạo của những kẻ diều hâu trong giới cầm quyền nước Mỹ. Đó chính là sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp đè bẹp tất cả lũ cướp nước và quân bán nước.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng quang vinh, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là cuộc cách mạng hết sức to lớn, lâu dài, sâu sắc và triệt để, hơn lúc nào hết đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự lập, tự cường dân tộc. Bởi trong thế giới hiện đại, nền kinh tế của mỗi quốc gia đều trở thành một khâu không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hội nhập quốc tế trở thành xu hướng tất yếu, nhưng muốn hội nhập thành công chúng ta phải có thực lực kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, nếu không phát huy cao độ đại đoàn kết toàn dân, tự lực, tự cường dân tộc thì không thể tận dụng được sự giúp đỡ của các nước trên thế giới; sớm hay muộn cũng sẽ rơi vào bẫy lệ thuộc của các loại chủ nghĩa thực dân kiểu mới, đang được các thế lực đen tối giăng ra.
Có thể khẳng định rằng, đại đoàn kết toàn dân, tự lực, tự cường dân tộc là nền tảng vững chắc để chúng ta xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Sau 48 năm giải phóng, cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Phú Yên đang vươn mình phát triển. Trong ảnh: Diện mạo mới của TP Tuy Hòa nhìn từ trục đường Hùng Vương. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Phát huy lên tầm cao mới trí tuệ Việt Nam
Khi nước nhà còn quân xâm lược, đất nước bị chia cắt làm hai miền, mục tiêu chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống oai hùng của dân tộc cùng với sự mưu trí, thông minh, sáng tạo, quân và dân ta đã quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Mục tiêu chiến lược của toàn dân tộc đã được thực hiện triệt để bằng Đại thắng mùa xuân 1975. Đó là bước khởi đầu cho chặng đường tiếp theo còn nhiều gian nan, vất vả nhưng hết sức sâu sắc, toàn diện và một tương lai tươi sáng đang chờ ở phía trước.
Hiện nay, mục tiêu chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đó là mục tiêu cao đẹp, là ước vọng ngàn đời của Nhân dân ta, thế giới này cũng chẳng có ước vọng nào cao hơn. Thực hiện mục tiêu chiến lược đó, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cạnh tranh trong nước, quốc tế diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp và cuộc cách mạng 4.0 phát triển nhanh như vũ bão. Thực tế đó đỏi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một mặt phải phát huy lên tầm cao mới trí tuệ Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác phải hết sức năng động, sáng tạo nhanh chóng tiếp thu những thành tựu mới của cuộc cách mạng 4.0 vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, nước ta là quốc gia tiên phong thực hiện chuyển đổi số, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là lời hiệu triệu non sông, đất nước, là sự khích lệ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đặt tên vùng đất trấn biên là Phú Yên với ước nguyện về một vùng đất trù phú, thanh bình. Phú Yên ngày nay có gần 30 dân tộc anh em cùng chung sống, có nền văn hóa phong phú, đa dạng; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Phú Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên. Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009, là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; liên kết hỗ trợ và chia sẻ với Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa). Theo quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, cảng Bãi Gốc, TX Đông Hòa phục vụ và phát triển Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên).
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng to lớn, toàn diện như vậy, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Yên sẽ kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng của Đại thắng mùa xuân 1975 lên tầm cao mới, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
Đại tá, PGS.TS HOÀNG MINH THẢO
Nguyên Phó trưởng ban Đường lối
và học thuyết quân sự,
Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng)