Thứ Sáu, 25/10/2024 16:26 CH
Tinh thần chiến sĩ đặc công
Thứ Tư, 07/02/2018 09:26 SA

Là người lính, tôi từng nghiên cứu, học tập và nghe kể rất nhiều câu chuyện về tinh thần dũng cảm vô song cùng cách đánh tài tình của những người lính đặc công - những người lính tạo nên chiến công huyền thoại, làm cho kẻ thù khiếp vía, lung lay ý chí đến thất bại hoàn toàn. Truyền thống “bí mật bất ngờ, luồn sâu áp sát, đánh hiểm đánh thắng”, “đánh nở hoa trong lòng địch” của bộ đội đặc công đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu về cội nguồn tạo nên tinh thần dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân - Ảnh: CTV

 

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018), tôi tìm đến những người lính đặc công đã tham gia chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ năm xưa. Hầu hết họ đã ở tuổi “Thất thập cổ lai hi”, có cụ ngoài chín mươi, có cụ đã rất yếu, tinh thần không tỉnh táo, nhưng đa phần vẫn còn nhanh nhẹn, tinh anh. Điểm chung nhất ở những cựu chiến sĩ đặc công là cởi mở, tác phong linh hoạt, nói năng rõ ràng, rất chân tình, thân mật, vào chuyện là say sưa không dễ gì dứt ra. Mặc dù cuộc sống đơn giản nhưng tinh thần họ tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống.

 

Nhà cụ Nguyễn Xuân, nguyên Đại đội trưởng đầu tiên của Đại đội 202 đặc công ở cuối một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Huệ, phường 5, TP Tuy Hòa. Ngôi nhà cấp bốn, có mảnh sân hẹp. Khi tôi đang loay hoay dựng xe thì nghe trong nhà tiếng đàn ông vang vang: “Ai đó?”, tôi trả lời “Dạ cháu”. Cụ mời: “À, vào nhà đi cháu!”. Rót nước mời khách, cụ hỏi tôi đến có chuyện gì hay đi chơi? Tôi cười và thưa với cụ cái ý nguyện muốn nghe kể chuyện chiến đấu, nhất là hồi xuân Mậu Thân 1968. Cụ cười giọng sảng khoái, nói: “Uống nước đi, 90 tuổi rồi, nhớ gì đâu mà kể”. Sau khoảng 30 phút làm quen, câu chuyện ấm dần lên. Cụ xưng hô lúc thì bác - cháu, lúc tao - mày như hai người lính cùng trang lứa (tôi nhỏ hơn cụ gần 40 tuổi).

 

Đại đội trưởng Nguyễn Xuân tham gia cách mạng “vận động chiến” từ trước tổng khởi nghĩa (tháng 8/1945). Nhập ngũ năm 1947, năm 1980 thì về hưu, cụ từng trải qua nhiều cương vị từ chiến sĩ, đến cấp trung đoàn trưởng, về hưu với quân hàm đại úy. Cụ cho biết đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu nên không nhớ hết. Tôi mau mắn: “Cháu thấy bác rất nhớ là đằng khác…”. Cụ ngồi im lặng trầm ngâm hồi lâu rồi nói với tôi: “Bác tham gia chiến đấu nhiều trận lắm, cháu muốn nghe trận nào?”. Tôi trả lời: “Dạ, cháu muốn nghe trận bác tâm đắc nhất và những trận trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968”. Thế là cụ kể cho tôi nghe hai trận tâm đắc nhất một cách rất mạch lạc.

 

Trận thứ nhất diễn ra sau khi Đại đội 202 thành lập được hơn 5 tháng. Ngày 15/7/1964, Đại đội 202 được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 85 tập kích ấp chiến lược Phú Cần (An Thọ, Tuy An), tiêu diệt Đại đội Bảo an 945, 1 tổng đoàn tự vệ, 1 trung đội biệt kích. Lực lượng ta bảo toàn, thu được nhiều trang bị vũ khí. Đây là trận đầu ra quân của Đại đội Đặc công 202 sau khi được thành lập (20/3/1964), mở màn cho chuỗi chiến công “Đã đánh là thắng”. Còn trận đáng nhớ nhất là trận núi Sầm, xã Hòa Trị, cụ kể: “Đại đội 202 do bác làm Đại đội trưởng, được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 85 tập kích cứ điểm núi Sầm. Đêm 23/10/1965, ta bí mật tiếp cận mục tiêu, cắt hàng rào đưa lực lượng vào áp sát. Khi Đại đội 202 chỉ cách địch lớp hàng rào cuối cùng, tuy chưa đến giờ nổ súng nhưng do một mũi của lực lượng du kích bị lộ nên địch nổ súng trước. Địch bắn pháo sáng, hỏa lực để phát hiện ta. Bác chỉ huy bộ đội bình tĩnh giữ tuyệt đối bí mật, ém lại chờ cơ hội nổ súng tiêu diệt địch. 3 giờ sáng, tên thiếu tá ngụy chỉ huy căn cứ núi Sầm ra lệnh thu quân vì cho rằng quân ta đã rút lui. Nắm được tình hình, bác cho bộ đội tiếp tục cắt hàng rào, tiếp cận mục tiêu. Đúng 3 giờ 30, đồng loạt nổ súng xung phong tiêu diệt và làm bị thương 200 tên (có 3 cố vấn Mỹ), bắt sống 5 tên, thu nhiều trang bị, vũ khí địch”. Cụ Xuân cho biết đây là bài học thể hiện rõ cách đánh truyền thống của bộ đội đặc công - “bí mật, luồn sâu, áp sát mục tiêu, kiên trì nắm thời cơ, bất ngờ tiêu điệt địch” thì hiệu suất chiến đấu sẽ cao, tiêu diệt nhiều địch, ta ít thương vong. Tôi nghe, lòng tâm phục, khẩu phục, nhất là ý chí gan dạ, kiên cường, bình tĩnh trong chiến đấu.

 

Câu chuyện về sau càng hấp dẫn, lôi cuốn. Tôi nói với cụ: “Cháu muốn nghe các trận chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân vì sắp tới kỷ niệm 50 năm”. Cụ kể tôi nghe cục diện chiến trường “địch - ta” cuối năm 1967, để đánh đòn quyết định, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam. Lúc này, cụ đã là Trưởng Ban Đặc công của Tỉnh đội Phú Yên, Lê Trung Kiên là Đại đội trưởng Đại đội 202. Chiến dịch Xuân Mậu Thân chia làm hai đợt, Đại đội 202 ba lần tham gia chiến đấu tiến công vào TX Tuy Hòa, cả ba lần cụ đều đi cùng đội hình Đại đội 202.

 

Lần thứ nhất, đêm 31/1/1968 (đêm giao thừa), Đại đội 202 tiến công vào Trung đoàn 47 ngụy. Lúc 0 giờ 30 nổ súng xung phong, sau 15 phút làm chủ mục tiêu, đại đội tiêu diệt gần trăm tên địch, bắt liên lạc với các đơn vị bạn (Tiểu đoàn 85, Tiểu đoàn 12…) không được nên rút lui, bảo toàn lực lượng. Trận tiếp theo diễn ra vào đêm 4/2/1968, Đại đội 202 được giao nhiệm vụ phối hợp tiến công vào Ty Cảnh sát ngụy, tuy nhiên do các mũi tiến công của đơn vị không làm chủ được mục tiêu nên đến chiều 5/2 phải rút lui để củng cố lực lượng. Trận thứ ba (đợt 2), đêm 3/3/1968, “Trận này thằng Kiên hy sinh”, cụ nói. Đại đội 202 được giao nhiệm vụ tiến công vào Trung đoàn 47, phát triển đánh chiếm Tỉnh đường và khu cố vấn Mỹ. Đại đội do Lê Trung Kiên chỉ huy, nhưng khi vào tiếp cận mục tiêu thì bị địch phát hiện, nổ súng trước. Bốn mũi tiến công của ta gặp khó khăn, bộc phá không phá hết hàng rào, địch chống trả quyết liệt. Lê Trung Kiên hội ý chỉ huy và trực tiếp mang bộc phá lên tiếp cận mục tiêu “là cái lô cốt bây giờ ở trong Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, lúc đó ở đó có khẩu đại liên địch”, nhưng trúng đạn nên đã hy sinh. Chính trị viên Nguyễn Thành Út chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu. Các mũi tiến công khác của ta không làm chủ được mục tiêu. Pháo binh địch ở tháp Nhạn, gò Đá kết hợp máy bay dùng hỏa lực bắn mãnh liệt vào đội hình ta. Ta hy sinh nhiều đồng chí, phải rút lui về Ninh Tịnh trụ lại đánh địch phản công. Nói đến đây giọng cụ nghẹn lại, hai mắt rơm rớm: “Trận này ta hy sinh hơn nửa quân số, nhưng không làm chủ được trận đánh”. Đây là bài học lớn cho bộ đội đặc công vì không nắm chắc tình hình, không có yếu tố bất ngờ, nên không thể phát huy sở trường. Tuy nhiên, xét về mặt chiến lược thì toàn bộ chiến dịch chúng ta đã giành thắng lợi, sự hy sinh của các đồng chí trong Mậu Thân đã góp phần to lớn thúc đẩy quân và dân ta nhanh chóng dành thắng lợi cuối cùng.

 

Ngoài trời, lúc này mưa như nặng hạt hơn, hai ông cháu ngồi bên nhau lặng thinh như tưởng niệm những người đã mất. Cụ nói với tôi “Mình được như thế này là sướng lắm rồi, số anh em đã mất, nằm dưới lòng đất có được gì đâu”. Tôi trả lời “Dạ”, và thấm thía lời nói của một vị đại úy già, để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay thì thế hệ cha anh đã đổ không biết bao nhiêu xương máu, chịu tất cả mọi thiệt thòi. Tôi cảm thấy mình quá bé nhỏ trước những mất mát hy sinh lớn lao ấy.

 

Bất chợt, tôi ngước nhìn lên tấm Huân chương Độc lập và một hàng dài những Huân chương Chiến công của cụ Xuân; ngắm lại cụ tôi thấy cụ như một vị anh hùng từ chiến trận trở về. Cụ nhìn tôi nao nao, rồi đứng dậy đi về phía trong, nơi cụ bà Võ Thị Nguyệt đang nằm, cụ bà bị tai biến đã 6 tháng nay. Theo cụ ông thì cụ bà cũng là một phụ nữ can trường trong chiến tranh, hồi “sáu tám” (1968), cụ bà là hội viên phụ nữ xã Hòa Kiến tham gia đấu tranh và cứu chữa thương binh rất tích cực. Giờ cụ bà bị bệnh nên cụ ông phải ở nhà trông, không đi đâu được, chỉ mong ai đến nhà chơi nói chuyện cho vui.

 

Những năm sau đó, cụ Xuân được giao nhiệm vụ là Chỉ huy trưởng TX Tuy Hòa, Trưởng Ban Quân báo Trung đoàn 493, tham gia rất nhiều trận chiến đấu khác. Giải phóng xong, cụ về phụ trách cải tạo tù binh ở Ngân Điền, đến năm 1980 thì về hưu ở cùng con cháu cho đến nay.

 

Tôi có cảm nhận cuộc đời của cụ chính là hiện thân huyền thoại của những người lính đặc công năm xưa, một hình mẫu “Bộ đội Cụ Hồ” thật đáng trân trọng. Một con người vào sinh ra tử trong chiến trường, có bề dày thành tích đáng nể, một kho tư liệu thực tiễn chiến đấu vô cùng quý giá. Tôi tạm biệt cụ, hẹn ngày tái ngộ để tiếp tục được nghe, được học những điều tốt đẹp từ người lính già này. Tôi ra về mà lòng tràn ngập niềm tự hào, khi ngoài kia trên đường phố Tuy Hòa, người xe, cờ hoa rực rỡ, báo hiệu mùa xuân mới đang về với muôn nhà.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek