Thứ Sáu, 11/10/2024 22:20 CH
Thừa nước đục thả câu
Thứ Ba, 21/04/2020 06:00 SA

Những ngày qua, trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) thì chính Trung Quốc lại lợi dụng điều này để “thừa nước đục thả câu”.

 

Có thể điểm qua một loạt hành động “đục nước béo cò” của Trung Quốc. Đó là, vào ngày 16/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý thừa cơ hội ủng hộ Ý chống dịch để đăng tải bức tranh vẽ “đường lưỡi bò” ở biển Đông, bất kể tuyên bố “đường lưỡi bò” này đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ năm 2016. Ngày 24/3, Trung Quốc công bố khánh thành hai “trạm nghiên cứu khoa học”, mà báo chí quốc tế gọi chính xác là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong thời điểm này, Trung Quốc rầm rộ tiến hành tập trận săn ngầm trên khu vực biển Đông.

 

Chưa dừng lại, ngày 2/4, Trung Quốc dấn thêm một bước leo thang ở biển Đông bằng sự kiện cho tàu hải cảnh đâm chìm 1 tàu cá và rượt đuổi, bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt tại tọa độ 16042 N-112025’44” E trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm, tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. Ngày 14/4 truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này trắng trợn nói rằng “Tây Sa và Nam Sa” (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - NV) nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, và tuyên bố của Việt Nam với hai quần đảo là bất hợp pháp. Cũng trong ngày 14/4, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã quay lại biển Đông, di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chạy song song cách bờ khoảng 158km. Hải Dương địa chất 8 chính là con tàu đã nhiều lần quấy nhiễu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào năm ngoái. Sự tái xuất của nó ở biển Đông đúng vào thời điểm Việt Nam và các nước gồng mình đối phó COVID-19 hiện nay đã đặt ra dấu hỏi về động cơ thực sự của Trung Quốc. Và gần đây nhất, ngày 18/4 Chính phủ Trung Quốc thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc TP Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa” (cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Đồng thời với các hành động leo thang, Trung Quốc cũng đã sử dụng kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc về biển Đông, nhất là những bài viết xuất bản trên báo South China Morning Post (SCMP).

 

Còn nhớ, đầu năm nay, lúc Trung Quốc căng mình chiến đấu với virus Corona thì nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều chung tay hỗ trợ vật tư y tế, ngoại tệ… để giúp Trung Quốc vượt qua đại dịch. Vì là nước láng giềng, có chung đường biên giới trên bộ hơn 1.400km với Trung Quốc, Việt Nam đang phải đối mặt với dịch COVID-19 lây lan, trong khi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quốc tế, quan hệ “16 chữ vàng” và “4 tốt”, Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ Trung Quốc trang thiết bị y tế trị giá 500.000 USD. Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu còn hỗ trợ, trao tặng cho Trung Quốc hơn 55.000 chiếc khẩu trang y tế; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam viện trợ 100.000 USD hàng hóa; chính quyền các tỉnh phía Bắc dọc biên giới với Trung Quốc đã có nhiều hình thức hỗ trợ và giúp đỡ như tặng khẩu trang, thiết bị y tế...

 

Những tưởng sau những thiệt hại nghiêm trọng về người cũng như cơ man các thiệt hại to lớn khác do đại dịch COVID-19 gây ra Trung Quốc sẽ buộc phải cắn răng gác sang một bên câu chuyện biển Đông để lo phục hồi kinh tế và cải thiện quan hệ hữu nghị, láng giềng. Thế nhưng, với dã tâm và tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” của họ, Trung Quốc vẫn bất chấp mọi thủ đoạn, mặc cho công việc chống dịch còn bộn bề, vẫn triển khai các hành động ngang ngược. Thậm chí, Trung Quốc còn coi đây như cơ hội để lấn thêm một bước trong hành trình hiện thực hóa tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” của mình.

 

Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”. Những hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và an ninh trên biển Đông và trong khu vực, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như phương châm “16 chữ vàng” và “4 tốt” (“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”) và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek