(Trích phát biểu của đồng chí Phan Anh Khoa, đại tá, Chính ủy Bộ CHQS, ĐBQH tỉnh Phú Yên tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV)
Tôi thống nhất với những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế bất cập trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh như tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội. Tờ trình đã đánh giá toàn diện, sâu sắc về công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua. Những kết quả trên từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng luật, góp phần tích cực trong việc ổn định phát triển đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng hiệu lực của luật, pháp lệnh chưa thực sự cao. Trong thời gian ngắn chúng ta phải bổ sung, sửa đổi; hiệu lực của một số bộ luật thấp, chưa đủ mạnh để điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội và khó khăn bất cập cho các cơ quan thực thi pháp luật; có bộ luật dừng lại trước khi có hiệu lực để xem xét. Những tồn tại bất cập trên theo tôi có một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, công tác đánh giá tác động và dự báo tầm chiến lược trong xây dựng luật và pháp lệnh còn hạn chế, nó thể hiện ở chỗ xác định vị trí, vai trò, tính chất cần thiết để ban hành các bộ luật cho phù hợp, tránh tình trạng luật sau ra đời phải sửa đổi vì có sự chồng chéo, xung đột trong hệ thống luật. Ví dụ, dự kiến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày năm 2019, đồng thời từ đây cho đến thời gian đó cần sửa đổi bổ sung khoảng 32 luật hoặc chậm ban hành luật an ninh mạng. Còn bị động trước những yêu cầu về tình hình điều kiện phát triển hòa nhập quốc tế khu vực và đòi hỏi phát triển của đất nước, nên có nhiều bộ luật chúng ta chuẩn bị gấp gáp trong thời gian ngắn và đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Điều này gây áp lực lớn cho ĐBQH cũng như Quốc hội.
Thứ hai, việc thực hiện quy trình có những bất cập, nhất là việc lấy ý kiến của các chuyên gia, chuyên ngành và toàn dân trong việc xây dựng luật và pháp lệnh chưa thực sự sâu rộng, nên có một số bộ luật chúng ta đưa ra và Quốc hội không đồng thuận cao. Có bộ luật thông qua quá nhiều kỳ họp, vừa dự kiến trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội, hoặc có luật phải chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn, gây rất nhiều khó khăn trong việc thực thi pháp luật.
Thứ ba, năng lực làm luật của Quốc hội và đội ngũ cán bộ làm luật của chúng ta còn hạn chế và sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm tra chưa thật sự chặt chẽ. Chưa quy trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân đối với công tác này. Điều này biểu hiệu ở chỗ cơ quan soạn thảo luật sau khi soạn thảo luật xong thì hầu như đẩy trách nhiệm sang cơ quan của Quốc hội và ĐBQH.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao nên nhận thức của nhân dân về pháp luật vẫn còn thấp, dẫn đến việc chấp hành pháp luật và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, kính đề nghị Quốc hội trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 cũng như cả khóa XIV phải có giải pháp và chế tài cụ thể để khắc phục, từng bước đáp ứng sự quan tâm của cử tri.
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt