Thứ Bảy, 12/10/2024 07:26 SA
Từ đường 7... đến quốc lộ 25
Thứ Ba, 17/03/2020 07:41 SA

Quốc lộ 25 điểm tiếp giáp với đường vào trung tâm hành chính huyện Phú Hòa. Ảnh: XUÂN HIẾU

45 năm trước, đường 7 đã đi vào lịch sử của dân tộc với những chiến công chói lọi. Trên tuyến đường này, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích của ta đã truy kích thần tốc, đuổi đánh địch tháo chạy, phá tan âm mưu co cụm về đồng bằng sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột và chiến trường Tây Nguyên. Những tên đất, tên làng dọc đường 7 đã trở thành những địa danh quen thuộc với người dân cả nước.

 

Đường 7, nay là quốc lộ 25 có chiều dài hơn 180km. Đây là tuyến đường bộ nối Phú Yên với Gia Lai, khởi đầu từ xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đến điểm cuối (Km180+810) thuộc thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), nối với quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh).

 

Đập tan kế hoạch “rút lui chiến lược” của Nguyễn Văn Thiệu

 

Chiến thắng Đường 7 đã được đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá trong hồi ký “Đại thắng mùa xuân” là “cuộc truy kích mang tầm nghệ thuật quân sự lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương” tính đến thời điểm đó, đập tan kế hoạch “rút lui chiến lược” của Nguyễn Văn Thiệu.

Trong trang sử vàng của quân đội ta khắc ghi: Sau khi bị quân ta tấn công bất ngờ và thất thủ tại Buôn Ma Thuột vào 10 giờ ngày 11/3/1975, Sư đoàn 23 ngụy bị đánh tơi tả trên đường 21, một bộ phận Sư đoàn 22 ngụy bị tiêu diệt, phần lớn lực lượng biệt động quân bị tiêu hao và giam chân ở phía bắc Tây Nguyên; các con đường 19, 14, 21 bị cắt triệt; khối chủ lực Quân đoàn 2 và Quân khu 2 bị vây chặt ở Pleiku, Kon Tum và có nguy cơ bị tiêu diệt.

 

Để giải nguy cho số binh lính còn lại, ngày 14/3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vội vã bay từ Sài Gòn ra Cam Ranh tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng), Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng), Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2), quyết định rút toàn bộ lực lượng (chủ lực) ở Pleiku và Kon Tum về đồng bằng duyên hải Trung Bộ để “bảo toàn lực lượng” theo đường số 7 - tuyến đường lâu nay không dùng đến để tạo thế bất ngờ, thay vì rút theo đường 19 hoặc 14. Theo đó, từ ngày 15/3, hơn 15.000 quân địch thuộc Quân đoàn 2 dắt díu theo vợ con ồ ạt tháo chạy hộc tốc từ Buôn Ma Thuột, Đăk Tô - Tân Cảnh - Kon Tum - Pleiku hoảng loạn giẫm đạp lên nhau thoát xuống đồng bằng qua ngả đường 7 dưới sự chỉ huy của đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt động quân vừa được đặc cách chuẩn tướng, Tư lệnh phó Quân khu 2.

 

Sớm dự kiến một cuộc “rút lui chiến lược” của địch ở Tây Nguyên, đêm 16/3, đại tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên khẩn trương cơ động lực lượng truy và đánh nhanh vào Pleiku, Kon Tum; đồng thời lệnh cho Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 5 ở Bình Định điều động bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên lên chốt đường số 7 không cho địch chạy về Tuy Hòa.

 

Trong 2 ngày 18-19/3, nhiều trận đánh ác liệt, dữ dội giữa Sư đoàn 320 của ta và quân địch đã diễn ra ở trại Ngô Quyền, sân bay Phú Bổn, cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na, Cheo Reo... Đến 12 giờ ngày 19/3/1975, Sư đoàn bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn (nay là các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và TX Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).

 

Sau khi thất thủ ở Cheo Reo, quân địch còn lại kéo nhau chạy về Củng Sơn (Sơn Hòa), nhưng không tiếp tục đi theo đường 7 mà tiến hành bắc cầu phao dã chiến vượt sông Ba qua đường 5 để chạy về Tuy Hòa. Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên thời điểm đó cho biết: Nắm được ý đồ của địch sẽ vượt sông Ba qua đường 5 để chạy về Tuy Hòa, chỉ một bộ phận (Tiểu đoàn 96, Trung đoàn 9 và các LLVT Sơn Hòa, Tuy Hòa 2) được phân công triển khai chốt chặn đường rút lui của địch theo đường 7, còn lại Tiểu đoàn 13 và các đại đội 7, 377, 203 và các LLVT huyện Tuy Hòa 1 được phân công chốt chặn đường 5. Tuy lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần cả về quân số và trang bị vũ khí, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ta đã nhanh chóng làm chủ trận địa, kiên quyết tiến công địch, làm tan rã và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống.

 

Nối biển xanh với đại ngàn

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đường 7 được đổi tên thành quốc lộ 25. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, một thời gian dài, tuyến đường này hầu như không được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Bà Lê Thị Kim Liên ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, tôi từ Hòa Tân Đông, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa) theo chồng lên đây lập nghiệp. Nhà ở sát quốc lộ nhưng rất ít khi thấy ô tô qua lại. Quốc lộ càng xuống cấp, việc đi lại rất khó khăn, hàng chục năm sau mới dần dần được phục hồi”. Còn ông Nguyễn Ngọc Ẩn, nguyên cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Những ngày đầu tỉnh Phú Yên tái lập, đi công tác bằng xe máy về các xã Krông Pa, Suối Trai… chúng tôi luôn cảm giác ớn lạnh khi đi qua những đoạn đường dài trên quốc lộ 25 chỉ toàn đá dăm, đá cuội và có cả đá tảng, hai bên là rừng già, không hề có nhà dân. Thỉnh thoảng còn bắt gặp vài xác xe cùng với dấu tích của cuộc tháo chạy của lính Việt Nam cộng hòa vào mùa xuân năm 1975.

 

Sau bao năm hàn gắn vết thương chiến tranh và chung tay xây dựng đất nước, đường 7 ngày nào và quốc lộ 25 hôm nay đã thay đổi nhiều. Mặt đường, hệ thống cầu, cống đã được mở rộng, nâng cấp, giao thương thông suốt. Dọc chiều dài hơn 180km, những tên làng, tên đất ghi bao dấu tích hào hùng một thời giờ đã và đang trở thành những đô thị đông vui, nhiều khu dân cư, thị tứ, thị trấn mới mọc lên cùng với những công trình, nhà máy… Từ đường 14, dọc hai bên quốc lộ 25 xuyên qua là “thủ phủ cà phê” của cả nước (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Ngay ngã ba sông Ayun và sông Ba, một con đập lớn chắn ngang dòng hình thành công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Còn thung lũng Cheo Reo trước kia lưa thưa rừng khộp nay đã trở thành cánh đồng mênh mông với bạt ngàn ruộng lúa và ruộng mía. Cũng trên dòng sông Ba đoạn chảy qua địa phận 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, một công trình thủy điện mang tầm quốc gia với tên gọi Sông Ba Hạ đã hoạt động hơn 10 năm trước. Nhà máy có công suất 220MW, công suất đảm bảo 33,3MW, điện lượng trung bình nhiều năm 825 triệu kWh. Ngoài ra, công trình còn tham gia hạn chế lũ và tạo nguồn nước cho hạ lưu. Tương tự, nếu như TX Ayun Pa có Nhà máy đường Ayun Pa thì huyện Sơn Hòa có Nhà máy đường KCP. Nhờ sự hiện diện của 2 nhà máy này mà nhiều gia đình nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu từ cây mía. Cách Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ không xa, Nhà máy năng lượng điện mặt trời Hòa Hội (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) với công suất 256MWp (tổng số vốn đầu tư 4.985 tỉ đồng) đã được khánh thành và đưa vào hoạt động từ giữa năm 2019. Theo ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TTP Phú Yên, đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất ở Phú Yên cũng như khu vực miền Trung.

 

Nếu ví quốc lộ 25 là xương sống, thì những đường xương sườn rẽ vào các thôn, buôn tỏa đi trăm ngả hầu hết đã được đổ bê tông, rất thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và hàng hóa các loại. Với Phú Yên những cây cầu mới bắc qua sông Ba nối với quốc lộ 25 như cầu Dinh Ông, cầu Đà Rằng (mới), cầu Sông Ba… đã tạo nên một hành lang giao thông nối liền các huyện miền núi và các địa phương trong tỉnh với nhau, chấm dứt cảnh giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa lũ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

 

Không chỉ tỏa hào quang quá khứ, quốc lộ 25 còn là trục giao thông trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội thời hội nhập và mở cửa. Đây là tuyến giao thông chiến lược nối liền biển xanh với đại ngàn, giữa cảng Vũng Rô của Phú Yên với Tây Nguyên; gắn kết vùng nguyên liệu cây công nghiệp và nông sản rộng lớn của bắc Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, mở ra sự giao thoa văn hóa và giao thương kinh tế giữa Phú Yên nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung với các nước bạn Lào, Campuchia...

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek