Thứ Bảy, 19/10/2024 13:35 CH
Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông!
Thứ Ba, 05/02/2019 09:00 SA

Từ khi còn là một thanh niên yêu nước, cho đến khi trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần bước lên vũ đài chính trị để đòi hỏi, khẳng định quyền độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. “Tiếng nói” của Người gắn chặt với vận mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam mà nhà thơ Tố Hữu đã nói một cách hình tượng trong bài thơ Theo chân Bác: “Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông”.

 

Bác Hồ làm việc tại phủ Chủ tịch năm 1946 - Ảnh tư liệu

 

Từ “tiếng nói” của người yêu nước...

 

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cho dân tộc, đất nước Việt Nam. Nhờ Người, hai tiếng Việt Nam đã vang lên trên vũ đài chính trị quốc tế.

 

Năm 1919, cách đây đúng 100 năm, khi đang trong hành trình “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó mang tên là Nguyễn Ái Quốc) đã bất chấp cường quyền, lên tiếng đòi quyền lợi cho dân tộc. Khi ấy, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Người gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam lên Hội nghị Hòa bình họp tại Versailles (Pháp). Bản yêu sách có 8 điểm, trong đó có những đòi hỏi rất mạnh mẽ: Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; quyền bình đẳng cho người dân bản xứ (Việt Nam) như người Âu châu...

 

Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc bỏ tiền túi thuê in 6.000 bản Yêu sách của nhân dân An Nam để phân phát trong các cuộc hội họp, mít tinh, phát đi nhiều nơi, gửi đến các nhà hoạt động chính trị và tìm cách được đăng trên các tờ báo Nhân đạo, Dân chúng của Pháp và bí mật gửi về Việt Nam. Dù không được hội nghị Versailles xem xét, nhưng bản Yêu sách của nhân dân An Nam đã tác động mạnh mẽ đến cả người Pháp và người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành ngọn cờ đầu, phong trào đấu tranh yêu nước được toàn thể quốc dân đồng bào Việt Nam tin tưởng!

 

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa bất chấp hiểm nguy của tính mạng, cho in tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) ngay tại Paris. Tác phẩm là một bản điều tra, luận tội sắc sảo bọn thực dân, từ tội vũ trang xâm lược, đàn áp dã man phong trào yêu nước ở các thuộc địa đến tội bóc lột bằng “thuế máu” đối với những người lính da màu trên các chiến trường châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất; từ việc bổ lên đầu người dân thuộc địa đủ thứ sưu cao thuế nặng đến việc đầu độc con người bằng thuốc phiện và rượu cồn, nỗi đau của người phụ nữ thuộc địa... Lời tố cáo đanh thép của Nguyễn Ái Quốc đã thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái; thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do ở các nước thuộc địa, đặc biệt là ở Việt Nam.

 

...đến những lời bất hủ của lãnh tụ dân tộc

 

Hát múa ca ngợi Bác Hồ - Ảnh: PV

 

Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức trắng nhiều đêm, dồn trí tuệ và tâm huyết để viết nên bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người bước lên lễ đài, cất tiếng nói hùng hồn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tiếng nói của lãnh tụ đã truyền cho cả dân tộc một sức mạnh vô biên mà nhà thơ Tố Hữu đã hình tượng hóa gọi đó là những lời “mang nặng núi sông”.

 

Sau lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới nhưng giặc Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên có một người đứng ra kêu gọi chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, không một lời hiệu triệu nào gãy gọn, chắc nịch và thể hiện quyết tâm, niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mùa đông 1946. Sau lời hiệu triệu ấy, toàn thể quốc dân đồng bào Việt Nam đã ra sức chống địch, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

 

Cũng cần nói thêm, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những bài thơ chúc Tết để gửi gắm tình cảm, bày tỏ tiếng lòng của mình đối với toàn dân. Trong đó, bài thơ Chúc Tết năm 1969 với những câu thơ thúc giục hào sảng: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn” đã trở thành kim chỉ nam để toàn quân, toàn dân ra sức thi đua lao động, chiến đấu hướng đến giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

 

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân Việt Nam. Trước lúc ra đi, Người đã kịp để lại Di chúc với những lời tâm huyết về sự đoàn kết trong Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về nâng cao đời sống của nhân dân, niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chừng mực nào đó, có thể xem Di chúc là lần “lên tiếng” tâm huyết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 

50 năm đã qua kể từ ngày đó, khắc ghi Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang gắng sức xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh...”!

 

THÀNH NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek