Lực lượng đặc công, biệt động tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm có Lữ đoàn 316, các trung đoàn 10, 113, 115, 116, 117, 429 và các tiểu đoàn 81, 82 (trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền), Trung đoàn 198 đặc công Tây Nguyên, Tiểu đoàn 4 đặc công Trung đoàn Gia Định, Tiểu đoàn 4 đặc công Thủ Đức, Tiểu đoàn 195, 197 biệt động, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác và nhiều đội biệt động đoàn thể, nội tuyến tại Sài Gòn…
Như vậy, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Binh chủng Đặc công ra quân với lực lượng hùng hậu nhất: đánh chiếm 14 cầu và 6 căn cứ lớn của địch án ngự cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định và Vũng Tàu; bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, ngăn chặn sông Lòng Tàu; đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong, kết hợp với quân chủ lực tiến công từ ngoài vào, hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực. Trong đội hình của Binh chủng Đặc công, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định ngoài việc phối hợp với các đơn vị đánh chiếm một số vị trí địch, còn có nhiệm vụ giữ cửa mở và dẫn đường cho các binh đoàn thọc sâu đánh chiếm những mục tiêu trọng yếu trong thành phố và làm nòng cốt cho một số điểm nổi dậy của đồng bào, giữ cơ sở hành chính, quân sự, kinh tế… sau khi ta đánh chiếm.
Bước vào chiến dịch, ngày 8/4, Trung đoàn 116 đánh chiếm trường sĩ quan thiết giáp Nước Trong, dùng hỏa lực bắn phá trại biệt kích Yên Thế, Lôi Hổ và căn cứ Long Bình. Trung đoàn 113 phá hủy kho bom Bình Ý, dùng hỏa tiễn ĐKP và cối 82 bắn phá sân bay Biên Hòa. Trung đoàn 429 tiêu diệt chốt Lường Hà Thượng, Kinh Xáng Nhỏ, uy hiếp Kinh Xáng Lớn và chốt giữ đoạn đường 21 từ ấp Sông Trà đến Vĩnh Hội, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập kết ở khu vực Vườn Thơm Bà Vụ, áp sát phía tây Sài Gòn. Ngày 9/4, đặc công Quân khu 6 kết hợp với bộ binh đánh tiêu diệt chi khu Thiện Giáo, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 2 tiến công địch giải phóng Ninh Thuận, Bình Tuy, mở đường theo ven biển về Sài Gòn, Vũng Tàu. Từ ngày 16 đến 19/4, đặc công Bình Thuận phối hợp với bộ đội chủ lục tiêu diệt yếu khu Phú Long, đánh chiếm căn cứ Căng Êđơpic, tạo bàn đạp cho bộ đội vào giải phóng Phan Thiết, mở đường tiến về Sài Gòn.
Chỉ sau một thời gian ngắn, các đơn vị đặc công phối hợp với các cánh quân tiến công các tuyến phòng thủ của địch ở ngoại vi Sài Gòn, tạo bàn đạp áp sát ở các hướng đông, đông nam, bắc và tây bắc, tây và tây nam.
Chiều 26/4, cuộc Tổng công kích vào Sài Gòn bước vào giai đoạn cuối cùng. Trên hướng tây bắc, Tiểu đoàn 4 đặc công Trung đoàn Gia Định chia làm hai hướng đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, luồn bộc phá vào 2 cửa mở sẵn sàng điểm hỏa phá hàng rào, vật cản, cho bộ binh xung phong đánh chiếm sân bay. Trước đó, Trung đoàn Đặc công 115 đánh chiếm các cầu Bình Phước, Tân An, Rạch Cát, Chợ Mới, cầu Sắt, đánh địch phản kích, chốt giữ cho các binh đoàn chủ lực tiến qua. Một bộ phận của đoàn đánh chiếm Đài Phát thanh Quán Tre và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.
Trung đoàn Đặc công 198 của Tây Nguyên ngày 29/4, đã đánh chiếm cầu Bông (Củ Chi), cầu Xáng (Hóc Môn).
Sáng 30/4, 14 chiến sĩ biệt động nội tuyến do đồng chí Bảy Vĩnh chỉ huy đột nhập Bộ tổng tham mưu ngụy, chiếm trung tâm điện toán, bắt đại tá Chu Văn Hồ và đồng bọn trước lúc Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 và Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 vào đánh chiếm căn cứ này.
Trên hướng đông - hướng tiến công của Quân đoàn 2 - đêm 28 rạng 29/4, biệt động đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên, chốt giữ cầu cho quân đoàn tiến về Sài Gòn. Chớp thời cơ, Z29 biệt động cướp tàu địch, sau đó cùng Z24, Sư đoàn 3 và Thị đội Vũng Tàu đánh chiếm khu ra đa núi Lớn, phát động quần chúng trong vùng truy quét địch, cùng với nhân dân giải phóng TP Vũng Tàu.
Trên xã lộ Sài Gòn - Biên Hòa, Trung đoàn 116 đặc công đánh chiếm cầu Đồng Nai, phân chi khu Bến Gỗ… Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, Tiểu đoàn 4 biệt động Thủ Đức đánh chiếm cầu Tân Cảng, giữ 2 cầu này nguyên vẹn cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 thẳng tiến vào dinh Độc Lập. Riêng trận đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc diễn ra trong 2 ngày đêm rất ác liệt, 52 chiến sĩ, cán bộ đặc công - biệt động anh dũng hy sinh.
Trên hướng đông nam, Trung đoàn 10 Rừng Sác diệt đồn Phước Khánh, bắn ĐKP vào cảng Nhà Bè, ngày 30/4 chiếm cảng và cùng với lực lượng tại chỗ thu 120 tàu các loại.
Trên hướng bắc và đông bắc, đêm 27 rạng 28/4, Trung đoàn Đặc công 113 đánh chiếm cầu Ghềnh, cầu Hóa An, căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, bảo đảm cho Quân đoàn 4 đánh chiếm Biên Hòa, phát triển vào Sài Gòn. Trận đánh chiếm và giữ cầu Ghềnh cũng diễn ra hết sức quyết liệt; 50 chiến sĩ, cán bộ đã anh dũng hy sinh.
Trên hướng tây và tây nam, Trung đoàn Đặc công 429 đánh chiếm khu trung tâm ra đa Phú Lâm; vây ép, buộc Liên đoàn biệt động quân số 7 phải đầu hàng. Một bộ phận của trung đoàn với Tiểu đoàn 198 biệt động đánh chiếm bót Ký Thủ Ôn, cầu Nhị Thiên Đường, giằng co với địch đến 14 giờ ngày 30/4 mới làm chủ được 2 mục tiêu này. Sau đó phát triển chiếm hãng Pin Con Ó, kho gạo Trung Hưng, kho xăng Chợ Lớn và hãng sản xuất gạo sấy. Ngày 29/4, Tiểu đoàn 80 đặc công và một bộ phận của Z22 biệt động đánh tan 1 đại đội biệt động quân ngụy và nhiều cảnh sát, dân vệ… bảo vệ Sở Chỉ huy cánh Tây Nam của ta.
Trong thành phố, lúc địch đang hoang mang, tan rã, sáng 30/4, các đơn vị đặc công, biệt động đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng như Hạ Nghị Viện, hành chánh quận 1, quận 2, quận 9… chi khu cảnh sát Nguyễn Văn Cự, trại biệt kích Diên Hồng, nha cảnh sát Phú Trung, Phú Thọ Hòa… Lực lượng biệt động tham gia, phát động quần chúng nổi dậy ở nhiều điểm, cướp chính quyền địch, truy quét tàn binh, ổn định trật tự khu phố…
Với nghệ thuật đặc công: bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, lực lượng đặc công - biệt động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã phát huy cao độ sở trường của mình đi trước một bước, đánh địch từ bên trong, giải quyết một vị trí then chốt, đặc biệt là chiếm giữ các cầu quan trọng dẫn vào thành phố, tạo điều kiện cho xe tăng và các binh chủng kỹ thuật nặng nhanh chóng tiến vào Sài Gòn; kết hợp với các quân binh chủng và quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đè bẹp quân thù trong giờ phút lịch sử, kết thúc trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
BỘ ĐỘI ĐẶC CÔNG - BIỆT ĐỘNG ÁC CHIẾN Ở CẦU RẠCH CHIẾC
Trong 5 hướng tiến công vào Sài Gòn thì hướng đông là xung yếu nhất đối với địch.
Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, quân ta đã tiến rất gần Sài Gòn. Trên trục đường 1 là hướng tiến quân của Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 từ Biên Hòa tới Sài Gòn có 3 cầu quan trọng, cần phải bảo vệ cho xe tăng ta hành tiến là cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn.
Trước đây, khi khởi đầu chiến dịch mùa xuân 1975, theo chỉ thị của cấp trên, các lực lượng vũ trang địa phương có nhiệm vụ dàn mỏng lực lượng địch, đồng thời tăng cường phá hoại giao thông cầu cống, cản trở, chia cắt, cầm chân chúng; thì giờ đây, việc tối quan trọng là phải bảo vệ được các cầu trên các tuyến đường chính dẫn vào Sài Gòn như cầu Hóa An, Bình Triệu, Đồng Nai, Tân Cảng (phía bắc và đông), cầu Bông (phía tây bắc), cầu Bến Lức, An Lạc (phía tây nam)… Nếu các cầu này bị địch chiếm giữ hoặc đánh hỏng sẽ gây nhiều bất lợi cho ta và làm chậm tốc độ tiến công.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Lữ đoàn Đặc công 316 và 1 đại đội của Trung đoàn 116 điều quân đến đánh bọn địch cố thủ hai đầu cầu Rạch Chiếc. Bộ đội địa phương Thủ Đức có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu Sài Gòn (còn gọi là cầu Tân Cảng). Địch cố thủ trên cầu Rạch Chiếc khoảng 2 trung đội, nay được tăng cường lực lượng gấp 3 so với trước. Các căn cứ địch chung quanh sẵn sàng chi viện ứng cứu khi chốt Rạch Chiếc bị tấn công. Vị trí cầu cách trung tâm Sài Gòn khoảng trên 10km.
Các đơn vị đặc công nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu với khí thế và quyết tâm cao. Trong thời gian chờ đợi lệnh nổ súng tiến công, cán bộ chiến sĩ phải trú ém giữa đồng trống, dưới bưng, chịu cái nắng như thiêu như đốt và nhịn khát vì thiếu nước ngọt. Nếu không được đồng bào tiếp tế lương thực, nước uống thì việc trụ bám, giữ bí mật đội hình và chiến đấu sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.
Đêm 27 rạng 28/4, khoảng 3 giờ sáng, khi Tiểu đoàn 4 Thủ Đức đánh chiếm cầu Sài Gòn thì Lữ đoàn 316 nổ súng mãnh liệt tấn công chốt địch trên cầu Rạch Chiếc. Địch phản ứng quyết liệt bằng tất cả các cỡ súng…, pháo ở một số bót xung quanh cũng cấp tập bắn vào trận địa ứng cứu đồng bọn. Nhưng với lối đánh sở trường thọc sâu, chia cắt, các chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt, bắt tù binh và đánh tan rã bọn lính chốt cầu, làm chủ trận địa sau 1 giờ chiến đấu.
Mờ sáng 28/4, được máy bay, tàu chiến và xe tăng yểm trợ, quân ngụy tổ chức tái chiếm cầu Rạch Chiếc từ 3 hướng. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Ở phía bắc cầu, Z22 và Z23 đặc công biệt động đánh bật nhiều đợt phản kích của xe tăng và bộ binh địch. Nhưng nhờ vào sự tăng viện của Liên trường Thủ Đức, lại có xe tăng dẫn đầu, địch phản kích rất mạnh hòng chiếm lại trận địa. Do súng đạn bị tiêu hao, các chiến sĩ ta phải dùng cả súng thu được của địch để chiến đấu. Nhiều chiến sĩ bị thương vong do súng hết đạn. Trước áp lực nặng nề của địch, một mũi tiến công của ta tạm phải rút lui. Khi vượt qua bãi trống và băng sông dưới hỏa lực của địch, hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Dưới chân cầu Rạch Chiếc, một bộ phận của Tiểu đoàn 81 làm nhiệm vụ giữ cầu phải đương đầu với nhiều đợt xung phong của xe tăng, bộ binh có tàu chiến dưới sông yểm trợ. Nhiều toán địch cố vượt qua điểm chốt chặn của Z22, Z23 lao lên mặt cầu. Dưới sông, ca nô địch bắn khống chế cho bộ binh xông lên chiếm lô cốt đầu cầu phía đông. Trận chiến tại đây giằng co ác liệt. Nhiều chiến sĩ ta leo lên lô cốt dùng lựu đạn, thủ pháo đánh trả địch và chiến đấu “xáp lá cà” với chúng. Xe tăng địch bắn mạnh chế áp các hỏa điểm của ta cho bộ binh chúng tiến lên cầu, nhưng đều bị đánh bật trở lại.
Đến trưa 28/4, do thương vong nặng, đơn vị giữ cầu buộc phải rút lui dưới tầm hỏa lực của địch, song vẫn cố gắng đưa thương binh và súng đạn ra khỏi khu vực trận địa. Bộ phận chốt chặn ở ngã ba Cát Lái cũng phải rút về rạch Ruột Ngựa để củng cố. Mặc dù đã có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng chục đồng chí bị thương, vũ khí hao hụt, nhưng tinh thần anh em vẫn giữ vững.
Sau khi rút kinh nghiệm và thực hiện quyết tâm của trên, đêm 28/4, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ còn lại tổ chức tiến công chiếm lại cầu Rạch Chiếc. trong đêm tối, các chiến sĩ đặc công dùng hỏa lực B40, B41, thủ pháo… đánh bật xe tăng và bộ binh ngụy khỏi mặt cầu. Địch hoảng loạn bỏ chạy. Đơn vị nhanh chóng làm chủ toàn bộ trận địa, chốt giữ và bám trụ tiếp tục đánh tan nhiều đợt phản kích của địch.
Lúc này tàn quân địch ở Xuân Lộc, Biên Hòa, Bà Rịa tháo chạy về Sài Gòn đều bị chặn lại ở phía bắc cầu Rạch Chiếc.
Sáng 30/4, địch cố gắng phản kích lần cuối hòng tìm lối thoát một cách tuyệt vọng trước sức chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ đặc công cảm tử. Chúng vứt bỏ súng đạn, quân trang, tháo chạy tán loạn vào hai bên đường số 1. Trong lúc đó, ở phía nam cầu, Tiểu đoàn 81 đánh bật nhiều đợt phản kích của địch từ cầu Đen lên và từ giang đoàn 306 kéo tới, giữ vững trận địa đến cùng.
Sau gần 3 ngày đêm chiến đấu cực kỳ dũng cảm, các đơn vị đặc công - biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn cầu Rạch Chiếc và cầu Tân Cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho cánh quân phía đông tiến thẳng vào Sài Gòn. 52 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đây là tập thể hy sinh lớn nhất trước cửa ngõ Sài Gòn trước giờ toàn thắng của dân tộc.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN