Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Philippines, sáng 24/11, tại thủ đô Manila, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philippines, Juan Miguel Zubiri đã tham dự Diễn đàn đầu tư - thương mại Việt Nam - Philippines.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Hạ viện, Thượng viện Philippines; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam; lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, đại diện Bộ Công Thương Philippines, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, Bộ Công Thương Philippines tổ chức dưới sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp hai nước trao đổi, đối thoại, chia sẻ sự quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, để các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… và thành viên trong Đoàn công tác giải đáp ngay.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng sẽ có những kết nối giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đưa quan hệ tin cậy chính trị về ngoại giao giữa hai nước là động lực cho phát triển kinh tế và xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và điểm lại kết quả quan hệ hai nước thời gian qua, tiềm năng hợp tác thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam và Philippines là hai nước chia sẻ nhiều giá trị lợi ích chiến lược tương đồng và là hai nền kinh tế đang phát triển năng động, với thương mại hai chiều đạt 7 tỉ USD.
Diễn đàn này là cơ hội để hai bên thiết lập cơ chế hợp tác, với mục tiêu trước mắt là đến năm 2026 (kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước), kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỉ USD theo hướng cân bằng.
Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt thương mại về nông sản, đảm bảo cung cấp gạo với số lượng lớn, ổn định, với giá cả hợp lý, sẵn sàng nhập khẩu các sản phẩm Philippines có thế mạnh.
Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri đánh giá cao Việt Nam đã vươn lên để trở thành một nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN.
Philippines luôn ngưỡng mộ và có những chương trình phát triển theo hình mẫu của Việt Nam, mong muốn lắng nghe thêm những kinh nghiệm của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng.
Chủ tịch Thượng viện Philippines cho rằng Việt Nam có môi trường đầu tư năng động, mạnh mẽ, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ bản thân đã được trải nghiệm điều này, Chủ tịch Thượng viện Philippines khẳng định cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam một cách đầy đủ hơn.
Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri cho biết nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Philippines, Philippines đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 31% xuống còn 25%. Đây là mức thuế trung bình nhằm thu hút đầu tư, trong đó có các nhà doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri với đại biểu. Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ với các nhà đầu tư, quản lý kinh doanh nhiều tập đoàn, công ty lớn của bạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm 2021, mặc dù bị tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương thuộc nhóm cao nhất thế giới là 2,58%. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi bứt phá rất ngoạn mục với quý sau tăng hơn quý trước.
Các quyết sách, kế hoạch phù hợp của Quốc hội, Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả: Về tài khóa và tiền tệ, khoảng 8,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam được dùng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch.
Trong năm 2022, Quốc hội Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư 6 dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước rằng: “Tiềm năng hợp tác của chúng ta còn rất lớn và diễn đàn hôm nay là một trong những động lực để thiết lập các cơ chế hợp tác. Chính phủ và Quốc hội hai nước sẽ tạo mọi điều kiện, nhưng làm được hay không là ở các nhà đầu tư, các doanh nghiệp”.
Đề cập về đầu tư nước ngoài, trên cơ sở môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam luôn luôn được cải thiện, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh không ngừng được Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam đã trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và cũng là một nước được thế giới đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn hấp dẫn.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ đầu tư với 141 quốc gia và vùng lãnh thổ với 135.000 dự án đang có hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 435 tỉ USD.
Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Với kết quả đó, Việt Nam đã được Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) xếp vào danh sách 20 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Việt Nam và Philippines chia sẻ nhiều giá trị lợi ích chiến lược, tương đồng. Hai nước có vị thế quan trọng trong ASEAN và là hai nền kinh tế đang phát triển rất năng động, tích cực, không cạnh tranh mà có tính chất bổ sung cho nhau”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Philippines hiện nay hầu như rất ít hoặc ngược lại các nhà đầu tư của Philippines chỉ đầu tư vào Việt Nam mới chỉ có khoảng 600 triệu USD.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng lực vốn có của hai nước. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất cho đến nay của Philippins trong ASEAN và khoảng cách địa lý thì rất gần gũi”.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp hai bên đã tham gia các nội dung thảo luận trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp Philippines bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực phát triển xe điện, cho rằng hai bên có thể hợp tác “nhảy cách”, bỏ qua lĩnh vực sản xuất ôtô truyền thống khi Philippines có điều kiện về nguyên liệu, “kim loại xanh” trong sản xuất linh kiện ácquy điện, có trung tâm phát triển phần mềm.
Cùng với lĩnh vực may mặc, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo do có sự tương đồng trong chính sách phát triển và cùng có bờ biển dài, nguồn năng lượng Mặt Trời lớn, cùng hướng tới thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Do đó, doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác trong sản xuất cấu phần linh kiện, thiết bị để khai thác năng lượng tái tạo.
Tại diễn đàn, đại diện các bộ, ngành Việt Nam và Philippines đã giải đáp câu hỏi quan tâm của doanh nghiệp hai nước về nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng của Philippines; về việc chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam…
Các ý kiến phát biểu của đại biểu hai nước còn nêu tiềm năng hợp tác đầu tư sản xuất ximăng, thép xây dựng, vật liệu xây dựng, giày dép, thương mại điện tử, công nghiệp…
Trong bối cảnh học tiếng Anh trực tuyến đang trở thành thị trường tiềm năng, một số doanh nghiệp Việt Nam nêu nhu cầu cần giáo viên Philippines giỏi tiếng Anh. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines cho biết đây là lĩnh vực có thế mạnh của Philippines, nước đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình hợp tác tương tự tại Thái Lan và Campuchia.
Là quốc gia có tới 113 triệu dân, nhu cầu lương thực là rất lớn, bên cạnh nhập khẩu gạo, một số doanh nghiệp Philippines quan tâm đến việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đang chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp, nhưng vẫn ưu tiên những mặt hàng nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh để sản xuất với khối lượng lớn.
Thị trường Philippines và các nước khu vực ASEAN luôn là những ưu tiên cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh, hợp tác xuất nhập khẩu, việc thúc đẩy các hợp tác đầu tư mới; đưa ra tầm nhìn, định hướng, giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho rằng thời gian tới hai bên cần mở rộng hơn nữa trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành hữu quan của Philippines tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp hai nước, với Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam nhằm tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, kết nối doanh nghiệp để hai bên trao đổi, tìm hiểu chính sách, thị trường; khẳng định Việt Nam tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thân thiện, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, các đối tác, trong đó có Philippines tiếp cận các nguồn lực, thực hiện các ý tưởng đầu tư, kinh doanh, hợp tác với Việt Nam.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines George T.Barcelon, đại diện Bộ Công Thương Philippines đã chứng kiến một số doanh nghiệp hai nước trao thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực xuất nhập khẩu ximăng và clinker; chỉ định nhà phân phối vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi tại Philippines.
Cũng trong sáng 24/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới đặt hoa tại Tượng đài Rizal và đặt hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công viên ASEAN.
Tượng đài Hồ Chí Minh nằm ở khu phố cổ Intramuros của thủ đô Manila, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Philippines và Việt Nam (tháng 10/2011).
Theo TTXVN/Vietnam+