Chủ Nhật, 05/05/2024 17:06 CH
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Yên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Thứ Tư, 19/08/2015 08:16 SA

Đồng chí Trương Kiểm (Trương Chí Cương) và đồng chí Lê Cấp

Giữa tháng 5/1945, các ông Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Hoàng Văn Phúc được các ông Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực trong Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột phân công về Phú Yên, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

 

Đến Phú Yên, ông Trương Kiểm liên lạc được với các ông Nguyễn Thái và Lê Duy Trinh. Thông qua các ông này, Trương Kiểm nắm được tình hình là từ cuối năm 1939, Phú Yên đã mất liên lạc với Xứ ủy, các tổ chức Đảng ở cơ sở bị tan vỡ, đầu năm 1945, Tỉnh ủy cũng chưa khôi phục được. Nhằm khôi phục và xây dựng lại tổ chức Đảng và lực lượng quần chúng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, các ông Trương Kiểm, Đoàn Văn Sơ, Lê Cấp, Hoàng Văn Phúc phân công nhau về các địa phương trong tỉnh, bắt liên lạc với những đảng viên cộng sản cũ, chuẩn bị các điều kiện cho lãnh đạo tổng khởi nghĩa.

 

Trên địa bàn phủ Tuy Hòa, từ tháng 4/1945, một số thanh niên trí thức yêu nước được bí mật tuyên truyền chương trình, điều lệ Mặt trận Việt Minh đã thành lập Ủy ban Việt Minh lâm thời do ông Đinh Nho Khôi làm thư ký.

 

Tại khu Tuy Hòa, các ông Đỗ Tương, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Huỳnh Nựu, Lê Tấn Thăng đã xây dựng được một số tổ chức quần chúng cách mạng ở các xã, thôn thuộc địa bàn.

 

Sau khi đã mốc nối được với một số đảng viên cũ, các ông Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Hoàng Văn Phúc khẩn trương xây dựng cơ sở quần chúng, lập Ban vận động thành Mặt trận Việt Minh, tiến tới thành lập Ủy ban Việt Minh ở các phủ, huyện.

 

Ở Tuy Hòa, cuối tháng 5/1945, các ông Trương Kiểm, Nguyễn Thái, Huỳnh Lưu… tổ chức cuộc họp để thành lập Ban vận động Việt Minh ở phủ Tuy An. Cuộc họp đã phân công ông Trương Kiểm chịu trách nhiệm chung, ông Huỳnh Lưu vận động tuyên truyền Việt Minh bí mật ở Nam Tuy An, ông Nguyễn Thái vận động tuyên truyền Việt Minh bí mật ở Bắc Tuy An. Ở Tổng An Hải, ông Nguyễn Hạnh giao nhiệm vụ cho ông Trần Thuẫn phát triển phong trào Việt Minh và thành lập Ủy ban Việt Minh An Hải. Ở La Hai, sau khi được các ông Trương Kiểm, Hoàng Văn Phúc trao đổi điều lệ, chương trình Việt Minh, ông Phan Thanh Cưu bí mật tuyên truyền chương trình Việt Minh trên địa bàn huyện. Tháng 6/1945, Ban Chấp hành Việt Minh huyện Đồng Xuân được thành lập trong một cuộc họp tại xóm Bầu - La Hai, ông Phan Thanh Cưu được bầu làm Thư ký. Trên địa bàn huyện Sơn Hòa và khu Đồng Bò, Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh do ông Đoàn Văn Sơ phụ trách.

 

Ngày 12/6/1945, Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên thành lập. Ông Trương Kiểm được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

 

Tỉnh ủy lâm thời xác định những nhiệm vụ cần khẩn trương tiến hành là:

 

Tuyên truyền giác ngộ quần chúng, động viên quần chúng tham gia đánh đổ phát xít Nhật và bọn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Tiến hành vũ trang tuyên truyền, biểu tình thị uy, nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng.

 

Tổ chức các đoàn thể quần chúng.

 

Thành lập Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa các cấp.

 

Tổ chức các đội vũ trang tự vệ.

 

Sau khi đã xây dựng được nhiều cơ sở và liên lạc được hầu hết các đảng viên cũ trong tỉnh, Ủy ban Việt Minh ở các phủ, huyện đã thành lập, Tỉnh ủy lâm thời quyết định vào ngày 17/7/1945. Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh họp tại nhà ông Nguyễn Quốc Thoại, làng Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa). Tham dự đại hội có 19 đại biểu, số đại biểu các khu, phủ, huyện gồm khu Sông Cầu có ông Hoàng Văn Phúc, huyện Đồng Xuân có các ông Phan Thanh Cưu, Nguyễn Ngọc Cầu; phủ Tuy An có các ông Trương Kiểm, Nguyễn Thái, Huỳnh Lưu; phủ Tuy Hòa có các ông Lê Cấp, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại; khu Tuy Hòa có các ông Lê Duy Trinh, Trần Ý; khu Đồng Bò có ông Hoàng Văn Thái; huyện Sơn Hòa có ông Đoàn Văn Sơ.

 

Tỉnh ủy lâm thời thống nhất là trong Đại hội Việt Minh tỉnh có 2 đại biểu của Ủy ban Việt Minh lâm thời do ông Đinh Nho Khôi làm Thư ký, đại diện cho khu và phủ Tuy Hòa tham dự, nhưng khi khai mạc đại hội, Ủy ban Việt Minh này cử 4 đại biểu dự.

 

Đại hội Việt Minh tỉnh làm việc trong 3 ngày, nội dung tập trung thảo luận báo cáo tình hình chung trong tỉnh, bàn việc khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và bầu Ủy ban Việt Minh tỉnh. Đại hội Việt Minh tỉnh nhất trí khẩu hiệu hành động “đánh đuổi phát xít Nhật”, thông qua dự thảo báo cáo tình hình và đề án công tác, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa.

 

Đại hội đã bầu ông Nguyễn Văn Nguyên giữ chức Thư ký, ông Trương Kiểm giữ chức Phó thư ký, ông Đinh Văn Ngộ, Ủy viên Thường vụ; Ủy ban Việt Minh tỉnh gồm các ông Nguyễn Văn Nguyên, Trương Kiểm, Đinh Văn Ngộ, Lê Cấp, Hoàng Văn Phúc, Đoàn Văn Sơ, Nguyễn Chấn, Trần Suyền, Lê Duy Trinh, Nguyễn Thái, Phan Thanh Cưu.

 

Sau Đại hội Việt Minh tỉnh, chấp hành nghị quyết đại hội, từ ngày 15/8/1945 trở đi, toàn tỉnh tổ chức biểu tình thị uy có vũ trang khắp các phủ huyện trong tỉnh, tập dượt quần chúng trên quy mô rộng lớn, chờ lệnh khởi nghĩa của cấp trên.

 

Tại tỉnh lỵ Sông Cầu, ngày 20/8/1945, một cuộc biểu tình thị uy lớn trong đó có một số lính khố xanh ở đồn Sông Cầu mà Việt Minh vận động được cùng tham gia biểu tình. Đoàn biểu tình kéo đến tập trung tại sân vận động trên bãi biển Sông Cầu để nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết. Sau cuộc biểu tình do Việt Minh tỉnh tổ chức, chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Sông Cầu hết sức hoang mang lo sợ, binh lính bảo an phần lớn ngã theo cách mạng. Tổ chức Việt Minh, lực lượng vũ trang phát triển nhanh trong các làng.

 

Ở La Hai (Đồng Xuân), sáng 21/8/1945, quần chúng tập trung biểu tình trước cổng huyện lỵ. Tri huyện xin từ chức về quê. Chiều hôm đó, quần chúng có vũ trang tập trung tại sân trường La Hai, rồi kéo đến lẫm La Hai nghe ông Phan Thanh Cưu, thay mặt Việt Minh huyện diễn thuyết. Sau đó tuần hành thị uy qua Sở Thương Chánh, ga La Hai, chợ La Hai… Ngay trong đêm 22/8/1945, quân Nhật đang đóng ở La Hai vội rút chạy về Nha Trang.

