Thứ Bảy, 18/01/2025 04:31 SA
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ:
Tình quân dân và những năm tháng bị quản thúc ở Phú Yên
Chủ Nhật, 05/07/2020 09:09 SA

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: THIÊN LÝ

Xuyên suốt thời gian tham gia các phong trào cách mạng của giới trí thức Sài Gòn đến những năm tháng bị quản thúc tại Phú Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã ghi dấu với hình ảnh một trí thức cách mạng vừa kiên định, vừa tình nghĩa.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quân, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân Luật hạng ưu tại Pháp, đến tháng 5/1933, ông rời Pháp về quê hương làm luật sư.

 

Đấu tranh không mệt mỏi

 

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã quy tụ được đông đảo quần chúng, học sinh, sinh viên, trí thức tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng. Không chỉ được biết đến là người luôn đấu tranh bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị bắt giữ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ còn là người đi đầu trong việc vận động sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.

 

Vào những năm đầu của thập niên 50 thế kỷ XX, trong khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp đang rền vang trên khắp các chiến trường thì bầu không khí ở Sài Gòn cũng sôi sục bởi các cuộc xuống đường biểu tình của quần chúng nhân dân. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hoạt động tích cực, luôn bên cạnh hỗ trợ phong trào của giới trẻ Sài Gòn và đã cùng các cộng sự thành lập Phái đoàn đại biểu các giới; đồng thời là người đứng đầu. Hoạt động mạnh mẽ và công khai của Phái đoàn đại biểu các giới đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền ngụy.

 

Ngày 16/3/1950, Mỹ có hành động can thiệp, trợ giúp quân sự cho Pháp. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhân danh Phái đoàn đại biểu các giới đứng ra vận động nhân dân Sài Gòn tổ chức mít tinh phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ. Vô cùng tức tối trước sự chống đối công khai của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và phái đoàn, ngày 19/3/1950, chính quyền địch đã phát lệnh bắt ông. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, trước lời phản kháng đanh thép, những lập luận chặt chẽ của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các cộng sự, tòa tuyên bố trả tự do cho ông.

 

Sau khi tự do, Luật sư tiếp tục cùng Phái đoàn đại biểu các giới hoạt động theo hình thức rải truyền đơn. Trưa 13/4/1950, cảnh sát Sài Gòn lại bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Rút kinh nghiệm từ phiên tòa xét xử lần trước, chúng bàn cách đày ông đi biệt xứ, hòng cách ly với phong trào cách mạng và hy vọng nơi rừng thiêng nước độc, thiếu thốn, bệnh tật sẽ giết hại hoạt động, chí ít cũng khuất phục được tinh thần đấu tranh của người trí thức cách mạng.

 

Sau nhiều lần di chuyển nơi quản thúc, giam giữ và trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhất là sự đấu tranh liên tục của các đồng nghiệp trong Đoàn Luật sư Sài Gòn, tháng 10/1952, chính quyền bù nhìn và quan thầy thực dân Pháp phải trả tự do cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia hội nghị thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình với vai trò là Phó Chủ tịch trực tiếp điều hành mọi hoạt động của phong trào. Chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách xuyên tạc, vu cáo để bắt giam các lãnh đạo của phong trào này. Ngày 15/11/1954, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị bắt tại nhà riêng. Đến tháng 4/1955, ông cùng một số người bị đưa đi cưỡng bách cư trú tại xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, Phú Yên.

 

Lòng dân với cách mạng

 

Phú Yên - với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nơi bị giam lỏng nhưng đồng thời cũng là quê hương thứ hai của ông. Vùng đất Hòa Thịnh, với chính quyền Mỹ - Diệm là địa điểm lý tưởng để quản thúc thì với ông lại là một cơ sở với truyền thống cách mạng, từ trong kháng chiến chống Pháp, mỗi thôn đều có chi bộ đảng bí mật. Do vậy, khi địch đưa “đoàn hòa bình” đến hôm trước thì hôm sau cả huyện đã biết, ai nấy đều phấn khởi chào đón “ông luật sư hòa bình”.

 

Gần 7 năm bị quản thúc ở Phú Yên là khoảng thời gian Luật sư có nhiều kỷ niệm với quân dân Phú Yên. Nhiều câu chuyện về tình nghĩa giữa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với nhân dân Phú Yên đã làm nên những trang lịch sử đẹp giữa cuộc chiến ác liệt của nhân dân Việt Nam đấu tranh giành giữ độc lập, tự do.

 

Mỗi nơi chính quyền Diệm đưa “đoàn hòa bình” đến quản thúc, chúng đều tiến hành các đợt khủng bổ trắng, giết hại nhiều người nhằm ngăn chặn nhân dân tiếp xúc với thành viên đoàn. Bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các đồng chí của ông vẫn giữ thái độ ung dung, thường xuyên dạo chơi với bà con trong ấp. Luật sư cũng thường đến chơi cờ tướng với ông Tám Láng, một cơ sở mật của ta ở ấp Tây Hòa. Chính tinh thần và thái độ hiên ngang của “đoàn hòa bình” đã khiến nhân dân trong vùng kính phục. Đồng bào không dám đến thăm chỗ ở của đoàn nhưng khi gặp ngoài đường, trong chợ, bờ sông..., họ đều kính cẩn nháy mắt, mỉm cười, bí mật chào các ông.

 

Một lần, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng người trong đoàn treo cờ không đúng vào ngày “Quốc khánh” của Diệm, tên quận trưởng Nhân và bè lũ rất căm tức, chúng dùng cách bắt đồng bào phải cầm gậy đánh các ông và hô khẩu hiệu “Đả đảo bọn trí thức coi thường quốc kỳ quốc gia”. Đồng bào không chịu, chỉ có mấy tên lưu manh xông vào đánh các ông. Bọn chúng còn tuyên bố đồng bào không được bán gạo, thức ăn cho “đoàn hòa bình”. Tưởng dân sợ nghe lời địch, nhưng thật bất ngờ, đêm đến, nhân dân đã bí mật đem gạo, thịt, rau, củi... lặng lẽ để trên hè nhà của “đoàn hòa bình”.

 

Sự gắn bó giữa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với quê hương Phú Yên không chỉ trong sinh hoạt thường ngày, mà còn là sự đùm bọc bảo vệ nhau giữa sự tàn ác của chính quyền Mỹ - Diệm. Từ giữa năm 1960, Tỉnh ủy Phú Yên đã được Khu ủy Khu 5 giao nhiệm vụ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với “Kế hoạch chị Ba Nghĩa”.

 

Cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một quá trình gian nan, vất vả. Xuyên suốt ba lần giải thoát Luật sư đều có sự tham gia của thanh niên yêu nước, hội viên Hội Mẹ chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp, em bé Phú Yên, các chiến sĩ cách mạng... Qua đó thấy được rằng, tấm lòng của nhân dân Phú Yên đối với người chiến sĩ trí thức Việt Nam là cả một bầu trời tình nghĩa.

 

Trong cuộc giải thoát lần thứ nhất thất bại, ông Nguyễn Sự - một thanh niên nghèo giác ngộ cách mạng từ thời chống Pháp và bà Võ Thị Hồng Giác (tự Thanh) bị bắt đến đối chất, tra tấn trước mặt Luật sư, nhưng đều lắc đầu nói không quen biết. Phương án dùng lực lượng vũ trang đặc biệt bất ngờ tập kích chi khu quận lỵ Củng Sơn giải thoát Luật sư lần thứ hai thất bại, nhưng Trung ương Cục, Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Phú Yên không nản. Lần thứ ba, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền và Trưởng Ban Quân sự tỉnh Nguyễn Lầu lập kế hoạch, cùng sự hỗ trợ của bà giáo Sáu, có gian hàng tạp hóa cạnh đường - người chỉ đường cho Luật sư đến địa điểm gặp chiến sĩ cách mạng, cuộc giải thoát thành công.

 

Trước khi đến vùng đất Phú Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã ghi dấu với hình ảnh một trí thức cách mạng đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Chính vì thế, trong những tháng ngày bị quản thúc tại Phú Yên, dù đến một vùng đất mới, là địa bàn mà theo địch là rừng thiêng nước độc để giam giữ Luật sư, nhưng nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Năm 1993, trong lần trở lại thăm Phú Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên đã nói: “Tôi trở về Phú Yên như người con trở về với gia đình. Tôi rất tự hào được làm người con của Phú Yên...”. 

 

ThS ĐÀO LOAN CUNG

Trường Chính trị Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek