Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa.
Cô gái người dân tộc Tày ở Định Hóa đang hái chè. Ảnh: Lưu Sĩ Mùi
Lần theo câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu, chúng tôi trở về chiến khu Việt Bắc hay còn gọi “Thủ đô gió ngàn” năm xưa. Nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Những địa danh như Định Biên, Điềm Mặc, Phú Đình (Định Hóa - Thái Nguyên), Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang), có hàng nghìn di tích lịch sử đã được trung ương xếp hạng, đồng thời là khu du lịch sinh thái để du khách đến tham quan.
Cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn), các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên) được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm khu vực ATK (an toàn khu). Sáng ngày 1/1/1948, Hồ Chủ Tịch đã chuyển từ bản Ca, xã Bình Trung huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) về bản Khuôn Tát, xã Phú Đình huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Tại lán Tỉn Keo, Bác Hồ đã tổ chức nhiều hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng để “luận bàn việc công”. Cũng tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương mở rộng, Bác đã chủ tọa phiên họp Chính phủ để xét khen thưởng bộ đội lập chiến công. Bác đã ký 22 sắc lệnh trong đó có sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ và Bác cũng ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số tướng lĩnh khác.
Tại xã Phú Đình, Bác sống trong một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, giản dị:
Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang bộ Tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng rào kín mái
Gần dân, không gần đường.
Chỉ mấy câu thơ trên của Bác, cho ta thấy Bác chọn nơi ở và làm việc rất tinh tế. Ở gần dân là luôn được dân che chở; gần Bộ Tổng tham mưu, gần Trung ương để kịp thời họp hành, chỉ đạo; Không gần đường là để tránh con mắt tò mò của kẻ xấu và gián điệp. Phải có núi, có sông, để cuộc sống luôn gần gũi với thiên nhiên, có đất để tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn và có sân bãi để tập thể thao, rèn luyện sức khỏe…
Những ngày ở chiến khu, Bác Hồ đã làm thơ ca ngợi cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ núi rừng Việt Bắc rất hay:
Cảnh rừng Việt bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa hạc cũ với xuân này.
Phải nói rằng qua hơn 61 năm, từ khi Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, - ATK - Thủ đô kháng chiến đến hôm nay, khu vực này đã có nhiều đổi mới. Hàng nghìn ha đồi núi ở các xã vùng ATK đã được bao phủ bởi chè xanh bạt ngàn chè, trở thành một trong những vùng chè trọng điểm của Thái Nguyên với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.
Được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, cộng với chương trình 134 và 135 ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn, đường vào các xã ATK đã được trải nhựa, ô tô, xe máy đến tận các thôn bản. Bộ mặt nông thôn đang hàng ngày đổi mới. Trường THCS ở các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Bình Thành đã được đầu tư xây dựng nhà 2-3 tầng hoàn chỉnh. Trạm y tế đủ cán bộ, bác sĩ và giường điều trị chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đặc biệt Thủ đô gió ngàn được đầu tư thành khu du lịch lịch sử và sinh thái. Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trên đồi cao Tỉn Keo. Bảo tàng ATK nằm ngay khu di tích Tỉn keo, mỗi ngày đón hàng trăm du khách tới thăm. Các điểm di tích, nơi ra đời các cơ quan, ban ngành của Đảng và Nhà nước được đầu tư xây dựng, tôn tạo thành nơi sinh hoạt văn hóa cho đồng bào địa phương và là cội nguồn để các thế hệ mai sau tới thăm, ghi nhận và tiếp thu truyền thống cách mạng. ATK - Thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn là cái nôi của cách mạng Việt
LƯU SĨ MÙI