Thứ Hai, 18/11/2024 03:35 SA
Cần quy định rõ hơn quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của Chính phủ
Thứ Ba, 02/06/2015 07:55 SA

Đồng chí Đặng Thị Kim Chi phát biểu tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: M.HỘI

LTS: Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đồng chí Đặng Thị Kim Chi, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, đã có bài phát biểu tham gia thảo luận tại hội trường. Báo Phú Yên xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí Đặng Thị Kim Chi.

 

Tôi cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện luật, tôi xin đóng góp một số nội dung như sau:

 

1. Về thành viên, cơ cấu tổ chức của Chính phủ (Điều 2). Tôi tán thành cao với việc không quy định

 số lượng, tên gọi cụ thể các bộ, cơ quan ngang bộ vào trong luật này. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện hơn cho Chính phủ chủ động trong việc quy định về cơ cấu của Chính phủ nhưng quyền quyết định về số lượng vẫn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đúng theo quy định của Hiến pháp như đã thể hiện tại Điều 2: “…việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định”.

 

2. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ: Khoản 7, Điều 28 có ghi: “…cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc Trung ương”. Tôi đề nghị cần xem lại để quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vì khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định quyền của HĐND là “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND cùng cấp”. Khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật Tổ chức HĐND cũng quy định: “Đối với Luật Tổ chức UBND cấp tỉnh vi phạm pháp luật… thì Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ chức vụ và đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm”. Vậy giải quyết mối quan hệ giữa cách chức của Thủ tướng với bãi nhiệm của HĐND như thế nào? HĐND bầu ra thì có quyền bãi miễn là đúng, nhưng Thủ tướng cách chức cần phải xem lại.

 

3. Về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

 

Khoản 1 Điều 29 quy định: Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó thủ tướng Chính phủ thực hiện. Tôi thấy quy định này so với thực tế không khớp nhau, vì tại các kỳ họp Quốc hội, đồng chí Thủ tướng Chính phủ không vắng mặt, vẫn ủy quyền cho Phó thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc trả lời chất vấn. Nếu quy định cứng như luật thì sẽ gây khó cho Thủ tướng vì buộc Thủ tướng khi có mặt thì phải báo cáo, nếu không thực hiện thì sẽ vi phạm luật. Do đó, tôi đề nghị quy định: Thủ tướng Chính phủ tự mình hoặc ủy quyền cho một Phó thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội là đủ, không nhất thiết phải khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt thì mới ủy quyền. Còn nếu đã quy định trong luật thì Quốc hội phải yêu cầu Thủ tướng thực hiện nghiêm túc, không để như lâu nay.

 

4. Về thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Điều 38), tôi thống nhất dự thảo luật phải quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ như đã thể hiện tại Điều 3. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần mạnh dạn tách Bộ NN-PTNT ra vì bộ này quản lý một mảng việc quá rộng, từ nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, biển, đảo, môi trường biển; từ nuôi trồng đến khai thác, đánh bắt, chế biến… Do đó tôi đề nghị nên tách mảng liên quan đến biển, đảo, thủy sản ra khỏi bộ nông nghiệp để thành lập một bộ riêng…Có như thế mới tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ biển đảo có hiệu quả.

 

Để giảm cấp phó, tôi đề nghị phải nâng quyền và trách nhiệm của cục trưởng, vụ trưởng, tổng cục trưởng lên. Khi trao quyền quản lý nhà nước một lĩnh vực nào đó thì tổng cục trưởng, cục trưởng phải có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó chứ không phải thứ trưởng chịu. Lâu nay chúng ta thường phân công một thứ trưởng, phó thủ trưởng ở cấp bộ phụ trách một mảng, công việc, do đó khi được cử đi họp với nội dung một mảng việc khác thì hầu như không nắm được nên không tham gia được ý kiến xác đáng. Mà thông thường theo giấy mời làm việc thường là mời thủ trưởng, sau đó thủ trưởng mới phân công cấp phó đi họp. Có cuộc họp không cho cấp thấp hơn như vụ trưởng, cục trưởng đi họp thay lãnh đạo bộ, mặc dù có thể họ nắm phần việc chuyên môn sâu hơn, có thể phát biểu xác đáng hơn. Tình trạng văn bản chậm ban hành hoặc chậm triển khai nhiều khi cũng do nằm quá lâu ở bàn của thứ trưởng, bởi vì có nhiều khi văn bản cấp cục, vụ đã soạn xong nhưng khi trình lên thứ trưởng thì bị đùn lại do thứ trưởng phụ trách mảng đó đi công tác trong, ngoài nước dài ngày nên phải chờ thứ trưởng ấy về mới ký và triển khai được, mặc dù ở nhà vẫn còn những thứ trưởng khác nhưng không ký vì không phải mảng việc họ phụ trách. Do đó dù có nhiều cấp phó mấy thì công việc vẫn không thể chạy nhanh được và khi có sai sót vẫn khó kiểm điểm trách nhiệm cá nhân nếu không phân cấp quản lý mạnh và nâng cao vai trò quản lý nhà nước của cấp tổng cục, cục,vụ.

 

Song song với việc giảm cấp phó thì phải nâng chất lượng cấp phó. Có thể một người lên làm lãnh đạo bộ từ một cục, vụ chuyên môn nên họ chỉ chuyên sâu lĩnh vực đó, nhưng khi đã là lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ thì yêu cầu phải nắm toàn diện các hoạt động của bộ thông qua việc nghiên cứu tài liệu, tham gia hoạt động thực tiễn, họp giao ban… để có thể nắm được phần việc của bộ, ngành mình một cách tổng quan nhất, vì về chuyên môn sâu đã có các cục, vụ tham mưu. Nhân đây tôi cũng đề nghị cần quy định về số lượng cấp phó của các ban Đảng và các tổ chức chính trị xã hội, vì đội ngũ này cũng hưởng lương và kinh phí hoạt động của ngân sách nhà nước mà không quy định cụ thể biên chế là không công bằng, hợp lý.

 

5. Về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 40)

 

Tôi thống nhất với quy định tại Khoản 2 điều này, quy định rất cụ thể số lượng đến cấp phó của cấp vụ, cục, tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên về số lượng cục, vụ, tổng cục… của các bộ, cơ quan ngang bộ thì không có giới hạn trần tối đa. Như vậy sẽ không khắc phục được tình trạng có quá nhiều cục, vụ như hiện nay. Thực tế lâu nay, sau khi nhập một số bộ, ngành ở Trung ương và sở ngành ở cấp tỉnh thì tuy đầu mối bộ, sở có giảm nhưng số lượng biên chế không giảm mà tăng đáng kể là do thành lập mới quá nhiều cục, tổng cục và đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, tôi đề nghị cần quy định số lượng tổng cục, cục vụ… của các bộ, cơ quan ngang bộ có giới hạn tối đa, có như vậy thì mới quản lý biên chế có hiệu quả.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek