Thứ Sáu, 25/10/2024 11:23 SA
Nhận diện thần khí lịch sử của sự kiện Mậu Thân 1968
Thứ Tư, 28/02/2018 08:00 SA

1. Nhớ về một số mùa xuân hào hùng của dân tộc

 

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, thực hiện lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”; nhờ đó hiệu triệu được nghĩa khí muôn dân, quét sạch quân Đông Hán (Trung Quốc), lấy lại nền tự chủ cho dòng dõi Vua Hùng. Nối tiếp truyền thống của Hai Bà Trưng, Bà Triệu cũng tỏ rõ chí khí của người phụ nữ Việt Nam với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch quân Ngô, cởi ách nô lệ chứ không chịu làm tì thiếp người”. Mùa xuân năm 542, Lý Bí cùng các nghĩa binh vùng dậy đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương (Trung Quốc); đến mùa xuân năm 544, sau hai lần đập tan đòn phản công của giặc, Lý Bí tự xưng Hoàng đế (đặt hiệu là Lý Nam Đế), lấy tên nước và Vạn Xuân, với lòng mong ước non sông gấm vóc này mãi trường tồn, hưng thịnh. Mùa xuân Mậu Tuất 1418, trong cảnh nước nhà rên xiết dưới ngọn lửa hung tàn của giặc Minh, tại nơi núi rừng hiểm trở, hoang vắng của xứ Thanh, Lê Lợi và 18 nghĩa sĩ đã “cắt máu ăn thề”, quyết lấy lại giang sơn gấm vóc. Sau 10 năm “nếm mật nằm gai”, đốm lửa Lam Sơn đã bùng lên thành cơn bão táp quét sạch bóng quân xâm lăng, mang lại thái bình cho muôn dân. Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung đã khiến cho quân Thanh xâm lược “chính luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”. Sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là bản anh hùng ca bất diệt, mang thần khí của lịch sử hào hùng qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

 

2. Kết nối mạch nguồn lịch sử để tái hiện thần khí cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai ở thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt đã phát đi bài “Thơ Thần” trên phòng tuyến sông Như Nguyệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Ở thế kỷ XIII, trước vó ngựa hung hãn của quân Mông - Nguyên, Trần Hưng Đạo đã dồn hết tâm lực viết nên Hịch tướng sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết trong Đại cáo bình Ngô: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc - Nam cũng khác”. Thế kỷ XVIII, Quang Trung đã khích lệ tinh thần tướng sĩ trước khi bước vào trận quyết chiến với quân Thanh ở Thăng Long: “Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ”. Đó không còn là lời của riêng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi hay Quang Trung, mà đó chính là hồn thiêng sông núi qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam.

 

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngày 2/9/1945, thay mặt nhân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trong đó có câu kết: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1). Cơ sở vững chắc để Bác Hồ tuyên ngôn đanh thép như vậy, chắc chắn là vì Người đã thấy rõ được sức mạnh truyền thống lịch sử từ cội nguồn dân tộc (tác phẩm đầu tiên Người viết khi về Pác Bó chính là cuốn Lịch sử nước ta), sức mạnh lịch sử của đồng bào ta đã được đốt thành ngọn lửa thần kỳ trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Mùa thu Ất Dậu 1945, với những thứ vũ khí rất thô sơ, với một đội quân chính quy mới được thành lập còn non trẻ về kinh nghiệm trận mạc, còn rất mỏng về lực lượng, nhưng nhờ có sự hậu thuẫn của toàn dân, chúng ta đã giành được chính quyền, đó là điều kỳ diệu mà lịch sử Việt Nam viết nên trong những trang sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, là ánh hào quang giữa đêm đen chủ nghĩa thực dân, giao niềm tin cho những dân tộc bị xiềng xích vùng lên giải phóng, thay đổi thân phận. Lời tuyên ngôn đanh thép ấy, lập tức linh nghiệm ngay khi dân tộc ta buộc phải cầm súng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là nấc thang mới của ý chí sắt thép từ trong lòng những người áo vải, yêu quê hương, đất nước đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, ôm súng xông lên ào ào như vũ bão, buộc lũ giặc phải giương cờ trắng trên cái mà chúng gọi là “pháo đài không thể công phá”. Chiến thắng Điện Biên Phủ như hồi kèn thắng trận, như khúc khải hoàn ca không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng nói của lịch sử nhân loại, bởi sau đó mấy năm đã có gần 20 nước ở Mỹ Latinh và châu Phi vùng lên giành độc lập.

 

3. Tết Mậu Thân 1968 - Tết của niềm tin tất thắng

 

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã chủ động chuẩn bị cho ván bài quân sự, chính trị, hòng lấy miền Nam Việt Nam làm “chốt chặn” cản bước phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á. Khi quân Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Thay vì tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam, chính quyền Mỹ - Diệm đã dựng lũy thép gai, nhà tù, lê máy chém khắp miền Nam tàn sát dã man đồng bào ta, bắt đồng bào ta phải “tố cộng, diệt cộng”; ngăn cách lòng dân với Đảng, chia cắt lâu dài non sông nước Việt.

 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 1959) đã tạo ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Phong trào Đồng khởi vào cuối năm 1959, đầu năm 1960 là luồng sinh khí mới, báo hiệu thắng lợi tất yếu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Mùa xuân Mậu Thân 1968, cả miền Nam Việt Nam vùng lên quật khởi, bên ngoài đánh vào, bên trong nổi dậy; làm rung chuyển bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, khiến cho Lầu Năm Góc bàng hoàng, sửng sốt, mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của đồng bào hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cho dù cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 chưa giải phóng được miền Nam, nhưng sự kiện này như ngọn lửa bất diệt, thể hiện khát vọng của một dân tộc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong thời đại Hồ Chí Minh. Sau sự kiện Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pari. Nếu như khi quân Mỹ mới đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, quân và dân ta không hề run sợ, dám “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, thì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dân tộc ta đã cho đế quốc Mỹ thấy rằng, đất này là cõi thiêng của lòng ái quốc, nếu quân xâm lược liều lĩnh xông vào chắc chắn sẽ “không có đường ra”.

 

4. Đôi điều suy ngẫm cho đất nước hôm nay và mai sau

 

Ở nước Mỹ, có một bức tường đá hình chữ V (gọi là Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam) có ghi danh hơn 58.000 lính Mỹ tử nạn hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ở Việt Nam, có vô số nghĩa trang, trong đó lớn nhất là Nghĩa trang Trường Sơn, có nhiều tượng đài chiến thắng, nhưng đáng lưu ý nhất là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam. Chiến tranh qua đi, để lại sự mất mát, đau thương cho người dân vô tội. Tết Mậu Thân 1968, Tết của lòng quả cảm, nhưng cũng là Tết của sự mất mát, hy sinh vô bờ bến; khắp cả miền Nam khi đó ào ào nổi dậy như triều dâng thác đổ... khiến cho quân thù không kịp trở tay. Từ trạng thái quân thù muốn tìm mọi cách để đẩy càng xa càng tốt lực lượng cách mạng ra khỏi thành thị, thì chỉ trong khoảnh khắc giao thừa Mậu Thân 1968, tiếng súng của quân ta như hồi kèn xung trận, đưa khí thế cách mạng đến mọi nơi, mọi chỗ trên khắp miền Nam Việt Nam, đẩy quan thầy Mỹ và bè lũ tay sai vào thảm lửa. Nội các Sài Gòn lục đục thay quân đổi tướng, liên minh Mỹ - chính quyền Sài Gòn đổ vỡ niềm tin, chính trường nước Mỹ sôi sục. Thế cờ của Mỹ tại Nam Việt Nam từ đó lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, trụ không được muốn rút cũng không xong. Cảm nhận được kết cục bi đát, đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pari để tìm đường rút lui trong danh dự. Cái gì đến rồi cũng phải đến, như lời tiên tri của Bác Hồ ngay ở đầu bản Di chúc thiêng liêng của Người: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(2). Niềm tin tất thắng ấy như một sức mạnh tinh thần, tiếp thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” trong mùa xuân 1975 lịch sử. Giờ đây, sau nửa thế kỷ diễn ra sự kiện Mậu Thân 1968, hai nước Việt - Mỹ đã khép lại quá khứ đau thương, để “hướng tới tương lai”. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây (12/11/2017), Tổng thống Mỹ đã phát biểu: “Việt Nam là một trong những điều kỳ diệu trên thế giới”. Chúng ta cảm ơn những ai đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ chân thành, tôn trọng những ai có lời khen khích lệ, nhưng chắc chắn không vì thế mà kiêu ngạo, ngược lại sẽ luôn ngẩng cao đầu, kiên định trên dặm trường thiên lý. Chúng ta đi lên từ điểm tựa của hào khí ngàn năm giữ nước và dựng nước, dũng mãnh như thuở nào Phù Đổng nhổ tre làng đánh đuổi giặc Ân.

 

------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.168

 

 

PGS.TS TRẦN VIẾT LƯU

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek