Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chúng ta phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Chính phủ ngày 3/9/1945 đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là khẩn trương tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao để ban hành Hiến pháp, chỉ đạo tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành những sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để làm cơ sở pháp lý thực hiện bầu cử tự do và dân chủ. Sắc lệnh 51 về thể lệ Tổng tuyển cử quy định mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử.
Khát vọng độc lập, tự do của cả dân tộc được thể hiện hào hùng sinh động trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã được thể chế hóa bằng cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946, đó là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ vùng lên giành độc lập, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa.
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên - Ảnh tư liệu |
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử gắn liền với Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Điều 1 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Bầu cử là một trong những hình thức dân chủ trực tiếp cơ bản nhất để nhân dân chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện bằng một hoạt động hợp pháp và dân chủ dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bầu cử thể hiện đậm nét hai luận điểm cơ bản: bầu cử là căn cứ xác định tính chính danh, hợp pháp của Nhà nước; bầu cử là cách thức quan trọng nhất để thể hiện quyền lực của nhân dân. Bầu cử là phương thức dân chủ quan trọng nhất để người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước thông qua việc bỏ phiếu chọn lựa bầu ra người đại diện để thay mặt mình tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bản chất của bầu cử là nhân dân ủy quyền cho người đại diện. Bác Hồ nói: “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lá phiếu cử tri tuy khuôn khổ bé nhỏ nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Trong Tổng tuyển cử, là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử… Ngày bầu cử sẽ là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân nắm bắt được quyền dân chủ của mình”.
Báo Cứu Quốc ra ngày 31/12/1945 đã trang trọng đăng bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa Tổng tuyển cử: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người cử tri, có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho Nhà nước Việt Nam một bản Hiếp pháp, mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân”.
Hiến pháp năm 1946 quy định khá chi tiết về các nguyên tắc bầu cử. Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Điều 17 quy định: “Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín”. Điều 20 quy định: “Quyền bãi miễn những đại biểu do mình bầu”. Điều 21 quy định về “quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia”. Đây là những quyền rất cơ bản, rất quan trọng của nhân dân, khẳng định quyền làm chủ thực sự của nhân dân đối với Nhà nước. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên của nước ta, quy định nguyên tắc bầu cử tự do, công dân được tự do thực hiện quyền bầu cử. Bầu cử tự do là nguyên tắc quan trọng nhất thể hiện ý chí độc lập của nhân dân để bầu ra Quốc hội và Nhà nước dân chủ cộng hòa.
Trong lễ ra mắt Quốc hội được bầu qua cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại diện cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là sự đoàn kết các lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối…”.
Kế thừa các giá trị dân chủ về bầu cử của Hồ Chủ tịch, các bản Hiến pháp 1959, Hiếp pháp 1980 mà đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã hoàn thiện các chế định dân chủ trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điều 117 Hiến pháp năm 2013 “tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” đã được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử năm 2015, thể hiện tư duy đổi mới của Nhà nước về nâng cao quyền làm chủ của nhân dân trong việc trực tiếp chọn lựa các đại biểu đại diện cho mình.
Khoản 1 Điều 12 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập có từ 15-21 thành viên gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên, là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan tổ chức hữu quan”.
Khoản 2 Điều 12 bộ luật này quy định: “Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia”.
Điều 6 Hiếp pháp 2013 quy định cụ thể: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Khoản 1 Điều 79 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Khoản 1 Điều 113 Hiến pháp 2013 quy định: “UBND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp”.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết chế dân chủ trong bầu cử, chúng ta càng thấm thía về quan điểm “dân là gốc” xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Cần nhắc lại một câu chuyện lý thú và cảm động. Gần đến ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6/1/1946, 118 vị là chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp đã trình Chính phủ lâm thời bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết một bức thư ngắn trả lời, bày tỏ lòng cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Bác được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân, bình đẳng như những công dân khác. Bức thư có đoạn viết: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định…”.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu rất cao. Khi được Quốc hội khóa I bầu làm Chủ tịch nước, Bác Hồ phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch vì đồng bào ủy thác, thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận…”.
Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ngày hôm nay, kế thừa những giá trị dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước để xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, một nhà nước phục vụ nhân dân, kiến tạo sự phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
PHAN THANH