Thứ Sáu, 03/05/2024 04:19 SA
Người cộng sản đầu tiên, chi bộ đầu tiên và Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên
Thứ Hai, 05/10/2015 09:36 SA

LTS: Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Yên (5/10/1930-5/10/2015), Báo Phú Yên giới thiệu đôi nét về đồng chí Phan Lưu Thanh - người cộng sản đầu tiên, quá trình thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên và hình thành Tỉnh ủy Phú Yên đầu năm 1931.

 

Đồng chí Phan Lưu Thanh - Ảnh: Tư liệu

1/ Người cộng sản đầu tiên Phan Lưu Thanh và quá trình hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Phú Yên.

 

Phan Lưu Thanh sinh ngày 1/1/1906 tại Đồng Bé, xã Xuân Long, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Long Bình, thị trấn La Hai), là con thứ sáu trong một gia đình nho học có truyền thống yêu nước.

 

Phan Lưu Thanh đến với chủ nghĩa cộng sản khá sớm. Là thành viên Hưng nghiệp hội xã ở La Hai (do Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Phú Yên tổ chức). Năm 1929, ông vào học tại Trường cơ khí Chu Văn Hai (Sài Gòn) giữa lúc phong trào vô sản hóa trong các nhà máy, xí nghiệp phát triển mạnh mẽ. Được đảng viên - thầy giáo Nguyễn Chương (dạy máy nổ) và đồng chí Tư Rèn (công nhân xưởng đóng tàu Ba Son, Bí thư Chi bộ Thị Nghè) trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cộng sản, được nghiên cứu điều lệ, chương trình hoạt động và tuyên ngôn của Đảng.

 

Năm 1930, Chi bộ Thị Nghè giao nhiệm vụ cho Phan Lưu Thanh về Phú Yên hoạt động, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, xây dựng cơ sở. Tại Phú Yên, đồng chí đã giác ngộ một nhóm thanh niên ở vùng La Hai gồm: Nguyễn Hữu Thanh, Phan Ngọc Bích, Bùi Xuân Cảnh, Nguyễn Hữu Tánh, Phan Cao Lâm, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Điệp trở thành những thanh niên yêu nước để làm nòng cốt sau này. Ngày 1/5/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, Phan Lưu Thanh tổ chức rải truyền đơn tại Tỉnh lỵ Sông Cầu kêu gọi thợ thuyền, dân cày và binh lính đứng lên chống bất công, áp bức, bóc lột, treo cờ búa liềm có ghi “An Nam Cộng sản kỳ” trên cây me cổ thụ trong sân nhà công sứ Pháp, nhà lục lộ và đồn khố xanh Sông Cầu. Truyền đơn được rải từ cầu Tam Giang đến chân dốc Găng phía nam tỉnh lỵ ra bót cảnh sát, cầu Thị Thạc, nhà thương Sông Cầu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, trên cơ sở nhóm thanh niên nòng cốt đó, các tổ chức như: hội thanh niên, hội phụ nữ, nông hội .. ra đời hoạt động.

 

Ngày 1/8/1930, Phan Lưu Thanh tổ chức treo cờ búa liềm ở sân quần vợt sau lưng Quang Ích hội (nay là Bưu điện Sông Cầu), Trường tiểu học Pháp - Việt Sông Cầu, đồn Khố xanh… và rải truyền đơn từ cầu Thị Thạc đến trung tâm tỉnh lỵ kêu gọi quần chúng đấu tranh với thực dân chính quyền phong kiến đòi dân sinh, dân chủ. Hoạt động của đồng chí Phan Lưu Thanh có tiếng vang mạnh mẽ trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên yêu nước.

 

Sau những hoạt động tại Phú Yên, tháng 8/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè và được chi bộ đảng cử về Phú Yên hoạt động. Tại quê nhà La Hai (Đồng Xuân), đồng chí Phan Lưu Thanh - người cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên, tập hợp nhiều thanh niên tiến bộ tuyên truyền lý tưởng cộng sản, treo cờ búa liềm, rải truyền đơn… gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng về tư tưởng cộng sản.

 

Qua tuyên truyền, giác ngộ, thử thách trong công tác, đồng chí Phan Lưu Thanh kết nạp đồng chí Bùi Xuân Cảnh vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp theo là các đồng chí Phan Ngọc Bích (Việt Hồng), Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thị Hảo.

 

Trên cơ sở lực lượng đảng viên mới được kết nạp, ngày 5/10/1930 tại nhà đồng chí Phan Lưu Thanh ở Đồng Bé (La Hai), đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức hội nghị toàn thể đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ đảng cộng sản. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm Bí thư chi bộ.

 

Từ chi bộ đầu tiên ở La Hai (Đồng Xuân), chỉ trong một thời gian ngắn, những hạt giống đỏ đầu tiên tích cực gieo mầm cộng sản, thành lập được nhiều chi bộ ở Phước Lãnh, Thạnh Đức, Triêm Đức, Phước Hòa, Phú Xuân, Hà Trung, Hà Bằng, Háo Danh, Khoan Hậu (huyện Đồng Xuân); An Thổ, Ngân Sơn (huyện Tuy An) và phủ Tuy Hòa.

 

Qua 4 tháng xây dựng và phát triển (10/1930-1/1931), toàn tỉnh có 78 đảng viên với 17 chi bộ.

 

Tháng 1/1931, đồng chí Phan Lưu Thanh triệu tập các đảng viên nòng cốt của các chi bộ tổ chức hội nghị tại nhà đồng chí Nguyễn Phục Hưng (gần chợ La Hai) để bàn việc thành lập tỉnh ủy. Dự hội nghị này có các đồng chí Phan Lưu Thanh, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Diệp, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Phan Cao Lâm.

 

Đồng chí Phan Lưu Thanh báo cáo tình hình Cách mạng Tháng Mười Nga, tình hình trong nước và kết quả các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở Ba Son, Nam Định, Hải Phòng… đặc biệt là sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị quyết định thành lập Tỉnh ủy gồm 5 đồng chí. Đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

 

Tháng 3/1931, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí Phan Lưu Thanh về Phân ban Xứ ủy ở Quy Nhơn phụ trách Trưởng ban Ấn loát. Xứ ủy phân công đồng chí Trần Toại (Kim Tương) từ Quảng Ngãi vào làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

 

Tháng 6/1931, đồng chí Trần Toại bị ốm nặng phải điều trị ở nhà thương Quy Nhơn. Xứ ủy cử đồng chí Phan Lưu Thanh về thay thế, tiếp tục thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, tổ chức mít tinh ở nhiều nơi trong tỉnh như ở Cồn Loi (Triêm Đức), Đồng Cỏ (Xuân Lãnh), Đá Mũ, Ba Cụm, Phước Long…

 

Tại buổi mít tinh ở Triêm Đức, đồng chí Phan Lưu Thanh diễn thuyết trước 300 quần chúng tham dự. Ngày 14/7/1931 (quốc khánh Pháp), Tỉnh ủy chỉ đạo rải truyền đơn in bằng 3 thứ tiếng (Việt Nam, Pháp, Trung Quốc) và rải ở La Hai, Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Củng Sơn, các trục giao thông lớn… Nội dung truyền đơn kêu gọi ủng hộ Liên Bang Xô Viết, phản đối thuế thân, đòi bỏ lệ tuần canh.

 

Ngày 17/7/1931, thực dân Pháp truy lùng gắt gao, bắt giam đồng chí Phan Lưu Thanh cùng nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước.

 

Ngày 28/10/1031, thực dân Pháp mở phiên tòa tại tỉnh lỵ Sông Cầu kết án đồng chí Phan Lưu Thanh 15 năm tù phát phối (lưu đày biệt xứ) và đày ở nhà lao Buôn Ma Thuột.

 

Báo Đông Pháp số 1524 thứ sáu ngày 30/10/1931 đưa tin vụ án này dưới đầu đề “Cái án hội kín ở Phú Yên”: “Ngày 17/7 vừa đây, các quan trên có khám phá một cái tiểu tổ hội kín ở làng Phước Long, Triêm Đức, Phước Lãnh, Hà Trung, Hòa Bình thuộc tổng Xuân Đài huyện Đồng Xuân. Tiểu tổ này định tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 1/8”.

 

Tháng 7/1935, do phong trào đấu tranh rộng khắp ủng hộ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, đồng chí Phan Lưu Thanh được ra tù và trở về hoạt động ở La Hai, góp phần quan trọng khôi phục Đảng bộ Phú Yên.

 

Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám tại quê hương Phú Yên, Phan Lưu Thanh tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Đồng Xuân, là Chủ tịch Việt Minh huyện Đồng Xuân.

 

Năm 1946, Phan Lưu Thanh được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Sau Hiệp định Geneve, đồng chí Phan Lưu Thanh tập kết ra Bắc, tham gia cải cách ruộng đất, sau đó được tổ chức phân công làm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Bạch Mai cho đến lúc nghỉ hưu.

 

Ông mất ngày 3/9/1983, yên nghỉ bên mộ cha (cụ Phan Thứ) tại thôn Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ngày nay, ngôi nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, theo Quyết định 1543 QĐ/VH. Đây là nơi ở của Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên và là nơi cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên đóng trụ sở làm việc năm 1930-1931. Ngôi nhà được cụ Phan Lưu Minh, cháu nội đồng chí Phan Lưu Thanh, trông coi và lo việc thờ tự.

 

2- Nội dung Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên.

 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, những người cộng sản ở Phú Yên nhận thấy cần phải thành lập ngay tổ chức cộng sản mà trước mắt là thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Do đó, không chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dựa trên cơ sở số lượng đảng viên đã phát triển được, ngày 5/10/1930, tại nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh ở thôn Đồng Bé, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), đã tổ chức cuộc họp toàn thể đảng viên bàn việc thành lập chi bộ đảng cộng sản.

 

Tại buổi lễ thành lập, chi bộ đưa ra một chương trình hoạt động gồm 4 điểm:

 

- Tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách sâu rộng vào quần chúng công nhân, nông dân, trí thức, học sinh.

 

- Tổ chức và phát triển các hội quần chúng như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ giải phóng.

 

- Tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.

 

- Huấn luyện đảng viên phương pháp công tác bí mật.

 

Cũng tại buổi lễ thành lập, đồng chí Phan Lưu Thanh được hội nghị tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ.

 

Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng ở Phú Yên, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và nhân dân lao động trong tỉnh. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Phú Yên có sự soi đường dẫn lối của tổ chức những người cộng sản. Đó là nhân tố quyết định cho thắng lợi của phong trào cách mạng ở Phú Yên sau này.

 

Sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên được thành lập, ảnh hưởng của Đảng lan truyền mạnh ở các địa phương trong tỉnh, nhiều chi bộ mới được thành lập ở huyện Đồng Xuân và Tuy An. Tính đến tháng 1/1931, toàn tỉnh phát triển được 17 chi bộ với 78 đảng viên đòi hỏi phải có sự lãnh đạo chung của Đảng trên toàn tỉnh, do đó vào tháng 1/1931 các đảng viên nòng cốt của tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về thành lập Tỉnh ủy lâm thời.

 

Hội nghị được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Phục Hưng (gần chợ La Hai - Đồng Xuân). Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Nguyễn Đức Thạnh, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Diệp, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Phan Cao Lâm.

 

Tại hội nghị, đồng chí Phan Lưu Thanh đã báo cáo tình hình Cách mạng Tháng Mười Nga, tình hình trong nước và kết quả các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở Ba Son, Tràng Thi, Nam Định, Hải Phòng… đặc biệt là sự đàn áp của thực dân Pháp đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, làm cho hội nghị thấy rõ hơn sự dã man của thực dân Pháp và xác định thái độ đấu tranh đối với kẻ thù. Đồng thời, đồng chí đã vạch trần luận điệu xuyên tạc của tờ “Bình Phú Tân văn” - một tờ báo phản động của bọn thống trị ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Hội nghị đã thống nhất chủ trương phát động phong trào quần chúng đấu tranh phản đối bọn thực dân khủng bố trắng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; phổ biến sâu rộng tinh thần Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (hay gọi Cương lĩnh Tháng 2, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt), Luận cương chính trị và Điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương (được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất vào tháng 10/1930).

 

Hội nghị đã ra nghị quyết thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Phan Lưu Thanh, Phan Thanh Cưu, Nguyễn Đức Thạnh, Bùi Xuân Cảnh. Bí thư là đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng thời, hội nghị cũng quyết định thành lập các bộ phận giúp việc cho Tỉnh ủy, gồm có các tiểu ban: Tuyên huấn, Tổ chức, Ấn loát và Tài chính.

 

Tháng 2/1931, Phân ban Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Quy Nhơn công nhận Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên và quyết định điều đồng chí Phan Lưu Thanh, Bí thư Tỉnh ủy về công tác tại bộ phận ấn loát của Phân ban xứ ủy, đồng thời cử đồng chí Kim Tương (tức Trần Toại), cán bộ của Xứ ủy, về phụ trách Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên. Trước tình hình đó, đồng chí Phan Lưu Thanh đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy vào tháng 3/1931.

 

Tại hội nghị, đồng chí Phan Lưu Thanh đã thông báo các quyết định về việc phân công công tác đối với cán bộ của Phân ban Xứ ủy Trung Kỳ, sau đó các đại biểu tham dự cuộc họp bầu Bí thư Tỉnh ủy. Kết quả, đồng chí Trần Toại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Phan Lưu Thanh.

 

Hội nghị đề ra một số chủ trương công tác như sau:

 

- Củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên mới ở các chi bộ (nhất là ở những nơi quan trọng, những nơi chưa có đảng viên hoặc đảng viên còn ít, đặc biệt chú trọng phát triển đảng viên ở phủ Tuy Hòa, Nhà máy đường Đồng Bò).

 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

 

- Tổ chức nhiều cuộc mít tinh để chuẩn bị lực lượng cho cuộc biểu tình toàn tỉnh sắp tới, nhất là biểu tình tuần hành của quần chúng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh 1/8/1931.

 

- Thành lập một số bộ phận chuyên môn như tổ chức, tài chính, ấn loát, tự vệ đỏ…

 

- Thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ ở một số huyện, củng cố và phát triển các hội quần chúng.

 

Song song với chủ trương củng cố các tổ chức đảng ở cơ sở, củng cố các hội quần chúng, hội nghị đã quyết định thành lập các ban trực thuộc Tỉnh ủy như sau:

 

- Ban Tổ chức do đồng chí Nguyễn Hữu Tánh làm Trưởng ban.

 

- Ban Ấn loát do đồng chí Bùi Xuân Cảnh làm Trưởng ban.

 

- Ban Tài chính do đồng chí Nguyễn Đức Thạnh làm Trưởng ban.

 

- Ban Nông hội do đồng chí Nguyễn Phục Hưng làm Trưởng ban.

 

- Ban Tự vệ do đồng chí Mạnh Cổn làm Trưởng ban.

 

- Hội Phụ nữ do đồng chí Nguyễn Thị Hảo làm Hội trưởng.

 

Hội nghị quyết định đặt trụ sở của Tỉnh ủy tại nhà đồng chí Phan Lưu Thanh (La Hai, Đồng Xuân).

 

PHAN THANH 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek