Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN |
Đây là lần thảo luận cuối cùng, thống nhất các ý kiến về những vấn đề còn có quan điểm khác nhau để Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này. Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Các ý kiến đều đồng thuận với quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), theo đó tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Các ý kiến đánh giá việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102).
Tán thành với quy định này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá quy định này của dự thảo bộ luật đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hiện nay, đảm bảo công dân có quyền yêu Tòa án bảo vệ lẽ phải và các lợi ích chính đáng của mình.
Đây là căn cứ để tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu, không để người dân tự xử lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội đồng thời, tòa án vận dụng nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, phong tục tập quán, nguyên tắc công bằng, thông lệ quốc tế,... để phán quyết, chấm dứt tranh chấp.
Theo đại biểu trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục thì quy định này sẽ góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Đề phòng xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra tòa, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị dự thảo bộ luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh; đặc biệt phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì tòa án mới xem xét thụ lý đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp tòa bác đơn kiện
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ sự băn khoăn bởi điều 4 dự thảo bộ luật ghi “Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” rất khó thực hiện. Đại biểu phân tích, người dân khởi kiện, họ sẽ cho rằng mình hợp pháp, còn Tòa án có lý lẽ của mình, vì hợp pháp hay không phải qua xét xử mới thấy được… Vì lo ngại này và để chặt chẽ, dễ áp dụng hơn, đại biểu Bá Thuyền đề nghị chỉ ghi là quyền yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo bộ luật. Quy định như vậy là phù hợp với nội dung tại các điều 5,6 và 14 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Thảo luận về vị trí, vai trò của viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự tiếp tục phân chia chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự thành 2 nhóm: cơ quan tiến hành tố tụng (nhân danh quyền lực Nhà nước để thực hiện hoạt động tố tụng) và người tham gia tố tụng (tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình).
Đối với Viện kiểm sát nhân dân, dự thảo bộ luật tiếp tục giao cho viện kiểm sát thực hiện các thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng như: nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, yêu cầu tòa án xác minh, thu thập chứng chứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ; tham gia các phiên tòa, phiên họp, thẩm vấn đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; kiến nghị, kháng nghị bản án, quyết định của tòa án; yêu cầu, kiến nghị xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật….
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá với chức năng này cho thấy vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân khác với chủ thể là “người tham gia tố tụng”. Vì vậy, việc xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng là phù hợp.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa khẳng định Hiến pháp và pháp luật từ trước đến nay luôn xác định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 107 Hiến pháp và Điều 2 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát khẳng định: Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ... Để thực hiện nhiệm vụ này, viện kiểm sát có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó.
Theo Điều 4 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp không chỉ nhằm mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra mà còn phòng ngừa vi phạm. Thực tiễn công tác kiểm sát xét xử vụ việc dân sự cho thấy, để tham gia phiên tòa; Kiểm sát viên phải nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ quá trình thụ lý xây dựng hồ sơ nên nắm được nội dung vụ án.
Do đó, đại biểu đề nghị luật cần quy định kiểm sát viên có thẩm quyền đề nghị hội đồng xét xử về hướng giải quyết vụ án, giúp hội đồng xét xử có thêm cơ sở để tham khảo, đánh giá vụ án khách quan, đầy đủ, toàn diện; tuyên án đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị không cần thiết.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm theo quy định tại khoản 1 Điều 107 của Hiến pháp năm 2013, thì Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 4 và Điều 27 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Vì vậy, đề nghị tiếp tục xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định tại Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ họp thứ 9.
Nhiều nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích cụ thể tại phiên họp sáng nay, tập trung vào thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát; quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ (Điều 70); tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ (từ Điều 208 đến Điều 211)...
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận nội dung này để thống nhất các nội dung trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự tại kỳ họp 10.
Theo TTXVN, Vietnam+