Mỹ dùng đô la và súng đạn dựng lên chế độ ngụy quyền miền Nam Việt Nam suốt 20 năm qua, đến lúc này “mẫu quốc” Hoa Kỳ đã thực sự bỏ rơi đứa con hoang “Việt Nam Cộng hòa”. Khi ta tiến công giải phóng Tây Nguyên, Mỹ bày cho Thiệu con bài “di tản chiến thuật” để tránh tiếng là tháo chạy, nay đến lượt chính Mỹ phải “bỏ của chạy lấy người” bằng chiến dịch “di tản” quy mô, cuống cuồng đưa người Mỹ và những người “cùng hội cùng thuyền” rời khỏi Sài Gòn.
KẾ HOẠCH DI TẢN CỦA MỸ
Để thực hiện kế hoạch tháo chạy có tổ chức, ngày 18/4, chính quyền Ford -Kissinger ra lệnh di tản gấp người Mỹ ở Sài Gòn và cử Đin Brao phụ trách lực lượng đặc nhiệm. Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ gồm 35 tàu chiến (có 4 tàu sân bay) và hàng trăm máy bay các loại hoạt động nhộn nhịp trong một cuộc hành quân rút chạy hốt hoảng bắt đầu từ ngày 21/4. Trong cơn lốc kinh hoàng của cuộc di tản mà ngày cuối cùng mang tên là “cuộc hành quân người liều mạng”, máy bay lên thẳng Mỹ quần đảo rối rít trên bầu trời Sài Gòn, đáp xuống sân thượng Sứ quán Mỹ và một số sân thượng khác trong thành phố để bốc những người Mỹ đang chen chúc chờ lên trực thăng.
Mô tả về cuộc di tản của Mỹ, Frank Snepp, nhân viên CIA từng ở Việt Nam lâu năm, tác giả tập sách “Cuộc tháo chạy tán loạn” viết: “Đến 8 giờ 15 phút, giai đoạn đầu cuộc di tản cuối cùng bắt đầu. Ở nơi phân loại người di tản, Don Hays, một tay bế một đứa trẻ Việt Nam đang khóc, tay kia xách hai va ly, anh nhìn đám đông, cố tìm chủ nhân. Qua làn khói và sương mù phủ lên sân bay, anh thấy một máy bay nhỏ bị bắn cháy đang rơi như sao sa. Một lát sau, một đại tá không quân đi đến chỗ anh và nói: “Chúng tôi nhận được lệnh tất cả người Mỹ phải rời ngay nơi này và tập hợp ở sân bay hộ tống chỉ huy”.
Hays đánh rơi va ly, trả lời: “Sao lại thế? Ở đây còn ba nghìn người Việt Nam, không thể bỏ rơi họ đơn giản như vậy!”. Viên đại tá nhìn sát vào mặt Hays làu bàu: “Tôi không nhận lệnh của binh lính! Đi! Chấp hành ngay!”.
“Ở sứ quán, nhiều người không chờ đi nữa. Shep Lowman rời mái nhà lúc 19 giờ cùng với mấy đồng nghiệp. Joe Kingsley, bạn cũ của tôi và nhiều người khác cùng đi lúc ấy. Cả buổi chiều, anh giúp lính thủy đánh bộ đưa người tị nạn lên máy bay, lúc đi anh mệt lử. Một nhà báo Mỹ đi sau cùng.
Mỗi máy bay trực thăng quân sự chỉ chở sáu, bảy người nay chở từ 60 đến 80 người, vượt quá trọng tải rất nhiều…”.
“Lúc chiều, khi chiếc trực thăng đầu tiên đỗ xuống sân sứ quán thì Martin ra lệnh: “Việc di tản phải được tuần tự, ai đến trước đi trước; người Mỹ không được hưởng quyền ưu tiên!” Nhưng tình hình đã làm đảo lộn lệnh của ông. Ai cũng muốn cho người thân quen của mình đi trước. Người ta cho bạn bè thiết cốt lên hàng đầu. Mỗi khi có cánh hậu, Polgar lại mở cổng sứ quán cho vào. Martin không hề biết những hiện tượng ấy. Một viên chức sứ quán Mỹ phải thốt lên: Chẳng còn kỷ cương gì cả, mạnh ai người ấy cho đi!”.
Trong chiến dịch di tản vô cùng khốn đốn này, giới cầm quyền Mỹ còn gây cho nhân dân ta nhiều thảm cảnh đầy máu và nước mắt. Chúng bắt cóc hàng ngàn trẻ em đưa về Mỹ và ra nước ngoài với mục đích trước mắt nhằm gây xúc động dư luận, xin thêm viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn và về lâu dài dùng số trẻ em vào “kế hoạch hậu chiến” chống lại Tổ quốc sau này. Hàng trăm em đã chết khi một chiếc máy bay vừa rời Tân Sơn Nhất, đâm nhào xuống đất.
Trong khi “cao chạy xa bay”, chúng còn dùng chiến tranh tâm lý lừa bịp, xuyên tạc, khủng bố để lùa hàng chục ngàn dân theo chúng, gọi là “tị nạn cộng sản”, thực chất để tuyên truyền kích động một bộ phận đồng bào chống lại cách mạng, rút chất xám và nhân viên kỹ thuật cho chúng sử dụng vào những âm mưu đen tối sau này.
SÂN KHẤU CHÍNH TRỊ SÀI GÒN
Đúng thế! Khi quan thầy Mỹ hối hả cuốn gói ra đi, bỏ mặc cho tớ ngụy chới với trong cơn đại hồng thủy “ngàn năm có một” thì đám quan chức chóp bu ngụy quyền Sài Gòn chỉ còn là những con hề rối diễn trò để cáo chung.
Gắng gượng lên dây cót tinh thần cho quân ngụy, báo Tiền tuyến của Quân lực Việt Nam cộng hòa chạy hàng tít lớn suốt cột 8 “Việt Nam Cộng hòa không bao giờ đầu hàng Cộng sản”. Nhưng tướng Wayend ngày 21/4 đã than thở: “Tình hình quân sự là tuyệt vọng”. Và trong một bài diễn văn ở trường đại học New Zealand ngày 23/4, tổng thống Ford phải ngậm ngùi nói: “chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ”.
Trong tình cảnh “tuyệt vọng”, nội bộ quan thầy bi đát; nội bộ tay sai ở Sài Gòn cũng lâm vào khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ thường thực hiện chính sách dùng nhiều “ngựa” đối với “đồng minh” bản xứ. Lúc bình thường, chính sách này có tác dụng kiềm chế lẫn nhau giữa bọn tay sai, vừa tạo ra bộ mặt dân chủ giả hiệu lừa mị dân, vừa che đậy sự thống trị của Mỹ. Nhưng khi gặp cơn nguy khốn, chính sách này lại sinh phản tác dụng. Các tập đoàn tay sai không hoạt động theo chiều hướng cấu kết để kêu gào “chống cộng”, ngăn chặn thất bại, mà biến thất bại thành một thứ vũ khí chống lại nhau, thanh toán lẫn nhau, tranh nhau làm “ngựa nòi” cho Mỹ, khiến bộ máy ngụy quyền càng suy yếu thêm.
Trước sự bất lực của Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm vốn từ lâu mâu thuẫn với Thiệu, đã vận động Hội đồng tướng lĩnh gây sức ép buộc Thiệu phải từ chức. Nguyễn Cao Kỳ bị Thiệu gạt ra từ lâu, cũng nhảy ra với tướng Cao Văn Viên định làm đảo chính lật Thiệu. Mâu thuẫn trong giới cầm đầu tác động đến tinh thần tướng tá, binh lính ngụy đang trong cơn suy sụp, tan rã. Chúng bắn giết lẫn nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn 3 bắn chết thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Phó tư lệnh của mình và “không chấp nhận một mệnh lệnh nào khác ngoài mệnh lệnh di tản”.
Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, để mất Xuân Lộc, dĩ nhiên Thiệu phải ra đi, kết thúc cuộc đời chính trị xấu xa của một tên Việt gian hết sức tồi tệ, làm tay sai cho Mỹ. Lẽ ra y nên chuồn êm như một kẻ đắc tội còn chút liêm sỉ, đằng này lại vớt vát danh dự lên đài truyền hình và phát thanh tuyên bố từ chức tổng thống “ Việt Nam Cộng hòa”. Trong bài diễn văn” dài ngót hai tiếng đồng hồ bằng một giọng vừa lâm ly, tức tưởi vừa trách móc, hằn học, ông ta oán thầy, chửi tớ, kể công, đổ lỗi và hết sức hối tiếc là không có đủ viện trợ và sự can thiệp của chủ Mỹ để kéo dài chiến tranh. Ông ta còn uất lên thách Mỹ “có giỏi thì vô lần nữa mà đánh Việt cộng”.
Thiệu đổ là sự tan vỡ một ảo tưởng của Mỹ mưu toan dùng tập đoàn Thiệu làm công cụ tiếp tục thực hiện chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thiệu đổ không phải vì năm 1975 là năm con mèo, ông ta cầm tinh con Chuột, cũng không phải do sét đánh đổ tảng đá nhọn như dao ở núi Đá Chồng Phan Rang, gần ngôi chùa lộng lẫy trên lưng chừng núi mà ông ta đã dùng một tiểu đoàn công binh để xây dựng và một đại đội bảo an thường xuyên canh gác cho mẹ ông ta ở đó “tu nhân tích đức”. Thiệu đổ vì chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ hoàn toàn đi ngược lại ý chí giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.
Sau khi Thiệu rút lui khỏi “chính trường”, Mỹ đưa Trần Văn Hương, một tay sai đắc lực khác của Mỹ, lên thay. Chỗ khác nhau giữa Thiệu so với Hương chỉ là giữa một tên Việt gian quân phiệt tàn bạo với một tên Việt gian dân sự nham hiểm. Cả hai đều ngoan cố, tiếp tục chiến tranh, chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Chính quyền Hương là một “phiên bản” của chính quyền Thiệu không hơn không kém. Được “sang nhượng” chính quyền bằng miệng, Trần Văn Hương muốn chứng tỏ ta đây cũng là một “chí sĩ ái quốc” liền lớn giọng thề bồi “nguyện đem nắm xương tàn sát cánh cùng chiến sĩ để bảo vệ Việt Nam cộng hòa”. Mọi người đều thấy lời hứa của “tân tổng thống” thật là hài hước. Bởi vì các ngài tai to mặt lớn hình như đang “chuẩn bị khăn gói” cả.
Ai cũng biết Thiệu bị Mỹ phế bỏ nhưng phe Thiệu vẫn nắm quyền ở Sài Gòn; Thiệu vẫn ngồi ở Sài Gòn sau Hương để chỉ huy đàn em. Cả đám động viên trấn an nhau: chuyện mười mấy sư đoàn Việt cộng bao vây Sài Gòn là do phe đối lập tung ra để hù dọa, mà nếu có thật, không quân “quốc gia” cũng đủ sức làm cỏ; lại còn có cả bom hơi ngạt CBU đủ sức hủy diệt một lúc cả sư đoàn. Một tay chân của Thiệu huênh hoang trong cuộc họp quốc hội bù nhìn: “nhất quyết không giao quyền cho một chính phủ đầu hàng”. Thế nhưng, đến ngày 26/4, khi Thiệu và gia đình đem 16 tấn vàng, đô la, của cải vội vã chạy sang Đài Loan thì họ mới tá hỏa, liền khăn gói chạy theo. Những ngày này, các chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn đông nghẹt người đòi rút tiền ra và trong 48 giờ đã rút tới 40 tỉ đồng (khoảng 60 triệu đô la). Phần lớn các hãng hàng không quốc tế hủy bỏ các chuyến bay đến Sài Gòn. Tổng đài điện thoại bị ứ nghẽn. Một số máy bay ngụy cất cánh trốn sang Thái Lan, nhiều phi công đào nhiệm khỏi sân bay…
Tình hình đã đến lúc hỗn loạn bát nháo. Đại sứ Mỹ Martin và những nhân vật ngoại giao phương Tây hoạt động tấp nập phía sau hậu trường sân khấu chính trị Sài Gòn. Nhiều sức ép, kể cả của Mỹ đòi Trần Văn Hương từ chức để thay bằng một nhân vật “dễ tiếp xúc với Mặt trận giải phóng”. Hương chỉ muốn trao quyền lực cho người của phe Thiệu và cố bám lấy cái ghế “tổng thống” cho thuộc hạ đủ thời gian thu vén của cải để đào tẩu.
Sau những cuộc cãi lộn, đấu đá nhau ở “quốc hội”, ngày 24/5, Trần Văn Hương đồng ý trao cho quốc hội trọn quyền chọn “tổng thống” thay ông ta. Trong hai ngày 26 và 27/4, do đại sứ Pháp và đại sứ Mỹ dàn xếp, mặc cả với nhau, Mỹ quyết định đưa Dương Văn Minh lên ghế “tổng thống”. Con bài chính trị cuối cùng được tung ra quá chậm trễ! Hoạt động phức tạp rộ lên các phía, chủ tớ Mỹ - ngụy dùng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt, hòng chặn bước tiến của quân ta và mong cứu chúng khỏi thất bại hoàn toàn.
Tình báo CIA Mỹ ở Sài Gòn bắn tin “Hương làm tổng thống chỉ là tạm thời, sẵn sàng đi đến thỏa thuận, Mỹ chờ sự đáp lại…”. Tướng Vanyxem, thầy cũ của Thiệu và nhiều đầu sỏ tướng, tá ngụy, vội vã từ Pháp tới Sài Gòn tính làm “thầy dùi” cho chính quyền ngụy trong giờ phút cấp bách. Họ tưởng thời cơ “đục nước béo cò” đã đến. Nhưng vô ích. Tất cả đã quá muộn! Vanyxem chẳng làm được trò trống gì khi mà đại quân của ta đã áp sát, chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN