Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng, tài năng, đạo đức và tư duy xuất sắc của đồng chí đã góp phần hình thành những quyết sách mang tính chiến lược của Đảng, tạo bước đột phá, mang tầm vóc lịch sử cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kV Pleiku, ngày 3/11/1993. Ảnh: TƯ LIỆU |
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo. Với tuổi thơ vất vả, đầy gian khó, cùng với truyền thống văn hiến, yêu nước của quê hương đã giúp đồng chí sớm giác ngộ và hình thành lý tưởng cách mạng. Năm 1938, đồng chí tham gia phong trào Thanh niên phản đế và sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn có mặt ở chiến trường Nam Bộ ác liệt, với nhiều trọng trách chủ chốt, cùng đồng bào, chiến sĩ vượt qua vô vàn gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công to lớn, đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên các cương vị công tác, đặc biệt khi đảm đương trọng trách Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn thể hiện là một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ. Với bản lĩnh, tư duy và tầm nhìn chiến lược; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, đồng chí luôn tìm tòi, trăn trở tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo bằng những quyết sách năng động, táo bạo, phù hợp với thực tiễn. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Dấu ấn nổi bật trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ gắn liền với những cống hiến lớn lao cho Đảng, cho cách mạng, cho Nhân dân mà còn là một tấm gương lớn về nhân cách, đạo đức mẫu mực, trong sáng. Trong đó, nổi bật là sự kiên định, lòng trung kiên cùng ý chí và hành động cách mạng của đồng chí luôn gắn với nhau và biến thành hành động quyết liệt. Dù ở bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, đồng chí cũng vượt qua mọi khó khăn, gian nan trở ngại để hoàn thành bằng được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Điều đó tạo ra sức lôi cuốn to lớn, chinh phục lòng người, đoàn kết, động viên được toàn dân chiến đấu, lao động quên mình trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. |
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách năng động, táo bạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định tình hình thành phố những năm đầu giải phóng. Đồng chí được Nhân dân yêu mến gọi là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố những năm 1980-1981; hay “Bí thư xé rào” do đã vượt qua lối tư duy cũ, bám sát yêu cầu của thực tiễn, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của thành phố, tạo điều kiện để sức sản xuất được “bung ra”, từng bước xóa bỏ tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” ở đồng bằng sông Cửu Long, cứu đói cho Nhân dân, cứu nguy cho nền kinh tế thành phố, tạo tiền đề vững chắc để đưa TP Hồ Chí Minh sau này trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, đồng chí đã động viên được nhiều lực lượng xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nổi bật nhất là những đóng góp của đồng chí về lý luận và thực tiễn để chuyển đổi nền kinh tế; nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra những chính sách có tính đột phá, như: xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn cả trung ương và địa phương được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng 2 giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ “ngăn sông, cấm chợ”, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước... Đây là cơ sở, tiền đề để nước ta chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (sau này là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Qua đó khơi dậy động lực, sức sản xuất to lớn trong xã hội; đưa Việt Nam từ một nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh tàn phá, trên bờ vực khủng hoảng, lạm phát với tốc độ “phi mã”… dần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, từ nước phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Đồng chí Võ Văn Kiệt được tôn vinh là “Kiến trúc sư của đổi mới”(1), một nhà thi công tài ba của những quyết định và dự án tầm cỡ; có khả năng truyền lửa, gieo mầm cho những ý tưởng sáng tạo. Sự phát triển của các ngành như: dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng… đều mang đậm dấu ấn khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của đồng chí. Nhân dân luôn khắc ghi những công trình thế kỷ của đất nước, như: Công trình điện năng lớn (Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau); đường dây truyền tải điện 500KV Bắc - Nam; các công trình giao thông (cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận); các dự án, công trình lớn: công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây kè đê Yên Phụ... Những công trình đó không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, mà còn khẳng định tâm huyết, tầm nhìn, trí tuệ, tài năng xuất sắc và những nỗ lực phi thường của đồng chí trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Những đóng góp mang tính chất bước ngoặt trong công tác đối ngoại
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác đối ngoại, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tích cực triển khai đường lối đối ngoại: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(2), để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vươn ra biển lớn, hình thành đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ quốc tế, thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới. Đối với các nước láng giềng, khu vực, đồng chí chủ trương giải quyết các vấn đề tồn đọng bằng đàm phán, thông qua hợp tác phát triển. Đối với Mỹ, “khép lại quá khứ”, hướng đến tương lai. Đồng thời tiếp tục củng cố quan hệ với các bạn bè cũ như: khối Bắc Âu, Đông Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tích cực tham gia các tổ chức tài chính quốc tế(3). Với chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam đã phát huy được nội lực, thoát khỏi tình trạng bao vây, cấm vận; giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước láng giềng và khu vực, trong đó có các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), sau này trở thành những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Với tư duy và hành động quyết liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt đã gửi ra thế giới những thông điệp mới về Việt Nam, một đất nước khát khao hòa bình và phát triển. Đây là những đóng góp quan trọng của đồng chí trong công tác đối ngoại, góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, từng bước khẳng định giá trị và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
* Ghi chú:
(1) - Theo nhận xét của GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia. Xem Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6/2013, tr.85.
(2) - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H.1997, tr.48-49.
(3) - Tháng 11/1991, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu thăm Trung Quốc, chính thức bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 11/7/1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ngày 28/7/1995, Việt Nam được chính thức kết nạp vào ASEAN, đánh dấu cột mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á.
(Tạp chí QPTD)