Sau khi nghe báo cáo và tập trung thảo luận các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là tập trung kiềm chế lạm phát, đồng thời đưa ra 8 giải pháp cần tập trung chỉ đạo và điều hành nhằm thực hiện hiệu quả công tác này:
Trước hết, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo nguyên tắc thị trường một cách chặt chẽ, chủ động và linh hoạt, bảo đảm mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm huy động các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. Thứ hai, tăng thu gắn liền với thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế bội chi ngân sách. Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị phải gương mẫu thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên; cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; thực hiện các biện pháp tiết kiệm xăng, dầu; rà soát và giảm các hạng mục, công trình chưa thật bức thiết, đồng thời kêu gọi nhân dân thực hành tiết kiệm tiêu dùng. Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành dứt khoát phải chịu trách nhiệm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất như xăng, dầu, gạo, thuốc, xi măng, sắt, thép, phân bón... gắn liền với kiểm soát chặt chẽ giá cả. Một lần nữa Thủ tướng khẳng định: không tăng giá bán than cho ngành điện, không tăng giá điện và giá xăng dầu. Nhà nước tiếp tục bù lỗ cho các mặt hàng này nhằm ổn định giá. Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, hiệp hội các ngành hàng tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, tổ chức tốt thương mại trong nước, kêu gọi các doanh nghiệp có trách nhiệm với đất nước không đầu cơ trục lợi và tăng giá các mặt hàng. Thứ năm, tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu. Thủ tướng nhấn mạnh, không có xuất khẩu thì không có tăng trưởng nên tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như thuỷ sản, dệt may và da giầy... Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ kiểm soát quyết liệt nhập siêu bằng cả biện pháp thị trường và hành chính vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Bộ Công thương nghiên cứu hạn chế nhập siêu các mặt hàng không thiết yếu như ô tô nguyên chiếc, phụ tùng xe máy... phấn đấu kiểm soát nhập siêu trong năm 2008 tương đương năm ngoái, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Thứ sáu, tập trung ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ. Nhanh chóng khắc phục khó khăn do hạn hán, rét đậm vừa qua gây ra để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng cường các biện pháp phòng chống, kiểm soát và khống chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án công trình mang lại sản phẩm lớn cho xã hội như điện, xi măng, thép... Thứ bảy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát các chương trình, chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp, người nghèo để tiếp tục hỗ trợ tích cực các đối tượng này nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình giá cả tăng cao. Thứ tám, Thủ tướng đề cập đến việc cung cấp thông tin, tuyên truyền phải tạo sự nhất trí, đồng thuận, cùng nhau chung sức hợp tác chặt chẽ vượt qua khó khăn, thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)