 

Ở Tuy An, ngày 22/8/1945, Ủy ban Việt Minh phủ tổ chức hai cuộc biểu tình: một cuộc ở Chí Thạnh gồm lực lượng các tổng phía bắc, một cuộc ở Hòa Đa - chợ Xổm. Các ông Nguyễn Thái và bà Huỳnh Thị Kim Hồng… diễn thuyết, rồi tuần hành qua các ngả từ chợ Xổm xuống Giai Sơn, Phú Hòa, về vận động Hòa Đa rồi về lại từng làng, mang theo khí thế sục sôi chuẩn bị đập tan xiềng xích gong cùm của bao đời bị nô lệ.

 

Ở phủ Tuy Hòa, ngày 23/8/1945, Ủy ban Việt Minh khu và phủ Tuy Hòa huy động nhân dân các phường và các làng của tổng Hòa Bình, Hòa Đa, Hòa Tường, Hòa Đồng tập trung hàng ngàn người tại sân bay Tuy Hòa, chiếm đồn Khố xanh, lính ngã về phía nhân dân. Quan lại, công chức một số lo sợ chạy trốn, một số thân Nhật “trở chiều” xin tham gia vào các hội cứu quốc. Cuộc biểu tình biểu dương lực lượng của nhân dân Tuy Hòa đã làm tê liệt bộ máy cầm quyền tay sai thân Nhật. Uy thế của Việt Minh được nâng cao. Các đội tự vệ cứu quốc phát triển đều khắp các làng, xã. Các lò rèn khẩn trương rèn đúc vũ khí cho cách mạng.

 

Ở Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), ngày 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh huyện huy động hàng ngàn dân léo về sân vận động trước cổng huyện lỵ biểu tình thị uy.

 

Ngày 14/8/1945, quân phiệt Nhật đầu hàng phe Đồng minh. Quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương như rắn mất đầu, hoang mang dao động đến cực độ. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1:

 

“Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!

 

Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy chính quyền độc lập của nước nhà!.

 

(…) Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tình thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!

 

(…) Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”

 

Cũng trong ngày, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Hội nghị toàn quốc của Đảng thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân toàn quốc khai mạc ngay tại Tân Trào. Đại hội ủng hộ chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội Quốc dân đã thông qua lời hiệu triệu, kêu gọi quốc dân đồng bào cả nước nổi dậy giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ.

 

Ở Phú Yên, giữa lúc nhân dân đang sôi sục khí thế mong chờ lệnh tổng khởi nghĩa thì chiều 23/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời và Thường vụ Việt Minh tỉnh nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương.

 

Để thống nhất hành động và kịp thời triển khai mệnh lệnh tổng khởi nghĩa cho các địa phương, ngay trong đêm 23/8/1945, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Trương Kiểm triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy lâm thời và Thường vụ Việt Minh tỉnh tại Sông Cầu.

 

Cuộc họp đã quyết định khởi nghĩa toàn tỉnh vào đêm 24 rạng ngày 25/8/1945; lệnh cho các phủ, huyện cùng tiến hành khởi nghĩa trong thời gian trên. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh.

 

Đêm 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm các ông Trương Kiểm, Hoàng Văn Phúc, Lê Cấp, Đoàn Văn Sơ, Nguyễn Thái, Nguyễn Văn Nguyên và Nguyễn Nên do ông Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời làm Trưởng ban, ông Lê Cấp phụ trách quân sự, ông Nguyễn Thái phụ trách an ninh. Ngay trong đêm, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã thông qua kế hoạch khởi nghĩa gồm các nội dung:

 

Ở tỉnh cũng như ở phủ, huyện, khởi nghĩa cùng thời điểm vào nửa đêm 24/8/1945.

 

Nơi nào có đồn lính Khố xanh thì đánh lấy đồn lính trước, sau đó chiếm các công sở.

 

Huy động sức mạnh của quần chúng, kết hợp với các đội tự vệ vũ trang để giành chính quyền.

 

Cần huy động thêm lực lượng quần chúng ở các làng, xã lân cận hỗ trợ cho tỉnh lỵ Sông Cầu và khu Tuy Hòa.

 

Xóa bỏ chính quyền bù nhìn xong, tuyên bố thành lập ngay chính quyền cách mạng.

 

Ủy ban khởi nghĩa tỉnh trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Sông Cầu.

 

Ủy ban khởi nghĩa phủ Tuy Hòa giành chính quyền ở phủ Tuy Hòa, riêng khu Tuy Hòa, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh sẽ đưa tỉnh trưởng Hồ Ngận đến Tuy Hòa bắt giao đồn.

 

Đồng chí Trần Suyền và đồng chí Nguyễn Thái

Từ tối 24/8/1945, tại tỉnh lỵ Sông Cầu, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã huy động lực lượng quần chúng và các đội tự vệ từ La Hai, Gò Duối về cùng lực lượng tại chỗ làm lực lượng chính tiến hành khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa chuẩn bị cán bộ tiếp quản các công sở, bố trí tự vệ bí mật ở các ngả đường. Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Nguyên, Thư ký Ủy ban Việt Minh tỉnh.

 

Nhờ quá trình chuẩn bị tốt, có cơ sở bên trong là Nguyễn Văn Thuận và một số lính Khố xanh khác trong đồn phối hợp, đúng 23 giờ ngày 24/8/1945, lực lượng khởi nghĩa làm chủ đồn lính Khố xanh Sông Cầu. Lúc 0 giờ ngày 25/8/1945, Nguyễn Thái, Ủy viên phụ trách an ninh của Ủy ban khởi nghĩa được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh cử đại diện Ủy ban Việt Minh tỉnh đến tỉnh đường. Tỉnh trưởng Hồ Ngận xin giao chính quyền, giao ấn tín và các loại giấy tờ cho cách mạng. Sau khi nhận ấn tín, tài liệu của tỉnh trưởng chính quyền cũ giao, đoàn cán bộ cách mạng theo phân công đến các công sở tiếp quản. Việc tiếp quản làm xong ngay trong đêm, các đội tự vệ được giao nhiệm vụ canh giữ những nơi cách mạng đã tiếp quản.

 

Sáng 25/8/1945, nhân dân tập trung trước tỉnh đường. Sau khi cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ trước tỉnh đường, ông Trương Kiểm thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh tuyên bố chính quyền thực dân phong kiến bị xóa bỏ, chính quyền nhân dân được thành lập. Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban Việt Minh tỉnh dời trụ sở vào đồn Khố xanh tỉnh lỵ Sông Cầu. Tại đây, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh bàn việc đi lấy các đồn Khố xanh Tuy Hòa và Trà Kê.

 

Ở La Hai, sáng 25/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa huy động quần chúng nhân dân và tự vệ chiếm Liên Nông Thương đoàn, Nha Bang tá, Sở Thương Chánh; một bộ phận khác tiến chiếm huyện lỵ Đồng Xuân.

 

Ở phủ và khu Tuy Hòa, tình hình khởi nghĩa giành chính quyền và thiết lập chính quyền cách mạng diễn biến phức tạp giữa các nhóm khởi nghĩa.

 

Ngày 23/8/1945, ở khu Tuy Hòa, Việt Minh khu Tuy Hòa tổ chức quần chúng biểu tình tuần hành và vào đồn Khố xanh hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng. Sáng 24/8/1945, một lực lượng tự vệ cứu quốc từ Phước Hậu và một số làng khác vào đồn không bị đổ máu, do người cầm đầu đồn này đã được Việt Minh tuyên truyền và đã ngã về với nhân dân, lính Khố xanh trong đồn đã tê liệt, tự vệ lấy được nhiều súng đưa về cất giữ ở làng Phước Hậu và làng Hòa Đa. Ngày 25/8/1945, khi đoàn của ông Nguyễn Thái từ Sông Cầu vào khu Tuy Hòa, người của nhóm ông Đinh Nho Khôi huy động quần chúng biểu tình trước đồn lính Khố xanh do tự vệ cứu quốc Phước Hậu đang chiếm giữ, đòi thả những người trong nhóm của ông Đinh Nho Khôi đang bị Ủy ban khởi nghĩa tỉnh bắt giữ.

 

Trước tình hình đó, lực lượng tự vệ cứu quốc do ông Nguyễn Quốc Thoại chỉ huy để lại một số tự vệ giữ đồn Khố xanh, lực lượng còn lại tăng cường thêm một số súng đạn kéo đi chiếm phủ đường Tuy Hòa. Tri phủ Tuy Hòa là Nguyễn Thọ Duật đã bỏ trốn, tự vệ thu giữ các tài liệu còn lại ở phủ đường. Trong đêm 25/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời, Thường vụ Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lui lực lượng tự vệ đang đóng ở khu Tuy Hòa ra Phước Hậu để tránh xung đột với lực lượng quần chúng do nhóm ông Đinh Nho Khôi huy động biểu tình.

 

Cùng thời gian, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh cử một cán bộ của Ủy ban khởi nghĩa cùng đi với Nguyễn Long - Đội Khố xanh làm cơ sở cách mạng tại đồn Khố xanh Sông Cầu và 2 binh sĩ mới giác ngộ đi lấy đồn Trà Kê.

 

Ở Tuy An, sáng 25/8/1945, dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa và Mặt trận Việt Minh, các đội tự vệ của các tổng An Sơn, An Đức, An Hải làm nòng cốt tiến về Chí Thạnh kéo vào vây phủ đường Tuy An, Tri phủ Phan Đình Chi và Lại mục Lê Tấn Cầu giao ấn tín cho Ủy ban khởi nghĩa. Các đội tự vệ chiếm giữ chi nhánh Liên nông Thương đoàn, Nhà thương Tuy An. Tự vệ các tổng An Vinh, An Phú hướng dẫn nhân dân xuống đường tuần hành, Chánh tổng, Lý trưởng run sợ mang bằng sắc, đồng triện giao nộp cho các ủy ban khởi nghĩa. Việt Minh An Hải đến nhà Chánh tổng, Lý trưởng thu đồng triện, thành lập chính quyền cách mạng tổng An Hải. Chiều 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn Tuy An kết thúc thắng lợi.

 

Ở Sơn Hòa, được sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa và Mặt trận Việt Minh huyện, ngày 26/8/1945, một lực lượng do ông Phan Nhự dẫn đầu tiến vào huyện đường, Tri huyện Thân Trong Khoa giao quyền, nộp đồng triện, rời tư thất ra ở trọ nhà dân. Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

 

Ở khu Đồng Bò, ngày 27/8/1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa khu Đồng Bò huy động lực lượng công nhân nhà máy và nhân dân trong vùng tổ chức mít tinh vũ trang, tước vũ khí đồn Khố xanh, chiếm nhà Bang tá. Đại diện Ban lãnh đạo khởi nghĩa đến gặp chỉ huy lính Nhật yêu cầu không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, giải thích chính sách của Việt Minh đối với quân Nhật thua trận. Chỉ huy Nhật hứa thực hiện các yêu cầu của ta nhưng ngay ngày hôm sau chúng đem lính vây trụ sở Ủy ban khởi nghĩa. Ta huy động quần chúng vũ trang giáo mác, gậy gộc kéo đến vây trại linh Nhật đòi chúng thả những người bị bắt. Quân Nhật kéo đến cơ quan quân sự của ta đóng ở Lương Phước khiêu khích. Tự vệ ta buộc phải nổ súng, qua chiến đấu, một số tự vệ bị thương. Nhà máy đường bị quân Nhật tiếp tục chiếm giữ, tự vệ cách mạng tăng cường bao vây cắt đứt mọi đường tiếp tế lương thực vào nhà máy cho quân Nhật, nhân dân tự phá đường từ Tuy Hòa lên Đồng Bò cắt đường chi viện bằng xe cơ giới, tình hình giằng co này kéo dài trong ba tháng, có lúc hai bên nổ súng và đều bị thiệt hại về người. Cuối cùng quân Nhật cũng phải rút khỏi nhà máy đường Đồng Bò.

 

Như vậy đến ngày 26/8/1945, trừ khu Đồng Bò, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Yên hoàn toàn thắng lợi.

 

Sáng 26/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên ra mắt nhân dân tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Thành phần Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm các ông Nguyễn Văn Nguyên làm Chủ tịch, Trương Kiểm làm Phó chủ tịch, Lê Cấp làm Ủy viên Quân sự, Nguyễn Thái làm Ủy viên An ninh - Tư pháp, Lê Duy Trinh làm Ủy viên Tài chính và các ông Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Cưu, Phạm Ngọc Quế, Đoàn Văn Sơ làm Ủy viên.

 

Tiếp đến, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các khu, huyện, phủ được thành lập vào ngày 28/8/1945.

 

Ở phủ và khu Tuy Hòa, ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời, Thường vụ Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh cử ông Nguyễn Thái vào họp bàn với các ông Trần Đình San, Lê Duy Trinh, Nguyễn Chấn và đại diện nhóm Đinh No Khôi để thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời khu Tuy Hòa và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa. Quyết định Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa do ông Trần Suyền làm Chủ tịch, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời khu Tuy Hòa do ông Lê Văn Phú làm Chủ tịch. Tối 1/9/1945, tại sân vận Hội Ích trí khu Tuy Hòa, Ủy ban nhân dân cách mạng khu Tuy Hòa ra mắt trước hàng nghìn quần chúng.

 

Ở các địa phương khác trong tỉnh, việc thành lập chính quyền tiến hành thuận lợi. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Tuy An do ông Huỳnh Lưu làm Chủ tịch; huyện Đồng Xuân do ông Đoàn Tư làm Chủ tịch; khu Đồng Bò do ông Đoàn Văn Sơ làm Chủ tịch.

 

Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên báo cáo việc thành lập chính quyền các cấp và thành phần chính quyền cách mạng lên cấp trên, sau đó được điện của cấp trên quyết định thừa nhận chính quyền cách mạng ở Phú Yên.

 

Đem sức ta để giải phóng cho ta

 

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta nổ ra gần như đồng thời trong cả nước, giành thắng lợi trọn vẹn chỉ chưa đầy nửa tháng. Chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến cơ sở. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của một nước độc lập tự do.

 

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc được hình thành trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, bắt đầu từ năm 1911. Sự sáng tạo đặc biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ ngay từ đầu Người đã xác định đúng vị trí và vai trò của cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa khi cho rằng: Cách mạng thuộc địa không bị động chờ cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có thể chủ động tiến công giành thắng lợi cho riêng đất nước mình.

 

Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, bức thiết của cách mạng. Mặt trận Việt Minh ra đời theo sáng kiến của Bác Hồ đã thống nhất các lực lượng yêu nước dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám.

 

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân Việt Nam long trọng tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam đã giành được độc lập, sau gần 80 năm bị thực dân đô hộ. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

 

Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng còn non yếu đã phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vậy mà, với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, với những quyết sách sáng suốt, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đoàn kết toàn dân, vừa kiến quốc vừa tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống lại cuộc cướp nước lần thứ 2 của thực dân Pháp.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước và những hoạt động thực tiễn của Người đều nổi bật lòng thương yêu nhân dân. Hồ Chí Minh coi trọng quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đó là pháp trị, là nhà nước pháp quyền. Đồng thời Người còn chủ trương đức trị, thực hành dân chủ rộng rãi, ra sức bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Lấy đức để cảm hóa và giáo dục con người, yêu thương quý trọng nhân dân.

 

Bài học nắm thời cơ, chủ động tiến công dựa vào sức mình là chính của tư tưởng Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám, soi sáng con đường cho Đảng và nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc đầu sỏ xâm lược trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

BẰNG TÍN

 

XUÂN ĐỒNG - PHAN THANH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek