Thứ Tư, 15/01/2025 22:57 CH
Nhớ ngày Phú Yên bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 1946
Chủ Nhật, 22/05/2016 08:00 SA

Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam được tổ chức trong cả nước. Trước ngày bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi cử tri trong cả nước: “Ngày mai là ngày sung sướng nhất của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

 

Từ trái qua phải: Đại biểu Quốc hội Phạm Ngọc Quế, Đại biểu Quốc hội Trần Quỳnh, Đại biểu Quốc hội Phan Lưu Thanh

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, mọi công dân Phú Yên từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, tôn giáo, đảng phái, dân tộc, từ miền núi đến đồng bằng đã tham gia bầu cử Quốc hội, bất chấp sự chống đối và phá hoại quyết liệt của kẻ thù. Tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này, Phú Yên có 98% cử tri đi bầu các vị ĐBQH do Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên giới thiệu. Bốn đại biểu Huỳnh Lưu, Phạm Ngọc Quế, Trần Quỳnh, Phan Lưu Thanh đã trúng cử Quốc hội khóa I. Trong đó, ông Huỳnh Lưu sau năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1959 được phân công vào chiến trường miền Nam, được bầu vào Tỉnh ủy Phú Yên tháng 9/1960, được Tỉnh ủy phân công là phái viên chỉ đạo cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh. Ông Phạm Ngọc Quế là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên năm 1949. Ông Trần Quỳnh thời điểm năm 1946 là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Việt Minh Phú Yên, sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Phan Lưu Thanh là người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đầu năm 1931.

 

Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên thắng lợi trong cả nước nói chung, tại tỉnh Phú Yên nói riêng, đánh dấu một bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người công dân của một nước tự do độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình.

 

 Thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội đã biểu thị sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, một sức mạnh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng các cấp, thể hiện ý chí và khát vọng của nhân dân ta trong suốt 80 năm đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Phát huy kết quả bầu cử Quốc hội, tháng 3/1946, Mặt trận Việt Minh cùng phối hợp với chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức cuộc bầu cử HĐND tỉnh khóa đầu tiên. Danh sách ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu gồm nhiều tầng lớp xã hội như nông dân, công nhân, trí thức, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, quan chức chế độ cũ. Để lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân, cử tri đã cân nhắc, lựa chọn bầu hai lần mới đủ 20 đại biểu HĐND chính thức và 5 đại biểu dự khuyết, trong đó có 8 đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh khóa I vào đầu tháng 5/1946, kéo dài đến 20 ngày mới giải quyết hết các nội dung trong chương trình nghị sự. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã bầu ông Lê Duy Trinh làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, ông Phan Thanh Cưu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh. Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của tỉnh được HĐND tỉnh khóa I bầu tháng 5/1946 là kỹ sư nông nghiệp Lê Duy Trinh. Tháng 9/1954, ông tập kết ra Bắc được Chính phủ cử làm Thứ trưởng Bộ Nông lâm. Ngày 25/4/1960, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức lại Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức mới: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường Quốc doanh, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Thủy sản. Kỹ sư Lê Duy Trinh được Chính phủ bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (tương đương bộ trưởng). HĐND tỉnh đã thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng như:

 

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu hàng đầu là “tấc đất tấc vàng”, chú trọng tu bổ hệ thống thủy nông Đồng Cam, củng cố các ban quản lý đập, đào mương rút nước ở bầu Súng (huyện Tuy An).

 

- Xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng dân quân tự vệ, du kích khắp các xã trong tỉnh.

 

- Chọn TX Tuy Hòa làm tỉnh lỵ Phú Yên.

 

- Xây dựng trường trung học đầu tiên của tỉnh lấy tên là Trường trung học Lương Văn Chánh để đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh.

 

- Phát động phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ trong nhân dân, trước tiên là lực lượng nam thanh niên.

 

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh quyết định chọn và xây dựng TX Tuy Hòa thành trung tâm tỉnh lỵ Phú Yên là phù hợp xu thế phát triển. Các cơ quan của Tỉnh ủy lâm thời, của Việt Minh tỉnh, UBND cách mạng lâm thời sau đó là Ủy ban Hành chính tỉnh, các ngành Công an, Thông tin, Giao thông, thủy nông, nhà dây thép (bưu điện) dời về tỉnh lỵ mới và đặt dưới sự quản lý địa phương của Ủy ban Hành chính thị xã.

 

Trường trung học Lương Văn Chánh khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 15/10/1946, lấy Trường tiểu học Tuy Hòa làm địa điểm giảng dạy (nay là Trường THCS Lê Lợi, TP Tuy Hòa). Ông Trần Suyền được cử làm Hiệu trưởng danh dự, ông Trần Sĩ làm Hiệu trưởng kiêm Tổng giám thị.

 

Giữa tháng 6/1946, thực hiện chủ trương của Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Phú Yên chấn chỉnh các cấp hành chính, bỏ cấp tổng, nhập các làng nhỏ thành xã, trên xã là cấp huyện, bỏ tên phủ. Tỉnh có tỉnh lỵ là TX Tuy Hòa, các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa và khu Đồng Bò.

 

Khu Đồng Bò cũ được sáp nhập thêm một số xã thuộc tổng Hòa Mỹ và tổng Hòa Lạc thành cấp khu trực thuộc tỉnh. Tại đây, hệ thống chính trị được thiết lập đầy đủ như cấp huyện. Sau đợt nhập xã (tháng 6/1946), Phú Yên có 84 xã (trước năm 1945, Phú Yên có 296 xã, thôn). Dân số toàn tỉnh có 280.000 người, trong đó có 145.000 cử tri.

 

Thực hiện Sắc lệnh 63/SL ngày 22/11/1945, quy định bầu HĐND cấp tỉnh và cấp xã bằng phổ thông đầu phiếu, HĐND bầu ra Ủy ban Hành chính. Ở cấp huyện chỉ có Ủy ban Hành chính. Nhân dân 84 xã trong toàn tỉnh Phú Yên đã bầu ra HĐND xã từ 15-25 đại biểu chính thức. Nhiệm kỳ HĐND xã là 2 năm. Ủy ban Hành chính các xã do HĐND xã bầu gồm chủ tịch, 1 phó chủ tịch, 1 thư ký, 1 ủy viên, 1 thủ quỹ và 2 ủy viên dự khuyết.

 

Các huyện trong tỉnh không có HĐND, chỉ có Ủy ban Hành chính do các đại biểu HĐND, các xã trong huyện bầu và Ủy ban Hành chính tỉnh chuẩn y, nhiệm kỳ là 2 năm. Năm 1946, Phú Yên có 4 ĐBQH, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp xã và Ủy ban Hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Chính quyền nhân dân được hoàn thiện, củng cố theo luật định để lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc kháng chiến, kiến quốc trên địa bàn tỉnh.

 

ĐỒNG THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek