Công tác hậu cần là khâu đầu tiên và cũng là khâu cuối cùng của tất cả các cuộc chiến đấu, các chiến dịch, thường gọi là “đi trước về sau” và đòi hỏi cấp bách nhất. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lớn nhất và quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ta không những dốc sức lực lượng hậu cần B2 mà còn được sự chi viện rất lớn của hậu phương miền Bắc đã được chuẩn bị từ trước và sự đóng góp của các quân khu ở miền Nam.
LỰC LƯỢNG HẬU CẦN
Hội đồng chi viện chiến trường đã làm việc khẩn trương, động viên cán bộ và nhân dân các tỉnh miền Bắc lao động suốt ngày đêm nhằm đáp ứng đầy đủ nhất, nhanh chóng nhất, ưu tiên nhất các yêu cầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc và Việt Bắc đề nghị với Trung ương xin dừng kế hoạch vận chuyển gạo muối cho địa phương mình để dành cả đoàn xe với các thứ hàng quý đó quay vào Nam Bộ cho kịp kế hoạch tổng công kích. Nhiều công trường, nhà máy, cơ quan rút bớt từ 30 đến 35% số người trong biên chế để tham gia lực lượng bảo đảm các mặt cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Hội đồng chi viện tiền phương Quân khu 5 do đồng chí Võ Chí Công làm chủ tịch, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến Sài Gòn”, “Tất cả để phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh”, đã tập trung phần lớn lực lượng và phương tiện vật chất của quân khu và các tỉnh phục vụ các binh đoàn cơ động vào mặt trận gần 2.000 lượt xe vận chuyển bộ đội và 4.000 tấn hàng cho mặt trận Sài Gòn.
Hậu cần B2 đóng vai trò trực tiếp và quan trọng cho lực lượng tại chỗ của các quân khu, tỉnh, thành… đã nỗ lực rất cao để bảo đảm một khối lượng vật chất rất lớn với nhiều chủng loại phức tạp để tác chiến hợp đồng với các quân, binh chủng trong đội hình chiến dịch.
Nhiệm vụ bảo đảm hậu cần phải triển khai cấp bách và đồng bộ đến từng cánh, từng đơn vị độc lập, khắc phục nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, chỉ huy, thực hành vận chuyển… Yêu cầu toàn mặt trận lúc này cần khoảng 6 vạn tấn vật chất; riêng Đoàn 814 ở hướng đông là 9.364 tấn. Trước ngày bắt đầu Chiến dịch tổng công kích Sài Gòn, hậu cần Quân khu 7 phải đưa an toàn, nhanh chóng xuống các hướng, các tuyến chiến đấu đủ số lượng, đúng địa điểm và thời gian quy định. Với truyền thống hậu cần nhân dân, các đoàn hậu cần đã dựa vào khả năng tại chỗ của chiến trường B2, kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần địa phương vừa tiếp nhận nguồn cung ứng của cấp trên vừa tự lực thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men bên nước bạn Campuchia và trong vùng địch kiểm soát.
Với nhiệm vụ cụ thể, bộ đội đi đến đâu, hậu cần đi tới đó. Ở hướng đông chiến dịch, Đoàn 814 đã vận chuyển cho các đơn vị 150 tấn đạn, 50 tấn gạo, 7 tấn lương khô, 20 tấn xăng dầu. Ở hướng tây nam, các đoàn hậu cần đã huy động trong nhân dân hàng trăm ghe, xuồng đưa bộ đội qua sông và các kênh lớn. Đồng bào đã cùng bộ đội công binh ghép ghe lớn, kê kích cho ô tô qua sông thay phà… Nhờ bố trí hợp lý, các đoàn hậu cần đã tận dụng được các tuyến đường vận tải trên từng khu vực, vận dụng cả đường bộ, đường thủy với một lực lượng vận tải của địa phương tham gia.
Như vậy, bước vào giai đoạn cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi quân ta đã đứng trước cửa ngõ Sài Gòn bao vậy địch, hậu cần B2 đã đưa được súng đạn, trang bị, lương thực thực phẩm xuống tận vùng ven vùng sâu các hướng, phục vụ kịp thời cho bộ đội chiến đấu.
Công tác hậu cần đã chủ động đi trước một bước, hợp cùng các cánh quân và địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
CÔNG TÁC TÌNH BÁO
Ngành Tình báo là một đơn vị đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó có lực lượng quân báo rất quan trọng phục vụ đắc lực cho lãnh đạo, chỉ huy mọi lúc mọi nơi.
Trong ngành Tình báo có tình báo chiến lược (đường dài), có khi chấm dứt chiến tranh rồi nhưng vẫn còn nguyên giá trị và vẫn tiếp tục bí mật để thực hiện nhiệm vụ. Tình báo chiến dịch có nhiệm vụ cụ thể và phạm vi riêng.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta sử dụng cả tình báo chiến lược và chiến dịch. Ở đây chỉ nêu đơn vị tiêu biểu hoạt động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là cụm tình báo chiến lược mang mật danh B58. Khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đánh vào Buôn Ma Thuột, B58 đã nắm được tin: ngày 14/3/1975, những nhân vật chóp bu ngụy (Thiệu, Khiêm, Viên, Quang) từ Sài Gòn bay ra Nha Trang làm việc với Tư lệnh Quân đoàn 2. Thời điểm này, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay ta và ở miền Đông Nam Bộ, ta đã giải phóng được một số quận lỵ, Sài Gòn bắt đầu bị uy hiếp. Theo cơ quan tình báo Mỹ, địch có 12 sư đoàn trên 3 vùng chiến thuật và chúng phát hiện ta hiện có 12 sư đoàn trên chiến trường miền Nam. Như vậy tỉ số hai bên là 12/12 sư đoàn. Thế trận dàn ra và quân số đã ngang nhau. Qua phân tích các dữ kiện, B58 đã “giải mã” được chuyến đi bất thường của chóp bu ngụy ra Nha Trang.
Đây là tình huống vô cùng quan trọng, vì “Đại bản doanh” (mật danh của Bộ Tổng tư lệnh - Bộ Chính trị) đã chọn Tây Nguyên để mở đầu cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1975. Ý đồ của địch bỏ Tây Nguyên, rút quân về phòng thủ từ vùng duyên hải trở vào, đã tạo ra một thời cơ cho ta đẩy cuộc tiến công giải phóng nhanh địa bàn chiến lược Tây Nguyên và Quân khu 1, làm sụp đổ dây chuyền quân ngụy.
Ngày 1/4, đoàn cán bộ Cục 2 của Bộ tổng Tham mưu gồm cả phương tiện kỹ thuật hành quân cấp tốc bằng ô tô vào tới Lộc Ninh (thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam từ 1972). Tại đây, Bộ Chỉ huy Miền quyết định hợp nhất lực lượng tình hình báo của Bộ Tổng và Miền thành một đầu mối thống nhất để phục vụ chiến dịch. Đồng thời thành lập Hội đồng địch tình do đồng chí Tư Văn và Tám Mỹ chỉ huy. Nhiệm vụ mới của tình báo bắt đầu từ thời điểm này là “tình báo chiến lược” chuyển qua “tình báo hành động” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khác với trước, “tình báo hành động” có nhiệm vụ chỉ huy các nội tuyến phản chiến, làm binh biến, điều và bứng trốc địch. Nhiệm vụ phức tạp, tình huống diễn biến mau lẹ, đòi hỏi lòng quả cảm và tài trí trong hành động. Các cán bộ tình báo trung kiên giàu kinh nghiệm được tung vào trận địa mới giữa hang ổ kẻ thù, nhắm vào các mục tiêu: cơ quan Tình báo ngụy, Tổng nha cảnh sát, Bộ tổng tham mưu, Phủ tổng thống, Biệt khu thủ đô, Lữ đoàn phòng vệ dinh Độc Lập, các trung đoàn, sư đoàn của ngụy, các đơn vị phòng thủ Sài Gòn.
Khi quân ta tiến công Sài Gòn, các cụm tình báo có nhiệm vụ chỉ huy các cơ sở “đặc tình” cùng nhân dân nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu công sở trọng yếu, thu giữ hồ sơ bí mật, phương tiện kỹ thuật… Nhưng cơ sở nằm trong lực lượng chiến đấu hoặc trong vị trí trọng yếu của địch thì chỉ huy làm binh biến, phản chiến, ly khai hoặc án binh bất động, phá hoại phương tiện kỹ thuật chỉ huy, tác động tâm lý chủ bại, làm địch rã ngũ, mất sức chiến đấu…
Lực lượng hành động bao gồm hàng chục cụm tình báo đang hoạt động trên các địa bàn với nhiều cơ sở đã cài sâu trong lòng địch từ những năm trước, nay có thêm lực lượng tình báo của Bộ, của Miền đã nhanh chóng tổ chức thêm hàng chục cụm tình báo hành động. Những cơ sở “đi sâu” được giữ kín cho nhiệm vụ chiến lược lâu dài do Hội đồng địch tình nắm và chỉ huy, được ngăn cách tuyệt đối.
B58 tình báo hành động xâm nhập Sài Gòn ở hướng tây bắc từ ngày 10/4, một bộ phận đã nắm được nội tuyến của E46/F25 ngụy đóng ở Đồng Dù, Củ Chi, đến ngày 28/4 làm rã ngũ một số lớn binh sĩ của chiến đoàn này. Trong khi đó, ở Quân đoàn 3 ngụy, A7 đã phá hoại được hệ thống truyền tin, gây nhiễu, khiến địch chuyển nhận điện chậm… đồng thời tác động tâm lý làm rã bộ phận truyền tin của địch trước khi quân ta tiến vào Biên Hòa. Từ ngày 25/4 trở đi, làm gián đoạn liên lạc giữa quân doàn và Bộ tổng tham mưu ngụy, khiến chúng không còn chỉ huy được các đơn vị. Sáng 28/4, bộ phận truyền tin của Quân đoàn 3 ngụy phá hỏng máy móc, cắt đứt liên lạc giữa Biên Hòa và Bộ tổng tham mưu. Đơn vị thông tin tan rã, bỏ về nhà. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 bỏ chạy trước, kéo theo các sư đoàn, trung đoàn tan rã từ trưa 28/4. Tại Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ còn lại thiếu tá Ân quản trị hành chánh và một ít hạ sĩ quan… Hừng sáng 30/4, cụm tình báo liên lạc được với cơ sở trong tiểu đoàn biệt động ở ngã ba Bà Quẹo và hướng đơn vị này đánh chiếm trại cảnh sát dã chiến ở góc đường Trần Quốc Toản - Nguyễn Văn Thoại (nay là 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt…) thu toàn bộ hệ thống siêu tần của Cục Quân báo ngụy còn nguyên vẹn…
Chiến công của tình báo trong đội hình Chiến dịch Hồ Chí Minh như những nhát kiếm đâm vào tim gan kẻ thù trong giờ phút lịch sử, đã góp phần làm nên kỳ tích tháng 4/1975.
HỒ SĨ THÀNH - HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ PHÚ YÊN