Thứ Hai, 21/10/2024 22:01 CH
Những hồi ức không quên về đồng chí Đỗ Mười
Thứ Bảy, 06/10/2018 07:00 SA

Không ai có thể vượt qua được quy luật của thời gian, nên mặc dù đã bước khỏi ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười rồi cũng đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

 

Ông là một trong những người cuối cùng trong thế hệ học trò xuất sắc của Bác Hồ, một đời trung kiên với lý tưởng cách mạng, sống giản dị, mẫu mực, chí công vô tư. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước trong những năm cuối của thế kỷ XX, ông đã góp phần hết sức quan trọng đưa sự nghiệp đổi mới của Đảng đến bước ngoặt thắng lợi quyết định sau Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng. Công lao của ông và tấm gương trong cuộc sống của ông rất đáng cho các thế hệ sau ngưỡng mộ và học tập.

 

Đồng chí Đỗ Mười gặp các ĐBQH khóa VIII tỉnh Phú Yên tại kỳ họp thứ 9 (tháng 7/1991) - Ảnh do tác giả cung cấp

 

Với ông, tôi chỉ là một cán bộ thế hệ con cháu, nhưng trong cuộc đời hoạt động của mình, tôi có may mắn là nhiều lần được trực tiếp gặp ông, nghe ông nói chuyện, trong đó có mấy lần để lại trong tôi những hồi ức không thể nào quên.

 

Lần đầu tiên được trực tiếp gặp ông là vào tháng 6/1989, thời điểm trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII có bàn và quyết định việc chia tách một số tỉnh, trong đó có chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc đó nổi lên vấn đề phân vạch địa giới tại khu vực Vũng Rô, cử tri phía Phú Yên tại các điểm tiếp xúc đều rất căng thẳng và kiến nghị với Trung ương, Quốc hội phân khu vực này về tỉnh Phú Yên.

 

Tôi khi đó là ĐBQH khóa VIII, đồng thời là Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa đã nhận được rất nhiều kiến nghị với hàng vạn chữ ký của cử tri liên quan vấn đề này, nhiều ý kiến rất gay gắt. Gần đến kỳ họp Quốc hội, một số đồng chí lãnh đạo như anh Thuật, anh Hồng Quang từ tỉnh ra gặp tôi trao đổi và được sự nhất trí của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa, tôi cùng đồng chí Nho - một cán bộ lớn tuổi gốc Tuy Hòa đang công tác ở Nha Trang, là người có nhiều mối quan hệ quen biết ở Hà Nội - ra Hà Nội sớm mang những kiến nghị về Vũng Rô của cử tri Phú Yên đưa đến tận tay nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung ương; trong đó có đồng chí Đỗ Mười, lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

Nhờ sự tháo vát của đồng chí Nho qua liên hệ với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, cuối cùng tôi cũng được bố trí cho gặp đồng chí Đỗ Mười trong khoảng nửa giờ tại Văn phòng. Tôi nhớ hôm đó trời nóng lắm, phòng họp chỉ bố trí quạt máy, không có điều hòa như bây giờ, đồng chí Đỗ Mười mái tóc đã nhuốm bạc, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay đơn giản.

 

Ông ngồi rất thẳng người, nhìn vào tôi và chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm bằng những câu hỏi ngắn và gọi tôi là “đồng chí” (khác với đồng chí Võ Văn Kiệt thường gọi tôi là “cháu”, đồng chí Phan Văn Khải gọi thân tôi là “tụi mày, tụi bay”). Tôi trình bày với ông khoảng 20 phút về một số vấn đề liên quan đến khu vực Vũng Rô cả về lịch sử trước đây, về yêu cầu xây dựng cảng biển và bảo vệ quốc phòng an ninh tương lai cho Phú Yên, về nguyện vọng của cử tri…

 

Sau khi nghe xong, ông suy nghĩ và phát biểu một cách chậm rãi, chắc chắn: “Việc này Hội đồng Bộ trưởng có nhận được một số đơn thư kiến nghị của cán bộ và nhân dân địa phương gửi lên, nay lại tiếp nhận thêm kiến nghị của ĐBQH và tập thể cử tri, tôi sẽ giao cho Ban Tổ chức Chính phủ và Bộ Quốc phòng nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét cụ thể để có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định sau. Trong kỳ họp này không giải quyết kịp, nên vẫn phải trình Quốc hội quyết định chia tỉnh theo phương án cũ thôi. Đồng chí về báo cáo lại với lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh để mọi người tin tưởng vào sự công bằng và tinh thần trách nhiệm của Trung ương, không nên để căng thẳng và kích động không cần thiết.

 

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chắc chắn là có cùng suy nghĩ với cán bộ và nhân dân Phú Yên, đều muốn tỉnh Phú Yên tương lai có điều kiện phát triển nhanh chóng, đi lên giàu mạnh cùng cả nước…”. Nghe ông phát biểu, tôi rất tin tưởng vào sự vô tư, chính trực, quyết đoán của cá nhân ông và của Trung ương, tin rằng việc này sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn, hợp với lòng dân. Quả nhiên, sau đó khu vực Vũng Rô được Bộ Chính trị và Quốc hội khóa IX cân nhắc quyết định giao cho Phú Yên để tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Vào tháng 2/1990, tôi được trực tiếp gặp đồng chí Đỗ Mười lần thứ hai. Thời điểm đó, sau khi tái lập tỉnh, tôi được tham gia Tỉnh ủy và được phân công là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch kiêm Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa VIII của tỉnh. Sau Tết Nguyên đán năm 1990, lãnh đạo tỉnh phân công tôi đi cùng anh sáu Mạch lúc đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và anh Hồng Quang dự một hội nghị do Bộ Chính trị tổ chức tại Đà Nẵng.

 

Đây là một hội nghị quan trọng, thành phần mời dự là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp tỉnh, các nhà khoa học, nhà quản lý ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị cho Đại hội VII của Đảng sắp đến. Lúc đó, đất nước ta còn khó khăn lắm, mặc dù sự nghiệp đổi mới đã được Đảng ta phát động hơn 4 năm rồi, nhưng kẻ thù vẫn còn bao vây cấm vận, các nước XHCN đang có diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu; trong nước cái cũ cái mới đan xen, nhiều nơi gặp mất mùa đói kém…

 

Muốn thoát khỏi tình trạng này thì Đảng ta cần phải có một cương lĩnh đúng đắn, hợp lòng dân cùng với những giải pháp sáng tạo, quyết liệt để lãnh đạo đất nước vượt mọi khó khăn đi lên phía trước. Bộ Chính trị chủ trương tổ chức 3 hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Cương lĩnh ở 3 miền, do các đồng chí chủ chốt chủ trì, tiếp thu mọi ý kiến tâm huyết dưới nhiều góc độ khác nhau. Hội nghị tại Đà Nẵng do đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì, có sự tham gia của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Phan Văn Khải… với thời gian 2,5 ngày.

 

Ý kiến tham gia trong hội nghị đó rất phong phú, thẳng thắn, không cố kỵ tranh luận khi có quan điểm khác nhau. Đoàn tỉnh Phú Yên phân công tôi chuẩn bị tham gia ý kiến. Do tài liệu dự thảo Cương lĩnh thuộc loại tối mật nên khi ra đến hội nghị mới được nhận, tôi phải thức gần như cả đêm để nghiên cứu và chuẩn bị bản phác thảo ý tưởng góp ý cho Cương lĩnh, nhất là thảo luận thêm các vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Tiểu ban Văn kiện đặt ra cho hội nghị.

 

Hôm sau, tôi đăng ký tham gia phát biểu khoảng 20 phút, bây giờ sau 28 năm nhớ lại không đầy đủ, chỉ nhớ vài ý kiến chính của mình trong hội nghị. Thứ nhất, tôi đồng tình việc Đảng kêu gọi toàn dân chung sức xóa nghèo nàn lạc hậu, vươn lên giàu mạnh. Theo tôi nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu không phải do Đảng gây ra, mà đó là hệ quả từ hàng nghìn năm phong kiến thuộc địa cộng với việc thực hiện chiến tranh giải phóng dân tộc để lại. Chúng ta không cam chịu nghèo nàn lạc hậu, không cam chịu quan niệm cũ kỹ “thanh bần hơn trọc phú”, mà cả dân tộc phải vươn lên làm giàu “thanh phú nhất định phải hơn thanh bần”. Thứ hai, tôi tham gia tranh luận việc xây dựng đất nước sắp đến theo mô hình nào để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, nhiều ý kiến phát biểu trong hội nghị rất hay, có thể nghiên cứu chọn lọc, nhưng về mô hình thì không cần thảo luận nhiều nữa mà chỉ cần vận dụng theo Di chúc Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác đã dặn “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Mô hình một nước Việt Nam mà Bác đã chỉ ra chính là mục tiêu, là mô hình mà chúng ta cần hướng đến.

 

Tôi còn nói thêm: Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân thực hiện được hòa bình, thống nhất, độc lập rồi, công việc bây giờ là làm cho đất nước ngày càng dân chủ và giàu mạnh. Nhiều ý kiến phát biểu sau tôi cũng đồng tình theo hướng đó.

 

Trong giờ giải lao sau phát biểu của mình, tôi được gặp đồng chí Đỗ Mười trong hành lang hội trường, ông khen tôi: Đồng chí còn trẻ mà suy nghĩ tốt, phát biểu tốt. Ông còn nói: “Dân chủ và giàu mạnh chính là con đường đi lên của đất nước”. Tôi hiểu rằng đó cũng là nỗi trăn trở của ông đối với đất nước, với dân tộc và thực tế sau đó qua các Đại hội VII, VIII dưới thời ông là Tổng Bí thư, “dân chủ, dân giàu, nước mạnh” được khẳng định trong mục tiêu xây dựng đất nước. Ông căn dặn tôi phải hoàn chỉnh lại bài phát biểu và gửi lại chỗ đồng chí Sáu Khải, thường trực biên tập của Tiểu ban Văn kiện Đại hội VII. Chấp hành ý kiến của ông, chiều và tối hôm đó tôi đã ra sức viết lại bài phát biểu còn ở dạng phác thảo của mình để gửi lại cho tổ thư ký của hội nghị.

 

Cuối năm đó, vào tháng 12/1990 trong thời gian Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII, tôi lại được có dịp gặp đồng chí Đỗ Mười trong một hội nghị toàn ngành Kế hoạch do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổ chức để lấy ý kiến về Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Sáng hôm hội nghị trời lạnh, ông mặc bộ đại cán màu xám, cổ quấn một khăn len sậm màu. Do bận công việc, nên gần 10 giờ sáng ông mới đến được hội nghị, sau khi nghe 3-4 ý kiến thảo luận, đến gần 11 giờ đồng chí Sáu Khải (Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước) mời ông phát biểu với hội nghị. Anh chị em trong hội nghị mới bấm nhau và lén cười: Bữa nay chắc phải 1 giờ chiều mới ra ăn trưa được. Thật đúng vậy! Đồng chí Đỗ Mười thường hay lắng nghe, ít nói, nhưng mà khi đã phát biểu thì ông rất sôi nổi, tâm huyết, trải lòng, không tính giờ giấc. Hôm đó, ông nói về tình hình chung cả nước, rồi việc chuẩn bị Đại hội VII của Đảng và đặc biệt đi sâu vào các tư tưởng chỉ đạo trong việc chuẩn bị 2 văn kiện quan trọng của đại hội là Cương lĩnh và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Ông lưu ý đến tình hình thế giới lúc này là một số nước Đông Âu đã sụp đổ và Liên Xô cũng đang đứng trên bờ vực sụp đổ, nên nước ta phải chuẩn bị con đường đổi mới, mở cửa hội nhập để đứng vững trước mọi thử thách, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào. Ông nhắc nhở đội ngũ làm công tác kế hoạch phải đổi mới mạnh mẽ hơn, góp phần làm đất nước mở cửa hội nhập nhanh hơn. Ông nói: “Mở cửa không phải mở he hé, mà phải mạnh dạn mở toang cửa ra để có điều kiện đón nhận cái mới trên mọi mặt. Mở cửa ra thì tất nhiên có ruồi muỗi vào, ta phải diệt ruồi muỗi thôi, không vì sợ ruồi muỗi mà ngại mở cửa…”.

 

Trong giai đoạn ban đầu của công cuộc đổi mới, không ít ý kiến lo lắng là đồng chí Đỗ Mười có tính nguyên tắc cao nên sẽ khó tiếp nhận đổi mới mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy ông là một nhà lãnh đạo nhạy bén, quyết đoán. Trong thời điểm “nghìn cân treo sợi tóc” của đất nước ở thập niên 90 của thế kỷ trước, ông cùng Trung ương luôn vững vàng chèo lái con thuyền đổi mới vượt qua mọi thách thức đi đến bước ngoặt thắng lợi quyết định, tạo được niềm tin vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân.

 

Lần thứ tư tôi được gặp trực tiếp đồng chí Đỗ Mười là vào tháng 7/1991 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII. Thời điểm đó là sau Đại hội VII của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu dưới thời Gorbachev đang sụp đổ từng mảng lớn, đất nước chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong kinh tế - xã hội. Công việc của đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó ông còn kiêm cả Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vì đang chờ Quốc hội bầu lại đồng chí khác) thật trăm công nghìn việc, nhưng ông vẫn dành thời gian để gặp Đoàn ĐBQH Phú Yên. Hôm ấy, ông mặc áo sơ mi trắng, mái đầu giờ bạc trắng, từ tốn hỏi về tình hình của Phú Yên sau một năm chia tỉnh và về tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ và nhân dân Phú Yên trước sự kiện Liên Xô, Đông Âu sụp đổ. Vì trong Đoàn ĐBQH lúc ấy chỉ có mỗi mình tôi trong Tỉnh ủy, nên các đồng chí trong đoàn nhường tôi báo cáo. Tôi báo cáo ông về tình hình Phú Yên sau một năm chia tỉnh, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng từng bước khắc phục dần, nhất là giải pháp ổn định cuộc sống cho cán bộ từ Nha Trang về. Tôi có kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm vốn đầu tư hạ tầng cho tỉnh hiện quá thấp (năm 1990 chỉ có hơn 7 tỉ đồng vốn xây dựng cơ bản). Riêng đối với sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì Đảng bộ và nhân dân Phú Yên có lo lắng, nhưng vẫn luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào Trung ương và thực hiện tốt các giải pháp mà Trung ương chỉ đạo, không có phát sinh diễn biến xấu trong tư tưởng và hành động. Tôi thấy ông lúc đó rất đăm chiêu, ông nói với các đồng chí trong đoàn: “Phú Yên được tái lập tỉnh trong thời điểm rất khó khăn của đất nước. Những năm trước đây, hàng năm nước ta có nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước anh em khoảng trên dưới 2 tỉ rúp, nhưng nay không còn, đất nước phải tự lực nên đang gặp khó, không có điều kiện hỗ trợ đáng kể cho các tỉnh mới được tái lập. Các ĐBQH phải góp phần làm tư tưởng cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ khó khăn chung, từ đó phát huy dân chủ, động viên sức dân tự lực tự cường, vượt khó vươn lên thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu, cùng cả nước vững vàng trước mọi thách thức, thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới đất nước đi lên giàu mạnh… Khi đất nước khá hơn, sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các tỉnh khó khăn như Phú Yên”.

 

Lần cuối cùng tôi được gặp trực tiếp đồng chí Đỗ Mười là vào đầu quý II năm 2003. Thời điểm đó, tỉnh tổ chức một đoàn cán bộ lãnh đạo gồm anh Ba Quang (Bí thư), tôi (Chủ tịch UBND) và đồng chí Sơn (Giám đốc Sở GTVT) đi Hà Nội để làm việc với Chính phủ, Bộ GTVT và Tổng Công ty Vietnam Airlines để đề nghị mở lại đường bay dân dụng từ 2 thành phố lớn đến sân bay Tuy Hòa. Sau khi làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình, lãnh đạo Vietnam Airlines, thì đoàn còn đến thăm một số đồng chí nguyên lãnh đạo như các đồng chí Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Lương… tại nhà riêng, vừa thăm hỏi sức khỏe, vừa có ý nhờ các đồng chí tác động giúp thêm vào việc mở đường bay đến sân bay Tuy Hòa. Đoàn đến thăm đồng chí Đỗ Mười tại nhà riêng số 11 phố Phạm Đình Hổ, một ngôi nhà cấp 4 ở trung tâm Hà Nội. Ông lúc đó đã 86 tuổi, tóc bạc trắng, nhưng đi lại còn vững vàng và trí tuệ rất minh mẫn. Sau khi nói chuyện thăm hỏi xã giao, được biết tỉnh Phú Yên nhờ tác động mở lại đường bay đến Tuy Hòa, ông mau mắn gọi thư ký lấy mảnh bản đồ liên quan Phú Yên (trong nhà ông có sẵn bộ bản đồ chi tiết nhiều mảnh toàn bộ đất nước), dùng kính lúp soi đi soi lại khu vực sân bay Tuy Hòa - lúc đó còn gọi là sân bay Đông Tác. Ông nói lúc còn công tác ở Hội đồng Bộ trưởng ông có đến thăm sân bay Đông Tác, đây là một sân bay quân sự lớn do quân đội Mỹ làm trước đây, rất kiên cố, đường băng bê tông dài hơn 3km, chế độ tĩnh không tốt nhất khu vực miền Trung, máy bay phản lực cỡ lớn lên xuống tốt. Ông còn nói: “Đây không chỉ là cửa mở lên bầu trời cho Phú Yên, mà còn là cửa mở đi quốc tế cho cả khu vực lân cận, cần phải sớm đầu tư đưa vào sử dụng hiệu quả, không để xuống cấp lãng phí cho đất nước”. Sau đó, ông gọi thư ký nối điện thoại cho ông nói chuyện với Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Giám đốc Vietnam Airlines và nêu rõ ý của ông là sớm đầu tư khai thác sân bay này. Tiếng nói của ông có tác động quan trọng góp phần thúc đẩy Vietnam Airlines mở đường bay đến Tuy Hòa trong cuối năm đó.

 

* * *

 

Tôi ghi lại những hồi ức trên về đồng chí Đỗ Mười với mong muốn được xem đó là những nén nhang thắp lên tiễn biệt ông. Trong lòng tôi, chắc cũng như muôn triệu người Việt Nam các thế hệ sau sẽ luôn tưởng nhớ về ông với lòng biết ơn vô hạn và lòng khâm phục đối với người cầm lái con thuyền đổi mới đất nước vượt qua được muôn trùng sóng gió của một giai đoạn khó khăn đặc biệt với một tinh thần thép kiên định, quyết đoán, với tư duy nhạy bén và một tấm gương đạo đức tuyệt vời “mắt sáng, lòng trong”.

 

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười - Bác Mười kính mến!

 

ĐÀO TẤN LỘC

Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIV, XV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek