Sáng 23/10, tại Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển Bến tàu Không số Vũng Rô, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021).
Dự lễ có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Đào Tấn Lộc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trúc, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại tá Lã Văn Hùng, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41 Đoàn tàu Không số; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Phi Thưởng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên chiến sĩ K60 đơn vị bảo vệ Bến Vũng Rô; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và TX Đông Hòa; cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên…
Đồng chí Trần Hữu Thế đọc diễn văn ôn lại quá trình mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Hữu Thế đã đọc diễn văn ôn lại quá trình mở đường Hồ Chí Minh trên biển, nêu rõ: Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 15 (vào tháng 1/1959), phong trào cách mạng miền Nam nói chung, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy, đấu tranh vũ trang, tiến công quân sự diễn ra khắp các địa phương. Vì vậy, nhu cầu vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5 là đòi hỏi cấp bách, có tính chất sống còn đối với phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông để chi viện cho miền Nam, trước tiên là cho Nam Bộ, Nam Trung Bộ - những nơi đường bộ 559 vượt dãy Trường Sơn chưa vươn tới. Ngày 23/11/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy do trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Đây là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam.
Cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Tại Phú Yên, ngày 16/11/1964, Tàu 41 Đoàn tàu Không số chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy lần đầu tiên cập bến Vũng Rô. Và chỉ trong 2 tháng, với 3 lần Tàu Không số cập bến Vũng Rô an toàn, Phú Yên đã nhận được hơn 10.000 khẩu súng các loại, 10 tấn đạn và 1 tấn thuốc tân dược. Sau sự kiện Vũng Rô (Tàu 143 vô tình bị địch phát hiện, buộc ta phải phá hủy tàu), những chuyến tàu Không số tiếp tục được tổ chức chặt chẽ, chu đáo. Địch phong tỏa đường này ta đi đường khác, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu để giữ bí mật nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Hữu Thế khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. 60 năm đã trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển gắn với những con tàu Không số mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta; là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc ta.
Tự hào về truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên hôm nay và mai sau luôn trân trọng gìn giữ, phát huy; quyết tâm biến chủ nghĩa anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với những công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, viết tiếp trang sử vàng vẻ vang, hào hùng của dân tộc và quê hương”, đồng chí Trần Hữu Thế nhấn mạnh.
Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Phát biểu tại buổi lễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được trực tiếp làm nhiệm vụ trên những con tàu Không số vận chuyển vũ khí, trang bị và cả niềm tin tất thắng của hậu phương lớn miền Bắc đến với đồng bào và chiến sĩ miền Nam ruột thịt. Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và chia sẻ nỗi đau thương mất mát đến các mẹ, chị, vợ của những đồng đội trên hai miền đất nước đã ra đi mãi mãi không về hoặc về với những thương tật nặng nề.
Thay mặt tuổi trẻ tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh đoàn Phan Xuân Hạnh bày tỏ lòng tri ân và nguyện tiếp bước các thế hệ cha ông đã làm rạng rỡ truyền thống hào hùng của dân tộc; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi, kiên cường; ra sức học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, là lực lượng xung kích trong tình hình mới; biến quyết tâm thành hành động, biến lời hứa thành việc làm hiện thực để xứng đáng với lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Dịp này, các đại biểu đã đến dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Bến tàu Không số Vũng Rô.
XUÂN HIẾU