Trong thời kỳ mới của cách mạng, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập, như Đảng ta đã từng khẳng định: “muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI bổ sung thêm “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu (ngoại giao đa phương), góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương. Thực tiễn gần 30 năm đổi mới đã chứng minh, Việt Nam không ngừng tăng cường tham gia toàn diện, sâu rộng trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương. Lần thứ hai, Việt Nam đã chính thức ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (năm 2015) và cũng lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (năm 2017). Mới đây nước ta đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu rất cao, kết quả đó thể hiện uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - DANH NHÂN VĂN HÓA KIỆT XUẤT
Là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến cho thời đại một hệ thống tư tưởng cách mạng vĩ đại mà còn để lại dấu ấn văn hóa sâu sắc có sức lôi cuốn nhân loại tiến bộ vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ trong thời đại ngày nay.
Năm 1923, trong bài “Thăm mộ chiến sĩ Quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Liên Xô Ôxip Mandenxtan, chỉ sau một lần gặp không hẹn trước trên một chuyến tàu tốc hành tại nước Nga đã đưa ra những lời nhận xét: “Ở Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một sự giản dị lịch thiệp và tinh tế. Qua phong thái thanh cao, giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái nhân loại…”(1).
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến xem Triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức, tổ chức tại Moscow và gặp họa sĩ người Thụy Điển Eric Johanson rồi được ký họa chân dung. Về sự kiện này, họa sĩ Thụy Điển đã viết: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”. Cũng trong dịp này, Eric Johanson cho chúng ta biết thêm: Nguyễn Ái Quốc là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người rất uyên bác. Ngay từ lúc đó, Người đã biết 28 thứ tiếng.
Trong dịp Hồ Chí Minh đi thăm Ấn Độ và Miến Điện (Myanmar) tháng 2/1958, Chính phủ và nhân dân hai nước này đã dành những lời đẹp nhất để nói về Người: “Ngài như một đại chiến sĩ cho tự do, như một vị lãnh tụ thân mến… luôn luôn quan tâm đến sự giải phóng của những dân tộc bị nước ngoài thống trị… Trong lịch sử nhân dân châu Á, Ngài là một nhân vật đặc biệt vĩ đại… Đời sống khắc khổ và đức tính khiêm tốn của Chủ tịch làm cho nhân dân các nước Đông Nam Á đặc biệt yêu mến Ngài. Chủ tịch chẳng những là biểu hiện cho sự đoàn kết của nhân dân châu Á, mà còn là một lãnh tụ của hòa bình”.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại, năm 1990, thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiến sĩ Ahmet đã viết: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay sau khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(2).
Nghị quyết UNESCO viết: “Sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm, và những lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(3).
Điều đặc biệt, hiếm thấy ở đây là cùng một lúc Hồ Chí Minh được ghi nhận trong nghị quyết của UNESCO vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là nhà văn hóa kiệt xuất. Đã là vĩ nhân thì đều “để lại dấu ấn trong quá trình phát triển nhân loại”, nhưng Hồ Chí Minh là “một biểu tượng kiệt xuất”, “đóng góp quan trọng về nhiều mặt”. Điều này hiếm thấy ở bất kỳ nhà trí thức lỗi lạc hay danh nhân văn hóa nào.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn sống mãi trong tương lai, trong lòng dân tộc và trong lòng nhân loại tiến bộ. J.Stenson một nhà sử học Mỹ, viết: “Một số đông người đã tha hóa chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống, nhân loại lại tìm về tấm gương sáng ngời nhân cách của Hồ Chí Minh, một tấm gương cho thế hệ mai sau”(4).
Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, lòng yêu dân thắm thiết, gắn bó với nhân dân; về tinh thần đoàn kết, về đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam; là một vĩ nhân được UNESCO phong danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là “Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”(5).
45 năm trước, khi vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng với muôn vàn tình thương yêu và những lời căn dặn rất đỗi ân tình, sâu sắc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(6). Do vậy càng đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thực hiện thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, trọng tâm là tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả chuyên đề năm 2015 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh” gắn với công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và 25 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”, với tất cả lòng kính yêu biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, chúng ta nguyện kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kính tế - xã hội năm 2015. Mỗi cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng các văn kiện, góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của dân tộc qua 30 năm đổi mới, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
---------------
Tài liệu tham khảo:
(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2002, t3 tr431
(2) - Tiến sĩ M.Ahmet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và độc lập”. Dẫn trong Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. NXB Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1995, tr 28,29.
(3) - Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB KHXH, Hà Nội,1990, tr.5.
(4) - J.Stenson. Hồ Chí Minh là nhân cách của thời đại, Tiền Phong cuối tháng 5/1994.
(5) - Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 tại Hà Nội.
(6) - Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr.58.
NGUYỄN VĂN THANH