Ngày 20/10/1935, chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương làng Phước Hậu (Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì), nay là Chi bộ Phước Hậu - Thanh Đức (phường 9, TP Tuy Hòa) được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng trong quá trình khôi phục hoạt động của Đảng bộ Phú Yên trong cao trào cách mạng những năm 1935-1939.
Một góc khu phố Phước Hậu ngày nay - Ảnh: M.KÝ |
Như chúng ta đã biết, ngày 5/10/1930 lá cờ Đảng tung bay phấp phới trên bầu trời Phú Yên, đánh dấu sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở La Hai (Đồng Xuân); mặc dù lúc này địch ra sức khủng bố ác liệt, nhưng tổ chức Đảng vẫn cử đồng chí Phan Ngọc Bích (tức Việt Hồng), một trong những đảng viên đầu tiên vào mảnh đất Tuy Hòa để xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Sau một thời gian tuyên truyền giác ngộ, đã phát triển được nhiều đảng viên, trong đó có đồng chí Nguyễn Chấn là người đảng viên đầu tiên của làng Phước Hậu. Qua một thời gian hoạt động, đồng chí Phan Ngọc Bích bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Chấn mất liên lạc với tổ chức đảng, nhưng vẫn luôn nêu cao ý chí cách mạng, tiếp tục hoạt động và tuyên truyền giáo dục được nhiều thanh niên ở làng Phước Hậu bắt liên lạc với Đảng. Vào những năm 1931-1932, làng Phước Hậu có các đồng chí Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương đã liên lạc được với đồng chí Trần Hào và cùng nhất trí đi tìm tổ chức cơ sở đảng.
Năm 1935, đồng chí Phan Lưu Thanh được ra tù, các đồng chí Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương liên lạc với đồng chí Phan Lưu Thanh và được đồng chí Phan Lưu Thanh phổ biến Điều lệ Đảng Cộng sản. Ngày 20/10/1935, tại khu rừng Minh Chính, Phước Hậu, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương làng Phước Hậu được thành lập gồm các đồng chí Trần Hào, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương do đồng chí Trần Hào làm Bí thư.
Tháng 11/1935 tại gò Thủ Kỳ làng Phước Hậu, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, gồm 7 đồng chí, trong đó Chi bộ làng Phước Hậu có 3 đồng chí là tỉnh ủy viên lâm thời, đồng chí Trần Hào được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 6/1936, Đại hội Đảng bộ tỉnh tổ chức tại rừng dương Minh Chính làng Phước Hậu, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên gồm 7 đồng chí. Các đồng chí Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Đỗ Tương của Chi bộ Phước Hậu được bầu là tỉnh ủy viên chính thức, được Xứ ủy Trung Kỳ công nhận. Cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ làm việc tại nhà bà Nguyễn Thị Ngâm (vợ đồng chí Nguyễn Quốc Thoại) và đồng chí Nguyễn Liêm được Tỉnh ủy giao làm liên lạc. Những năm 1936-1937, Chi bộ làng Phước Hậu phát triển thêm đồng chí Huỳnh Nựu (Liên Trì), đồng chí Đỗ Bích, đồng chí Trần Tân, đồng chí Nguyễn Hương, đồng chí Đỗ Tào, đồng chí Nguyễn Thị Ba… Năm 1937, đồng chí Đỗ Bích được chỉ định làm Bí thư thay đồng chí Nguyễn Quốc Thoại.
Trong những năm 1935-1939, Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì hoạt động khá sôi nổi, tổ chức được các đoàn thể như Hội nông dân ái hữu, Hội nông dân tương tế, Hội truyền bá chữ quốc ngữ, Hội đọc sách, Hội đá bóng, Hội phụ nữ. Chi bộ đã dựa vào Hiệu buôn “Công Tế” của vợ chồng đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm điểm liên lạc của Tỉnh ủy.
Ngày 1/6/1939, chính phủ mặt trận bình dân Pháp cử đoàn sang Đông Dương để điều tra tình hình ở Việt Nam; thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, chi bộ vận động nhân dân ký tên vào bản “Dân nguyện” gửi phái đoàn điều tra của Pháp khi đoàn xe lửa đến ga Tuy Hòa.
Ngày 14/7/1939, Tỉnh ủy tổ chức miting lớn tại Bến xe ngựa phủ Tuy Hòa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Nựu diễn thuyết công khai. Chi bộ Phước Hậu huy động hơn 200 người của làng Phước Hậu và Liên Trì tham dự. Lần đầu tiên chi bộ đã lãnh đạo đấu tranh công khai hợp pháp, có cờ đỏ búa liềm tung bay giữa ban ngày tại phủ Tuy Hòa. Sau cuộc mít tinh, địch khủng bố ác liệt. Các đồng chí Đỗ Bích, Nguyễn Hương, Đỗ Tào đem các tài liệu sách, báo của Tỉnh ủy chọn giấu ở gò Thượng Điền, làng Phước Hậu. Tuy mất liên lạc với cấp trên, các đồng chí còn lại và quần chúng yêu nước vẫn liên lạc, giữ vững phong trào cách mạng cho đến năm 1945.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, đầu tháng 4/1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Hữu Dực trong Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột phân công các đồng chí Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Sơ, Hoàng Văn Phúc về Phú Yên để lãnh đạo khởi nghĩa. Sau khi bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thái (Hòa Đa), đồng chí Trương Kiểm về làng Phước Hậu bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Quốc Thoại và các đảng viên cũ bàn chuyện chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền; UBMT Việt Minh phủ Tuy Hòa được thành lập do đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm Bí thư kiêm Trưởng ban lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 12/6/1945, Đội Tự vệ cứu quốc Phước Hậu được thành lập để bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy và bảo vệ Đại hội thành lập Mặt trận Việt Minh do Tỉnh ủy tổ chức ngày 17/8/1945 tại nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại.
Ngày 25/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ Tuy Hòa phát động khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ở làng Phước Hậu, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng không phân biệt già trẻ trai gái, hồ hởi phấn khởi mang cờ đỏ sao vàng vùng lên triệt hạ bộ máy chính quyền thôn, tổng, bắt bọn lý hương giao nộp đồng triện và hồ sơ tài liệu cho ta, đồng thời đồng chí Nguyễn Quốc Thoại tổ chức mít tinh tại lẫm Phước Hậu báo cáo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi về tay nhân dân, kết thúc chế độ thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân lập nhiều chiến công hiển hách như góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng, giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng căn cứ lõm Bình Kiến trong chống Mỹ…
Chỉ riêng làng Phước Hậu (nay là khu phố Phước Hậu) có 18 bà mẹ được Nhà nước tôn vinh là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hai đồng chí Nguyễn Lầu và Tô Nào được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Các đồng chí trong Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì những năm 1935-1939 có ba đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (Trần Hào, Huỳnh Nựu, Nguyễn Chấn), 3 đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy và nhiều đồng chí là Tỉnh ủy viên thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Ngày 29/12/2004, thôn Phước Hậu xưa được UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định tách ra thành lập 3 khu phố Phước Hậu 1, Phước Hậu 2, Phước Hậu 3 thuộc phường 9, TP Tuy Hòa.
Trải qua 80 năm hoạt động, Chi bộ Phước Hậu xưa, nay là Chi bộ Phước Hậu - Thanh Đức đã có bề dày lịch sử hoạt động vẻ vang, xứng đáng với quê hương được phong tặng danh hiệu anh hùng năm 1995. Chi bộ Phước Hậu - Thanh Đức đang lãnh đạo quần chúng trong địa bàn đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa một cách bền vững, tạo một điểm nhấn đầy ấn tượng dưới chân núi Chóp Chài của thành phố trẻ Tuy Hòa.
Những đảng viên Chi bộ Phước Hậu - Liên Trì năm 1935-1939
PHAN THANH