Ở CHIẾN TRƯỜNG ĐÔNG NAM BỘ
Địa bàn miền Đông Nam Bộ liên quan trực tiếp đến khu vực Sài Gòn - Gia Định trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, bởi các cánh quân lớn của chiến dịch đều xuất phát trên địa bàn các tỉnh miền Đông, đồng thời các hướng tiến quân vào Sài Gòn phải qua tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp của địch. Do đó, các hoạt động của những địa bàn phụ cận có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tiến công của các cánh quân chủ lực của bộ cũng như quân khu, chủ yếu trên vòng bán nguyệt: Tây Nam, Tây Bắc và Đông Sài Gòn.
Phối hợp với mặt trận Sài Gòn - Gia Định, quân và dân Tây Ninh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, kìm chân tiêu diệt và làm tan rã 2 trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 25, không cho địch chạy về ứng cứu Sài Gòn. Từ đêm 25/4, 3 tiểu đoàn địa phương đã tiến công địch ở khu vực Tòa Thánh Tây Ninh và thị xã. Đông đảo tín đồ Cao Đài phối hợp với bộ đội đánh chiếm các mục tiêu. 16 giờ ngày 29/4, nhân bộ đội chủ lực tiến qua, quân và dân Trảng Bàng nổi dậy đánh chiếm quận lỵ, đồn bót, giải phóng toàn huyện, khống chế đường 22 làm tan rã Liên đoàn biệt động quân số 33 ngụy. Sáng 30/4, toàn tỉnh đồng loạt tiến công. Đến 10 giờ, chính quyền địch ở Tây Ninh xin đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho binh sĩ hạ vũ khí. Tây Ninh, tỉnh có nhiều vùng căn cứ cách mạng của miền Nam hoàn toàn giải phóng trưa 30/4.
Hướng Đông Nam, địa bàn mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu phối hợp với các mũi tiến công của Quân đoàn 2, giải phóng TX Bà Rịa và Vũng Tàu từ chiều 29/4 đến sáng 30/4.
Các tỉnh Long An, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, trong khí thế tiến công ào ạt của các binh đoàn chủ lực, lực lượng quần chúng kết hợp tiến công quân sự và binh vận đã tự giải phóng trong ngày 30/4.
Tại Côn Đảo, được tin Sài Gòn giải phóng, Đảng ủy nhà tù lãnh đạo 7.448 tù nhân nổi dậy cướp chính quyền lúc 5 giờ sáng ngày 1/5. Toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền trên đảo đã nộp giao vũ khí. Lúc 18 giờ cùng ngày, Ủy ban cách mạng lâm thời Côn Đảo làm lễ ra mắt, thiết lập trật tự trên đảo, chờ đón bộ đội ra đảo tiếp quản. Trung đoàn Quyết Thắng của đảo được thành lập, đã phối hợp với chủ lực truy quét tàn quân địch, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tống tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
Cùng với cả miền Nam, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã góp phần to lớn, xứng đáng vào thắng lợi rực rỡ của Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân toàn miền đập tan bộ máy quân sự, cảnh sát khồng lồ của ngụy quyền được đế quốc Mỹ nuôi dưỡng và trang bị hiện đại; tiêu diệt và làm tan rã đội quân tay sai trên 1 triệu tên và 1 triệu rưỡi lính phòng vệ dân sự. Tính theo đơn vị, 4 quân đoàn ngụy, gồm 13 sư đoàn bộ binh, 18 liên đoàn biệt động quân, 22 trung đoàn hải quân bị tiêu diệt. 50 vạn khẩu súng các loại (có 500 đại pháo), 950 máy bay, 800 tàu xuồng chiến đấu bị quân ta thu hồi cùng hàng ngàn cơ sở, kho tàng quân sự, kỹ thuật…
Ở CHIẾN TRƯỜNG TÂY NAM BỘ
Miền Tây Nam Bộ (còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long) một bộ phận cấu thành của Nam Bộ là miền đất đặc thù về địa lý sông nước, có tính chất quan trọng về chiến lược đối với cả ta và địch. Miền Tây Nam Bộ nối với Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ bằng quốc lộ 4 huyết mạch và bị chia cắt bởi hai sông lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Với địa thế dễ bị cô lập nhưng cũng có thể có khả năng “tử thủ”, nên khi ta chuẩn bị tiến công vào trung tâm đầu não Sài Gòn, Mỹ - ngụy đã toan tính, nước cùng sẽ rút về cố thủ giữ lấy miền Tây để có cớ “ăn nói” với ta. Trong quá trình ta bao vây tiến công Sài Gòn, địch ở miền Tây hoang mang dao động mạnh, nhưng lực lượng của chúng mặc dù đã bị tiêu hao, vẫn còn giữ được hệ thống tổ chức, đặc biệt là Quân đoàn 4, lực lượng chủ yếu trấn giữ vùng Tây Đô và cả miền Tây Nam Bộ.
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bước sang giai đoạn tổng công kích vào nội thành, đặc biệt là từ đêm 29/4, quân chủ lực Khu 8, Khu 9 phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, bao vây Mỹ Tho, Cần Thơ, cắt đứt đường 4 nhiều đoạn. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, nhân lúc địch hoang mang dao động tột độ và đang tan rã, theo kế hoạch đã chuẩn bị, các lực lượng vũ trang Quân khu 8, Quân khu 9 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng bộ địa phương đã đồng loạt tiến công, kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy giải phóng các thành phố, thị xã, chiếm các căn cứ quân sự lớn, các quận lỵ, chi khu và toàn bộ đồn bót địch; tiêu diệt, bức hàng và làm tan rã lực lượng địch ở Quân khu 4, đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền từ cấp tỉnh đến xã, giải phóng toàn miền Tây Nam Bộ và các đảo trong vùng.
Những giờ phút cuối cùng của địch ở Quân khu 4 (miền Tây Nam Bộ) là vô cùng bi đát.
Lực lượng của ngụy ở đây có 3 sư đoàn chủ lực: 7, 9, 21 và các đơn vị thiết giáp, pháo binh, giang đoàn… đảm trách Vùng 4 chiến thuật. Ngoài ra còn có Sư đoàn 21 trong thời kỳ này có nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 ở Cần Thơ. Sáng 30/4, địch chống cự quyết liệt ở tuyến vòng cung ngoại vi thị xã. Khi được tin tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng, Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 4 kiêm Tư lệnh Quân khu 4 ngụy vẫn ngoan cố ra lệnh: “Ngừng bắn tại chỗ, nhưng nếu bị tấn công thì chống trả”. Ta chiếm đài phát thanh Cần Thơ lúc 13 giờ 30 và phát mệnh lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa thành phố, kêu gọi Quân đoàn 4 địch đầu hàng. Đến 16 giờ, Nguyễn Khoa Nam triệu tập chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh Sư đoàn 21, đến họp bàn công cách đối phó, nhưng do sức ép quá mạnh của lực lượng tiến công và nổi dậy của ta, các trung đoàn 31, 32, 33 cùng phần lớn cơ quan chỉ huy sư đoàn đã tự động vứt bỏ vũ khí, cởi áo lính, chạy trốn; chỉ còn một số sĩ quan cấp cao ở lại chuẩn bị đầu hàng “có tổ chức”. Trước cơn hỗn loạn do thành phố bị chiếm gần hết, binh lính tan rã, quần chúng nổi dậy rầm rộ khắp nơi, Nguyễn Khoa Nam không còn con đường nào khác là đến đài phát thanh ra lệnh cho các đơn vị trên mặt trận ngừng bắn tại chỗ và tuyên bố đầu hàng vào lúc 15 giờ ngày 30/4.
Sư đoàn 7 trong thời gian này chủ yếu làm nhiệm vụ giải tỏa đường 4. Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh sư đoàn, sau khi nghe tin ta giải phóng Sài Gòn, liền triệu tập số chỉ huy dưới quyền đến họp tại căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Thọ), nhưng chẳng làm gì được nữa vì binh lính hoảng loạn bỏ chạy tứ tán và lũ lượt về quê. Chán nản và tuyệt vọng, Trần Văn Hai rút súng tự sát lúc 3 giờ sáng ngày 1/5. Sư đoàn 7 được coi là mạnh nhất của Quân đoàn 4 ngụy tan rã hoàn toàn.
Sư đoàn 9 ngụy do chuẩn tướng Huỳnh văn Lạc làm tư lệnh đang đảm nhiệm giải tỏa đường 4 ở khu vực Long An, khi được tin ngụy quyền ở Sài Gòn đầu hàng, lại thấy khắp nơi quần chúng ầm ầm nổi dậy, nên mất hết tinh thần và tự tan rã hoàn toàn vào rạng sáng ngày 1/5.
Cùng với mặt trận Sài Gòn - Gia Định, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy vô cùng mạnh mẽ:
Quân giải phóng từ miền Tây Nam Bộ tiến về Sài Gòn |
Tại Cần Thơ: cùng với lực lượng vũ trang tiến công vào thành phố, lực lượng chính trị và binh vận hoạt động mạnh, móc nối với cơ sở trong Quân đoàn 4 ngụy đến tận phường khóm. Đêm 29/4, kế hoạch khởi nghĩa được triển khai. Sáng 30/4, khí thế quần chúng sôi sục phối hợp với các cánh quân đánh vào nội đô. Áp lực quá mạnh khiến Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Khoa Nam phải tuyên bố đầu hàng. Thành phố Cần Thơ được giải phóng lúc 15 giờ ngày 30/4.
Tại Trà Vinh: Lực lượng vũ trang đồng loạt nổ súng đêm 29 rạng 30/4. Đến 9 giờ, lực lượng khởi nghĩa xuống đường, 25.000 người bao vây địch, tước vũ khí bọn bảo an, truy bắt ác ôn… 11 giờ ngày 30/4 địch đầu hàng.
Tại Sóc Trăng: quân và dân đánh chiếm các vị trí địch trong và ngoài thị xã từ đêm 29 rạng 30/4, chiếm sân bay, dinh tỉnh trưởng, bức hàng Liên đoàn 953 bảo an… Quần chúng nổi dậy chiếm thị xã lúc 14 giờ ngày 30/4.
Tại Bạc Liêu: Từ 18/4, một bộ phận lực lượng vũ trang và cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa vào thị xã hướng dẫn quần chúng nổi dậy và móc nối binh vận. Sáng 30/4, 10.000 người bao vây dinh tỉnh trưởng buộc đại tá Điệp phải tuyên bố đầu hàng và bàn giao chính quyền. 11 giờ 30, thị xã hoàn toàn giải phóng.
Tại Vĩnh Long: Đêm 29/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát động lực lượng vũ trang tiến công thị xã. Do lực lượng địch tử thủ ở đây khá mạnh nên mặc dù ở Sài Gòn Dương Văn Minh đã đầu hàng nhưng tên tỉnh trưởng vẫn ra lệnh cho các chi khu cố thủ. Ta tiếp tục tiến công và nổi dậy, đến 17 giờ ngày 30/4, tỉnh trưởng Vĩnh Long buộc phải đầu hàng nhưng đòi gặp cán bộ ta để thương lượng. Mặc dù ta đã chiếm hết thị xã nhưng cuộc dàn xếp tiếp nhận địch đầu hàng đến 20 giờ ngày 1/5 mới xong, chủ yếu là ta tránh thương vong vô ích đối với binh lính ngụy.
Tại Rạch Giá: Đêm 29/4, một tiểu đoàn đánh vào phía bắc thị xã, tiến đến tiểu khu, nhưng trưa 30/4 vì không có đơn vị nào tiến công vào phía nam nên địch tập trung phản kích vào lực lượng ta ở phía bắc nhiều đợt. Tuy nhiên khi nghe chính quyền Sài Gòn đầu hàng, địch hoang mang rệu rã. Ta chiếm được tiểu khu. Đến 22 giờ ngày 30/4, ta giải phóng hoàn toàn thị xã.
Tại Long Xuyên: Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đêm 29/4, lực lượng vũ trang tỉnh Long Châu Hà tiến công thị trấn Hà Tiên, chiều 30/4 mới hành quân về TX Long Xuyên. Nhưng lực lượng chính trị - vũ trang - binh vận tại chỗ trưa 30/4 khi nghe tin ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng đã cùng đông đảo giáo viên và học sinh chiếm trường học, đài truyền tin, kho bạc, trận địa pháo địch. Trong khi bộ đội ta chưa đến kịp, bọn phản động ở đây nổi dậy đảo chính, nắm chính quyền, lập ra ủy ban hành chính lâm thời để chỉ huy tử thủ. Lực lượng ta ở đây tuy ít, nhưng đã khéo léo cử người có uy tín đến thuyết phục và tác động làm tan rã bọn phản động. Long Xuyên được giải phóng trong đêm 30/4, nhưng đến 8 giờ sáng 1/5, bộ đội mới vào tiếp quản thị xã.
Tại Châu Đốc: Sau khi được tin Sài Gòn giải phóng, một số binh lính tại TX Châu Đốc bỏ súng, tự rã ngũ. Tên tỉnh trưởng chỉ huy tiểu khu chạy trốn bằng trực thăng. Chiều 30/4, nhiều nơi trong thị xã treo cờ cách mạng. Châu Đốc yên tĩnh cả đêm. Sáng 1/5, 12 chiến sĩ biệt động và đại diện Tỉnh ủy dùng loa phóng thanh kêu gọi quần chúng xuống đường… Đến chiều tổ chức mít tinh tuyên bố thành lập chính quyền TX Châu Đốc. Sáng 1/5, 2 tiểu đoàn bộ đội đến thị xã cùng địa phương làm công tác tiếp quản.
Tại Cà Mau: Hơn 10 tiểu đoàn chia thành 3 mũi đánh vào thị xã. Đêm 29/4, địch trên lộ Cà Mau - Cái Nước bị quét sạch. Bọn địch ở Cà Mau co vào trong thị xã. Đêm 30/4, ta lên máy bay kêu gọi đại tá tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương đầu hàng, nhưng hắn đã bí mật trốn thoát bằng máy bay L19. 5 giờ sáng 1/5, các mũi tiến công vào thị xã kết hợp với đồng bào nổi dậy lần lượt chiếm các mục tiêu, giải phóng thị xã lúc 10 giờ cùng ngày.
Tại Chương Thiện: Chiều 30/4, sau khi Sài Gòn giải phóng, ta lên máy bay kêu gọi chỉ huy trưởng tiểu khu Vị Thanh đầu hàng, nhưng y ngoan cố ra lệnh cho các chi khu, đồn bót tử thủ. Trung lúc đó, bọn địch ở hậu cứ Trung đoàn 31 đã đầu hàng giao nộp vũ khí cho ta. 5 giờ sáng 1/5, ta nổ súng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt sống đại tá Hồ Ngọc Cẩm, tiểu khu trưởng Chương Thiện. TX Vị Thanh được hoàn toàn giải phóng.
Tại đảo Phú Quốc: 1 giờ sáng ngày 30/4, ta tiến công giải phóng đồn Cửa Cạn. Bọn ác ôn ở thị trấn Dương Đông hốt hoảng dùng tàu trốn chạy, một số trốn vào rừng. Ta tiến vào chiếm lĩnh thị trấn. Sáng 30/4 tại căn cứ hải quân Cây Dừa (phía nam đảo), địch tranh nhau xuống tàu hải quân và cướp tàu ngư dân tháo chạy ra nước ngoài. Bọn tội phạm hình sự 200 tên nhân cơ hội ra tay cướp phá dân chúng. Ta điều lực lượng thị trấn xuống chiếm căn cứ ổn định tình hình khu vực, lúc 20 giờ cùng ngày.
Như vậy trong thời điểm quyết định, Quân khu 9 đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền kềm chân các sư đoàn của ngụy, cắt đứt đường 4, khống chế sân bay Trà Nóc và Lộ Tẻ, cùng nhân dân tiến công và nổi dậy tự lực giải phóng địa bàn, góp phần xứng đáng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN