Thứ Bảy, 12/10/2024 00:32 SA
Công tác đối ngoại địa phương thời kỳ công nghệ số
Thứ Bảy, 11/04/2020 08:00 SA

Ðại diện tỉnh Phú Yên ký kết hợp tác với Liên minh Các doanh nghiệp châu Á tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và kinh tế, tổ chức ở Hàn Quốc diễn ra vào năm 2019. Ảnh: CTV

Đại dịch COVID-19 là một tình huống lịch sử chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua: lần đầu tiên, các đường biên giới quốc gia trên không, trên biển và đất liền bị đóng; ngành Du lịch đường biển, ngành Hàng không dân dụng - những ngành dịch vụ là nền tảng của tự do hóa thương mại và giao thương quốc tế bị đình chỉ. Các cộng đồng nước ngoài phải thực hiện cách ly, khách du lịch gặp khuyến cáo và khó khăn ở khắp mọi nơi.

 

Dù biết đây là tình huống khẩn cấp, song chúng ta không thể không nhận ra hình ảnh “thế giới không biên giới” theo nghĩa đen lúc này không còn đúng. Tuy nhiên, cách các quốc gia nỗ lực gia tăng hợp tác ứng phó với thách thức toàn cầu này đã cho chúng ta thấy “thế giới phẳng” nhờ được kết nối bằng công nghệ số, nhờ việc sử dụng rộng rãi dữ liệu lớn và những dòng trao đổi bất tận về kiến thức và kinh nghiệm... Sức mạnh và vai trò của công nghệ số hiện diện rõ nét hơn bao giờ hết trong thế giới toàn cầu hóa, trong đó “ngoại giao số” nổi lên như một lĩnh vực tiên phong. 

 

Ðối ngoại địa phương thời kỳ sau khủng hoảng COVID-19

 

Tin tưởng rằng với định hướng và quyết tâm của UBND tỉnh Phú Yên thực hiện chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, công tác đối ngoại của tỉnh sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng tăng lên.

Dù vẫn còn một thời gian nữa đại dịch COVID-19 mới có thể kết thúc, tuy nhiên ngay từ hôm nay có thể dự đoán sự thích ứng sẽ diễn ra trong công tác đối ngoại địa phương. Với nhiệm vụ không thay đổi của ngoại vụ địa phương là chủ động tích cực hội nhập quốc tế, phát triển mạng lưới các đối tác nước ngoài nhằm huy động ngoại lực và phát huy nội lực phục vụ phát triển, quảng bá hình ảnh địa phương với bạn bè quốc tế, công tác đối ngoại địa phương được dự đoán sẽ có những phương thức mới thích nghi với thế giới hậu khủng hoảng trên một số mặt.

 

Sự hình thành của “giao diện” đối ngoại mới: Một thực trạng mới sẽ xuất hiện trong công tác đối ngoại địa phương, đó là việc giảm đi của những tiếp xúc trực tiếp và thay vào đó là những tiếp xúc trực tuyến. Ngoại giao truyền thống, vốn được hiểu như nghệ thuật đỉnh cao của các cuộc tiếp xúc và đàm phán, sẽ xuất hiện với “giao diện” mới, là ngoại giao kết hợp của các cuộc gặp trực tiếp và “ngoại giao số” - việc sử dụng mạng internet và các công nghệ điện tử phục vụ cho nhiệm vụ đối ngoại. Ngoại giao số (digital diplomacy), ngoại giao điện tử (e-diplomacy) từ lâu đã là một phần của ngoại giao hiện đại. Tuy nhiên, nhiều tình huống ngặt nghèo của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khẳng định vai trò tuyệt đối của “ngoại giao số”, biến công nghệ số trở thành công cụ duy nhất có thể giúp triển khai nhiệm vụ đối ngoại. Việc một loạt các hội nghị quốc tế lớn chuyển sang trực tuyến như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN… đã đẩy nhanh hơn sự hiện diện của “ngoại giao số” trong quan hệ quốc tế và sự phổ biến của “ngoại giao số” đến cấp địa phương. Với lợi thế là công tác lễ tân linh hoạt, tối giản, môi trường tiếp xúc thân thiện, hình thức “ngoại giao số” có nhiều khả năng phù hợp khi áp dụng trong đối ngoại địa phương.

 

Nguồn lực phát triển tập trung vào hai lĩnh vực “mềm” là khoa học công nghệ và y tế. Như lịch sử đã cho thấy sau vụ tấn công ở Mỹ ngày 11/9/2001, thế giới đã chuyển sự chú ý và nguồn lực sang các nỗ lực chống khủng bố (nhiều quy tắc mới về đi máy bay cũng từ đó mà hình thành). Cuộc khủng hoảng lần này sẽ chuyển trọng tâm và nguồn lực toàn cầu sang lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó nổi lên là lĩnh vực y tế và khoa học công nghệ. Ngay lúc này, khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước, mối quan tâm của các chính quyền từ trung ương đến địa phương không chỉ là những công trình dự án lớn, những sự kiện chính trị - xã hội quy mô mà là máy thở, khẩu trang, là kết nối internet. Thời kỳ sau khủng hoảng, các tổ chức tài chính và chuyên môn của khu vực và Liên Hợp Quốc, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ xây dựng các kế hoạch hành động nhằm giải quyết hậu quả của đại dịch, trong đó sẽ sắp xếp lại các ưu tiên. Như vậy, công tác đối ngoại địa phương sẽ tăng cường triển khai vận động nguồn lực từ nước ngoài trong các lĩnh vực trọng tâm mới. Hợp tác quốc tế về y tế, khoa học công nghệ, chính phủ điện tử có khả năng trở thành những điểm trùng hợp lợi ích mới, thúc đẩy sự ra đời của các cặp quan hệ cấp địa phương. Các đơn vị ở cấp tỉnh, các sở Y tế, KH-CN, TT-TT sẽ đóng thêm vai trò mới trong cơ chế phối hợp triển khai hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trên địa bàn.

 

Quảng bá hình ảnh địa phương và phát triển ngành Du lịch: Việc sử dụng hiệu quả các công nghệ thông tin, truyền thông sáng tạo và mạng xã hội đã giúp các địa phương đạt nhiều kết quả trong việc quảng bá hình ảnh, tiếp cận thị trường quốc tế, tăng cường hiệu quả kinh tế trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy sức hấp dẫn tự nhiên chưa đủ để đảm bảo phát triển du lịch an toàn và bền vững. Đầu tư xây dựng thương hiệu cho du lịch địa phương không chỉ tập trung vào nhận diện hình ảnh cảnh quan, môi trường mà còn cần tiếp tục mở rộng các yếu tố như y tế địa phương vững mạnh và nền tảng khoa học công nghệ, internet phát triển. Sự thành công của Việt Nam nói chung cũng như các địa phương nói riêng trong ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh lần này chắc chắn là một tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát triển du lịch bền vững. Những địa phương sở hữu hệ thống y tế hiện đại và nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ mạnh mẽ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.

 

Bước đầu triển khai “đối ngoại số” ở tỉnh Phú Yên

 

Như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều hoạt động đối ngoại của tỉnh Phú Yên bị đột ngột gián đoạn, các hoạt động tiếp nhận vận chuyển và giao dịch đường không, đường biển tại Sân bay Tuy Hòa và Cảng Vũng Rô bị đình chỉ, các hội thảo quốc tế với đối tác UNDP, WB bị hoãn, các đoàn vào thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh bị hủy, công tác đoàn ra nhằm thúc đẩy quan hệ với đối tác Lào và liên kết doanh nghiệp với Singapore đều tạm gác… và nhiều cuộc hẹn gặp làm việc với đối tác nước ngoài bị hủy bỏ tạm thời vì chưa xác định được thời gian.

 

Thích ứng với tình hình mới trong đại dịch COVID-19 cũng như chuẩn bị cho giai đoạn sau khủng hoảng, công tác ngoại vụ đã và đang tích cực tham gia thực hiện chủ trương của tỉnh Phú Yên về đưa công nghệ số vào thực tiễn quản lý nhà nước và ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. UBND tỉnh Phú Yên đã chú trọng đầu tư một nền tảng trực tuyến thông minh ổn định, việc truy cập internet đảm bảo, các trải nghiệm của người dùng ngày càng tốt hơn. Ngay trong tâm điểm của đại dịch, Phú Yên đã tích cực hỗ trợ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân, đưa công dân về nước. Việc sử dụng công nghệ internet và các công nghệ mới trở nên phổ biến ở địa phương đã phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ đối ngoại như tiếp cận đối tác nước ngoài, cung cấp thông tin nhanh và chính xác tới các cơ quan ngoại giao liên quan, duy trì kênh trao đổi công việc và củng cố quan hệ với mạng lưới đối tác của tỉnh trong thời gian đại dịch.

 

Tuy nhiên, ngoài nền tảng công nghệ, tỉnh Phú Yên cũng chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại địa phương theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, biết sử dụng công nghệ số. Trong bối cảnh hợp tác quốc tế mới có sự tham gia mạnh mẽ của các công cụ ngoại giao số, các cán bộ địa phương tham gia hoạt động đối ngoại được phát huy công nghệ kỹ thuật số, rèn luyện “tư duy số” trong triển khai hoạt động. Chắc chắn trong thời gian tới khi các hoạt động trực tuyến liên quốc gia, các cuộc họp nhóm làm việc hay các cuộc hội nghị trực tuyến được tổ chức bài bản… trở nên thường xuyên hơn, năng lực của cán bộ đối ngoại địa phương như ngoại ngữ, kỹ năng điều hành, công tác chuẩn bị nội dung, tổ chức sự kiện, năng lực đàm phán và vận động ngoại giao, thuyết phục đối tác… sẽ được phát huy tích cực.

 

ÐỖ NGỌC THỦY

Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek