Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Phú Yên rất quan tâm và sớm nghĩ đến việc thành lập một đoàn văn công để phục vụ bộ đội và đồng bào ở vùng căn cứ miền núi, đồng thời chuẩn bị cho việc biểu diễn phục vụ đồng bào vùng đồng bằng sau đồng khởi ở Tuy Hòa 1 mà tâm điểm là xã Hòa Thịnh năm 1960. Sau đó một thời gian, bên lực lượng vũ trang cũng hình thành một đoàn văn công gọi là Văn công Tỉnh đội.
Đến năm 1965, Đoàn Văn công Tỉnh đội sáp nhập làm một với Đoàn Văn công Tỉnh ủy (còn có tên gọi thân mật là Văn công Y17). Khi tôi về làm chính trị viên đoàn văn công thì anh Thế Linh làm trưởng đoàn. Quê anh ở xã An Ninh (huyện Tuy An). Anh vốn được đào tạo nghiệp vụ từ miền Bắc về. Do đó, anh có khả năng sáng tác các tiết mục biểu diễn nhưng chỉ khoảng 5 tháng sau, trong một trận địch càn xã An Lĩnh (là căn cứ miền núi của huyện Tuy An lúc bấy giờ), anh bị địch phục kích và hy sinh ở Hòa Giang.
Sự tổn thất của văn công lúc ấy gần như liên tục. Anh đoàn trưởng Kim Long hy sinh trước anh Thế Linh. Còn anh Bảy là một diễn viên có năng khiếu xuất sắc thì hy sinh trước anh Kim Long tại Vân Hòa.
Lúc này, tình thế bắt buộc, tôi phải viết tiết mục biểu diễn. Năm 1967, dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh, sau khi nghe anh Lê Trung Kiên báo cáo thành tích của đơn vị đặc công 202, tôi đã viết tại chỗ bài hát Hát mừng đơn vị 202. Các bài nhạc tôi sáng tác khi còn làm công tác thanh niên cũng được đem sử dụng. Chuẩn bị cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa với Hai chân ba mũi giáp công (hai chân là vũ trang và chính trị; ba mũi là chính trị, quân sự và binh vận). Tôi đã viết Bài ca xuống đường, Tiến công và nổi dậy. Gần đến Tết Mậu Thân, tôi lại viết Đường về Nhạn Tháp, bài chòi Đêm hành quân thương về quê mẹ và mấy bài độc tấu hài cũng ra đời trong lúc này.
Tôi không thể nào nhớ được đã phục vụ bộ đội ta bao nhiêu cuộc biểu diễn, nhưng con số phải nói là rất lớn. Bộ đội tươi vui bao nhiêu, vỗ tay tán thưởng nhiều bao nhiêu thì văn công chúng tôi trào nước mắt xúc động bấy nhiêu. Bởi vì, chúng tôi tự hiểu tài nghệ của mình và các tiết mục biểu diễn cũng chỉ là cơm nguội chấm muối mời người đang rỗng ruột! Mỗi lần được phục vụ bộ đội như vậy, chúng tôi được ăn no. Bữa cơm lúc này là “gạo đèo sắn” chứ không phải là “sắn cõng gạo” như thường nhật.
Các văn công ngày trước trong buổi gặp mặt các thế hệ văn công Phú Yên, được tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển - Ảnh: V.GIÁO |
Trong năm 1968, đoàn được bổ sung thêm anh Đỗ Trọng Lưu và anh Trần Sửu đều cùng quê Ngân Sơn, An Thạch. Anh Lưu biết tân nhạc, chơi guitar và mandolin. Còn anh Sửu thì chuyên guitar phím lõm đệm đàn hô bài chòi và ca vọng cổ. Lực lượng của đoàn vẫn còn rất mỏng, chỉ vỏn vẹn 11 người. Chuyên môn nghệ thuật thì chỉ có “nhiệt tình” chứ hầu hết đều không biết nhạc lý và ký âm pháp. Do vậy, việc tập cho cả đoàn hát được một bài đồng ca tân nhạc cũng phải “5 cơm 7 cháo”, mà thật ra nhiều tháng ngày dài chẳng hề có cháo cơm gì, chỉ toàn củ và lá sắn luộc.
Thực lực của đoàn đang còn mỏng như vậy mà đùng một cái, lại bị tổn thất nặng. Đêm mùng 4 Tết Kỷ Dậu (1969), trên đường đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng giáp ranh thuộc xã Hòa Quang (huyện Tuy Hòa 2), đoàn bị lọt vào ổ phục kích của địch tại miếu Bà Di (thuộc xã Hòa Quang). Đêm ấy, đoàn hy sinh 4 người, gồm các anh Đỗ Trọng Lưu, Tạ Xuân Lý, Trần Sửu và em Đỗ Thị Thúy Hồng. Tôi bị đạn xuyên thủng bắp vế nhưng không gãy xương nên chạy thoát.
Người em đã hát Đường về Núi Nhạn “rung vang khắp núi rừng” trong bài thơ Tiếng hát Nguyên tiêu mà tôi nói tới chính là em Thúy Hồng với tuổi đời 17 đang xuân như một đóa hồng tỏa hương khoe sắc. Đoàn lúc này chỉ còn 7 người, tôi lại đang phải chữa thương nên chỉ có mỗi việc trồng sắn để có cái ăn, chứ không thể nào biểu diễn được nữa.
Độ mấy tháng sau, khi vết thương tôi đã lành, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhất là anh Sáu Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn phối hợp với các huyện khẩn trương rút người bổ sung cho đoàn. Lực lượng lúc này thật hùng hậu. Có thêm giọng ca nam trung hát tân nhạc rất khỏe là Ngọc Trường từ bộ đội chuyển sang. Huyện Tuy An rút được cô Nhị, cô Lan, anh Phụng, cô Phán, cô Hạnh, cô Thao, cô Thủy, anh Thương, anh Lê Xuân Ngọc, cô Yến, bé Huynh, cậu Hân (chơi guitar). Huyện Tuy Hòa mời được nghệ sĩ Chín Đạm (tức Nguyễn Trọng Kim), chú Mười Kèn, anh Lê Văn Ngang (đàn nhị), Nguyễn Công Phường, Nguyễn Phụng Kỳ, Huỳnh Như Ngân.
Năm 1970, đoàn đã có thể biểu diễn một đêm dân ca với vở kịch Tấm ảnh đánh rơi cùng với các tiết mục lẻ khác như bài chòi, tân nhạc, tấu hài… hầu hết do tôi sáng tác. Đồng thời, đoàn có thể biểu diễn đêm thứ hai bằng chương trình hát bội với vở tuồng Trần Bình Trọng do nghệ sĩ Chín Đạm sáng tác và đạo diễn. Lúc này, đoàn còn chấp hành chỉ thị của anh Sáu Suyền là khai thác các làn điệu dân ca địa phương như hò khoan, hát rập, các điệu lý… Chúng tôi đã mời nhiều nghệ nhân dân gian lên nơi chúng tôi đóng quân để ghi âm các làn điệu ấy. Anh Sáu Suyền cũng rất hăm hở và tích cực trực tiếp theo dõi. Anh còn sáng tác nhiều bài lục bát để tôi vận dụng các làn điệu dân ca, đưa vào kịch bản bằng cách lồng ghép. Do đó, vở dân ca kịch Tấm ảnh đánh rơi kéo dài đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ!
Có lúc vì thiếu vai, tôi cũng phải lao vào tập hát bội, đóng kép xéo (tướng võ vai phụ) và vai quân Nguyên là một vai hề! Về sau, đoàn còn tập thêm vở tuồng Tuy Hòa đồng khởi, cũng do nghệ sĩ Chín Đạm sáng tác và đạo diễn.
Năm 1973, tôi bị sốt rét sưng lách số 5, cơ thể như mất hết sức sống. Tổ chức Tỉnh ủy ra quyết định cho tôi đi miền Bắc chữa bệnh. Tháng 10/1973, tôi về Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn, viết báo đăng ở Phú Yên giải phóng và sáng tác ca dao vận động quần chúng và binh địch vận. Tháng 6/1974, tôi lên đường đi miền Bắc.
Đoàn Văn công thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên lúc này do anh Nguyễn Ngọc Thừa làm đoàn trưởng, anh Lê Hữu Phước làm chính trị viên, có tập thêm vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn biểu diễn rất hấp dẫn khán giả.
Với tôi, quãng thời gian tham gia đoàn văn công đã trở thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên.
VŨ TRUNG UYÊN
Nguyên Chính trị viên Đoàn Văn công, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên