Thứ Tư, 09/10/2024 13:24 CH
Độc lập hay là chết!
Thứ Ba, 23/09/2008 07:33 SA

“Độc lập hay là chết!”. Đó là lời kêu gọi hừng hực lửa chiến đấu của Ủy ban nhân dân Nam Bộ, ngày 23/9/1945, ngày đầu tiên nhân dân Nam Bộ nổ súng chống cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

 

cho-ben-thanh-080923.jpg

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945) - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Với dã tâm quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, chính phủ Pháp đã quyết định thành lập một đạo quân viễn chinh sang Đông Dương, do tướng Lơ-cơ-léc chỉ huy, đồng thời cử đô đốc Đắc-giăng-li-ơ sang làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Ngày 2/9/1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít-ting mừng ngày Độc lập, quân Pháp đã xả súng bắn làm 47 người chết, nhiều người bị thương.

 

Bốn ngày sau (6/9) phái bộ Anh đến Sài Gòn. Đáng lẽ chúng phải tước vũ khí quân Nhật, theo đúng qui định của Đồng minh, nhưng ngược lại chúng còn trang bị thêm vũ khí cho quân Nhật, viện cớ là để giữ trật tự trị an thành phố, thực chất là để giúp thực dân Pháp tiến hành các hoạt động khiêu khích và xâm lược. Quân Anh còn thả hết số tù binh Pháp do Nhật và ta giam giữ, trang bị vũ khí cho bọn này, và cho chúng đóng giữ một số vị trí quan trọng trong thành phố.

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, bọn lính Pháp vừa được thả ra, cộng với một đơn vị mới từ Pháp sang, núp bóng quân Anh, nổ súng đánh chiếm Sở Cảnh sát, Sở Bưu điện và một số nơi trong thành phố Sài Gòn.

 

Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra Lời kêu gọi, phát động cuộc kháng chiến cứu nước:

 

… “Độc lập hay là chết!

 

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp xâm lược, tiêu diệt bọn tay sai của chúng…”

 

Trong khí thế căm thù sôi sục, các chiến sĩ tự vệ và đồng bào Sài Gòn - Gia Định anh dũng đánh trả kẻ địch bằng mọi vũ khí có trong tay. Đồng thời triệt mọi nguồn tiếp tế của địch, cắt điện, cắt nước nơi chúng đóng quân.

 

Tại Hà Nội, cả ngày và đêm 25/9, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng theo dõi từng giờ tình hình Nam Bộ, nhận được những báo cáo đầu tiên và ra những chỉ thị kháng chiến đầu tiên cho Đảng bộ và đồng bào Nam Bộ.

 

Ngày 26/9/1945, đứng trên vị trí chiến đấu của mình, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ đã được nghe những lời thống thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam:

 

…”Tôi tin và cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”.

 

“Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!”.

 

“Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ nền độc lập của nước nhà”.

 

“… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…”.

 

Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam.

 

Thanh niên miền Bắc, miền Trung nô nức tòng quân và xin được vào Nam chiến đấu. Những chuyến tàu tốc hành chạy ngày đêm không nghỉ. Những chi đội Quân giải phóng Nam tiến đầu tiên đã đến kịp thời, sát cánh với đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến đầu tiên của dân tộc.

 

Lúc này, tỉnh Phú Yên chúng ta đã trở thành một địa bàn có vị trí chiến lược ở Nam Trung Bộ. Bởi vì, từ cuối tháng 9/1945, quân Anh vừa đến Nha Trang đã thả 1.200 lính Pháp bị Nhật giam giữ và trang bị vũ khí cho chúng. Đến ngày 6/10/1945, Pháp cho tàu thủy đổ bộ tăng thêm quân, đánh chiếm Nha Trang và mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ. Quân và dân Phú Yên cùng với quân giải phóng đã chặn bước tiến của địch, đồng thời tổ chức đón tiếp, ủy lạo các đoàn quân Nam tiến, tiếp sức cho các chiến sĩ quân giải phóng để họ đi tiếp vào Sài Gòn.

 

Quân và dân Sài Gòn - Gia Định, nhờ sự chi viện của cả nước, đã anh dũng chiến đấu, kìm chặt kẻ địch suốt một tháng trong thành phố, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Chiến công đó có ý nghĩa to lớn: làm đảo lộn ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc, tạo một khoảng thời gian quý báu để các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

 

“Mùa thu rồi, ngày 23,

 

Ta đi theo tiếng kêu gọi sơn hà nguy biến…”, bài ca hùng tráng bắt đầu từ 23/9/1945, cuộc kháng chiến thần thánh của đồng bào Nam Bộ và cả miền Nam kéo dài ròng rã 30 năm trời cho đến ngày toàn thắng 30/4 năm 1975. “Miền Nam đi trước về sau” thật xứng đáng với lòng yêu mến của đồng bào cả nước và danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.r

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek