Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn bài viết đăng trên tờ New Straits Times của Malaysia nhận định rằng trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cho khu vực.
Điều này thể hiện rõ qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội ngày 26/6 vừa qua, khi Việt Nam thể hiện vị thế một thành viên đã có 25 năm gia nhập tổ chức khu vực này. Bài báo cũng nêu bật những đóng góp của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN.4
Bài báo trích dẫn những trao đổi với một quan chức ngoại giao Việt Nam, nhận định nước Chủ tịch ASEAN 2020 không chỉ tổ chức một hội nghị cấp cao lịch sử trong bối cảnh tình hình đầy thách thức mà còn tiếp tục thực hiện thành công chủ đề của hội nghị “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Hội nghị lần này đã thúc đẩy các nước thành viên ASEAN cùng nhau hướng tới đạt được một kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện tiến bộ khu vực hậu COVID-19, trong đó, Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm 25 năm quý báu của mình với tư cách là thành viên ASEAN trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, thể hiện nỗ lực phối hợp nhằm đảm bảo khả năng phục hồi và bền vững toàn cầu và khu vực.
Kể từ khi gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác nội khối và mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã nổi nên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, trong khi đóng góp vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và an ninh của khu vực.
Tác giả bài viết chia sẻ quan điểm của Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, cho rằng các ưu tiên của Việt Nam bao gồm thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực vững mạnh.
Theo Tiến sĩ Trần Việt Thái, điều này có thể đạt được bằng cách giúp ASEAN đoàn kết, duy trì tính trung tâm của khối khi đối mặt với rất nhiều siêu cường. Ông nhấn mạnh Việt Nam có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng ngày càng gia tăng, được đánh giá là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.
Bài báo cũng nêu bật các dấu mốc của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998, tức là chỉ 3 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối.
Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu với tư cách là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN 2001 và nước Chủ tịch ASEAN 2010. Ở hai cương vị này Việt Nam đã giúp thúc đẩy một bước tiến lớn hướng tới thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, qua đó tăng cường vai trò và vị thế quốc tế của khối.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có những đóng góp cho quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN thông qua cơ chế hợp tác cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga, Mỹ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và việc ASEAN được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tiếp sau là hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009-2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN”.
Bài viết dẫn lời cựu Đại sứ Singapore tại Việt Nam Teck Hean đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động trong phát triển kinh tế. Theo ông, quốc gia Đông Nam Á này phát triển nhanh hơn nhiều nước trong khu vực và chính sự phát triển này đã giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực.
Theo TTXVN/Vietnam+