Thứ Sáu, 04/10/2024 00:18 SA
Xuân về nhớ thơ chúc Tết Nhâm Dần của Bác Hồ
Thứ Hai, 31/01/2022 18:00 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Ðảng vui đón xuân với các cháu nhi đồng. Ảnh: TƯ LIỆU

Thơ chúc tết của Bác Hồ thường mộc mạc, chân thành, gửi cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài để ngợi khen những thành tựu đạt được của một năm cũ và đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho năm mới, động viên mọi người tiến lên hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người sớm nhận ra “sức mạnh mềm” của văn hóa và sử dụng ngòi bút để “làm đòn xoay chế độ”. Ở khía cạnh này, Bác Hồ còn được biết đến như một nhà báo, một nhà thơ. Với thơ, bên cạnh tập Nhật ký trong tù và nhiều bài thơ khác, Người để lại cho chúng ta những bài thơ chúc tết chứa đựng tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng. Từ bài thơ chúc tết đầu tiên vào xuân Nhâm Ngọ (1942) đến bài thơ chúc tết cuối cùng - xuân Kỷ Dậu (1969), có 22 bài thơ chúc tết được Bác Hồ viết với tình cảm ấm áp yêu thương mỗi khi xuân về, tết đến.

 

“MÓN ĂN TINH THẦN” KHÔNG THỂ THIẾU

 

Trong một thời gian dài, vào thời khắc giao thừa, lắng nghe thơ chúc tết của Bác Hồ đã trở thành “món ăn tinh thần” của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Khi Người đã về với Các Mác, Lê Nin, tết đến ước mong được nghe thơ Bác vẫn là niềm vui gắn liền với những kỷ niệm về Bác. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

 

“Bác ơi!

Tết đến. Giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...”

 

Xuân Nhâm Dần năm nay (2022) đánh dấu 60 năm - bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962) của Bác Hồ.

 

Bài thơ chúc tết này của Bác ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Việt Nam trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh giành độc lập đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Nhiều nước noi gương Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX - tạo nên làn sóng “Châu Phi xanh”.

 

Tháng 9/1960, Ðại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng đã thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong diễn văn khai mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và khẳng định: “Ðại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Chuyển tải quyết tâm cách mạng ấy, bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962) thể hiện tinh thần hào sảng, cổ vũ tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc trên thế giới và khát vọng độc lập, thống nhất, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trong Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962), Người viết:

 

“Năm Dần, mừng xuân thế giới,

Cả năm châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên Hải, Ðại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng biển Ðông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hòa bình thống nhất quyết thành công”

 

Sau Ðại hội toàn quốc lần thứ III của Ðảng, với khí thế cách mạng tiến công, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ở miền Bắc - hậu phương lớn, đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu là: “Sóng Duyên Hải”, “Gió Ðại Phong”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ Ba Nhất”. Vì vậy, trong bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962), sau khi cổ vũ phong trào đấu tranh trên thế giới “Cả năm châu phấp phới cờ hồng”, Người nêu gương hai phong trào thi đua sôi nổi, phấn khởi và tiêu biểu ở miền Bắc lúc bấy giờ: “Bốn mùa hoa Duyên Hải, Ðại Phong”.

 

TRUYỀN THÔNG ÐIỆP BẰNG VĂN CHƯƠNG

 

Ðầu năm 1960, với “Thi đua ái quốc”, phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) đã được tập thể cán bộ, công nhân hưởng ứng mạnh mẽ. Chỉ trong vòng hai tháng, 237 chỉ tiêu định mức lao động, kỹ thuật đã được thực hiện vượt mức. Năng suất lao động tăng từ 50-610%. Với khí thế ấy, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đã trở thành lá cờ đầu của ngành Công nghiệp miền Bắc tạo nên “Sóng Duyên Hải”.

 

Vào những năm 1961-1965, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Ðại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã năng động, nhạy bén, xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trở thành mô hình kiểu mẫu ở miền Bắc. “Gió Ðại Phong” trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất của tập thể nhân dân lao động miền Bắc trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

 

Cả bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962) của Bác Hồ đã lan tỏa tinh thần thi đua phấn khởi, là tiếng kèn xung trận, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cách mạng, vì độc lập, vì tự do, tiến tới xây dựng một xã hội tốt đẹp: “Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới/ Sức triệu người hơn sóng biển Ðông/ Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/ Hòa bình thống nhất quyết thành công”.

 

Hiện nay, cả nước ta đang “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Ðây cũng là thời điểm bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962) của Bác Hồ tròn 60 năm. Ðọc lại những vần thơ chúc tết của Bác, chúng ta càng tôn kính Bác Hồ và tự hào với những thành quả mà đất nước đã đạt được, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

 

Sáu mươi năm, đọc lại bài thơ Chúc tết xuân Nhâm Dần (1962) của Bác Hồ ta vẫn cảm nhận được không khí thi đua phấn khởi, tinh thần cách mạng tiến công được truyền đi bằng thông điệp văn chương. Ðiều đó thật ý nghĩa và có giá trị dài lâu! 

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ và đúng về “sức mạnh mềm”, về vai trò của văn học - nghệ thuật trong đấu tranh cách mạng - nó như là một vũ khí sắc bén, có tác dụng to lớn. Với cách tiếp cận ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện không chỉ trong những quan điểm, đường lối chỉ đạo cách mạng, trong các bài viết chính luận mà còn thể hiện trong các tác phẩm văn chương được Người sáng tác với mục đích tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.

 

TS TRẦN LĂNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek