Thứ Ba, 19/11/2024 01:32 SA
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng
Thứ Năm, 02/04/2015 09:00 SA

LTS: Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Kỷ niệm 40 năm Ngày toàn thắng, Báo Phú Yên phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên và nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Thành giới thiệu những nội dung chủ yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

THỜI CƠ DẪN ĐẾN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, nhưng không có hiệu lực hoàn toàn, do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu có âm mưu phá hoại từ trước.

 

Bộ đội ta đánh chiếm Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia tỉnh Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long ngày 6/1/1975 - Ảnh tư liệu

 

Thực tế “Đã tắt hôm nay lửa chiến trường” chỉ xảy ra ở đâu đó, khắp nơi ở miền Nam “cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”.

 

Tuy buộc phải ký hiệp định, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ chính sách cơ bản ở Việt Nam là thực hiện “Học thuyết Nixon”, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Để thực hiện ý đồ nham hiểm này, Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy quyền miền Nam. Trước khi rút quân, Mỹ đã đưa vào miền Nam 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng - thiết giáp và nhiều tàu chiến… tăng dự trữ vật tư chiến tranh của quân ngụy lên mức tương đối cao, gần 2 triệu tấn.

 

Hiệp định Paris ký chưa ráo mực, Nguyễn Văn Thiệu đã hò hét “tràn ngập lãnh thổ”, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang và cách mạng miền Nam. Địch khẩn trương củng cố và tăng cường xây dựng lực lượng quân ngụy, đôn quân, bắt lính, đưa tổng quân số lên 710.000 tên…

 

Trên cơ sở ấy, ngụy ra sức thực hiện kế hoạch bình định lấn chiếm, âm mưu xóa bỏ trạng thái 2 vùng, 2 quân đội, 2 chính quyền, biến miền Nam thành một vùng do chính quyền Sài Gòn hoàn toàn kiểm soát.

 

Trước tình hình nghiêm trọng do địch gây ra, Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng họp tháng 10/1973, đề ra phương hướng kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận với ngoại giao và chỉ rõ: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bắt kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên…”.

 

Thực hiện Nghị quyết 21 và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ta xúc tiến thành lập các binh đoàn trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh; biên chế, thay đổi trang bị cho quân đội hiện đại hơn; khẩn trương mở đường Đông Trường Sơn và thiết lập 5.000km đường ống dẫn dầu, kéo dài từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục ngàn xe tăng và các loại xe vào chiến trường.

 

Trong lúc đó, trên chiến trường miền Nam, ta đã đánh bại một bước quan trọng kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ Trị Thiên, Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ, vùng ven Sài Gòn cũng đã phản công giành được thắng lợi trong đánh địch lấn chiếm, khôi phục vùng giải phóng. Cục diện chiến trường đang chuyển biến có lợi cho ta.

 

Tháng 10/1974, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nghe Bộ Tổng tham mưu trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược và đánh giá tình hình miền Nam. Một vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi là liệu Mỹ có khả năng đưa quân trở lại miền Nam khi ta đánh lớn dẫn đến nguy cơ sụp đổ quân ngụy không? Qua phân tích tình hình một cách thấu đáo, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kết luận một nhận định quan trọng thành nghị quyết: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam và dù chúng can thiệp đến thế nào đi nữa thì cũng không cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”.

 

Giữa lúc các đồng chí Phạm Hùng, thượng tướng Trần Văn Trà ở Nam Bộ, đồng chí Võ Chí Công và Thượng tướng Chu Huy Mân ở Khu 5 ra Hà Nội họp với Bộ Chính trị thì một tin vui mới từ miền Nam: Ngày 6/1/1975, ta giải phóng tỉnh Phước Long.

 

Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phước Long chỉ cách Sài Gòn hơn 100km nhưng địch không tổ chức chiếm lại được, trong khi Mỹ phớt lờ sự cầu cứu khẩn thiết của Thiệu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlesinger sau khi cân nhắc đã bỏ qua “sự kiện Phước Long” bằng lời tuyên bố: “Đây chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của Bắc Việt Nam”.

 

Hội nghị Bộ Chính trị phân tích sự suy yếu của địch báo hiệu một thời cơ mới đang đến. Đồng chí Lê Duẩn kết luận: “Ta phải giáng một đòn chiến lược trong năm 1975… Chưa bao giờ ta có điều kiện và thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hoàn toàn thống nhất Tổ quốc…”. Bộ Chính trị nêu quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976… tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam…”.

 

Ngoài kế hoạch chiến lược căn bản, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án khác là nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì giải phóng miền Nam trong 1975.

 

Ngày 4/1/1975, quân giải phóng đánh chiếm sân bay Phước Bình (huyện Phước Long), thu hai máy bay Mỹ C130

 

TRẬN PHƯỚC LONG - ĐÒN THĂM DÒ CHIẾN LƯỢC

 

Mùa khô 1974-1975, chiến trường miền Nam đã có sự chuyển biến quan trong. Ngụy quân thay vai trò quân Mỹ không đủ sức đương đầu với quân giải phóng. Kết hợp với mặt trận chính trị, binh vận, ngoại giao, lực lượng cách mạng đang thắng thế. Mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã hiện ra trước mắt. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình: “Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, tạo nên những yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”.

 

Cuối tháng 11/1974, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở đợt hoạt động mùa khô 1974 -1975 ở miền Đông Nam Bộ với nội dung: hoàn chỉnh khu giải phóng, nối liền hành lang chiến lược từ biên giới xuống bờ biển phía đông, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc, liên hoàn, tạo thế bao vây Sài Gòn… Riêng khối chủ lực đứng chân trên địa bàn Quân khu 7 phải đánh những trận thối động, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch.

 

Chiến dịch mùa khô 1974 -1975, bắt đầu từ tháng 12/1974 kéo dài đến tháng 4/1975, lực lượng của miền Nam và Quân khu 7 đã tiến công mạnh mẽ quân địch trên đường 14 - Phước Long, giải phóng Bù Đăng, Bù Na, đánh chiếm chi khu Bù Đốp; tấn công địch ở Châu Thành, phía nam Chiến khu Đ, chi khu Đồng Xoài, diệt các đồn bót trên tỉnh lộ 1A, giải phóng đoạn từ Phước Vĩnh lên Đồng Xoài.

 

Mất toàn bộ đường 14 và Đồng Xoài, tàn quân địch dồn hết về tiểu khu quân sự TX Phước Long, tổ chức phòng thủ để giữ vững vị trí quan trọng nằm sâu nhất trong vùng giải phóng của ta.

 

Trong lúc địch đang hoang mang lúng túng, Bộ Tư lệnh miền Nam và Quân đoàn 4 hạ quyết tâm giải phóng Phước Long. Kế hoạch giải phóng Phước Long được Bộ Chính trị chấp thuận. Bởi hệ quả của nó có thể dẫn đến những tình huống phức tạp, cần được cân nhắc và quyết định sáng suốt.

 

TX Phước Long cách Sài Gòn 120km về hướng đông bắc, nằm sâu trong vùng căn cứ Chiến khu Đ, có 50.000 dân. Địa hình Phước Long bao trùm rừng núi, có nhiều cao điểm. Đặc biệt phía nam thị xã và đông nam chi khu Phước Bình có núi Bà Rá cao 736m, địch dùng để khống chế toàn bộ thị xã, chi khu và sân bay Phước Bình.

 

Tham gia chiến dịch Phước Long là lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 4 phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương (có cả hỏa lực pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh). Trận đánh vào Phước Long bắt đầu từ 5 giờ 30 ngày 31/12/1974. Ngày 1/1/1975, quân ta chiếm cao điểm Bà Rá, truy quét và rút cụm quân địch ở Thác Mơ, Hiếu Phong, Long Điền. Từ ngày 2/1, tuyến phía nam TX Phước Long bị phá vỡ, quân ta đột phá vào trung tâm thị xã… Trước nguy cơ mất Phước Long, Nguyễn Văn Thiệu triển khai kế hoạch đổ quân tiếp ứng, từ ngoài đánh vào nhưng không thực hiện được. Chiều 6/1, Sư đoàn 9 đã chiếm được dinh tỉnh trưởng, TX Phước Long hoàn toàn giải phóng. Trong chiến dịch này, ta diệt địch hơn 500 tên, bắt 1.179 tên, thu 1.498 súng các loại, 190 máy thông tin, 80 xe cơ giới, bắn rơi 12 máy bay, phá hủy 10 xe cơ giới và 3 giàn rađa… Phía ta, 156 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

 

Phước Long thất thủ khiến Mỹ - ngụy bàng hoàng. Địch tập trung lực lượng tái chiếm, nhưng mọi toan tính của chúng dẫn đến quyết định bất khả kháng: Bỏ Phước Long! Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh do địch kiểm soát. Kissinger, cố vấn tổng thống Mỹ, tuyên bố: “Bỏ qua sự kiện Phước Long, đây chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của bắc Việt Nam”. Phớt lờ lời kêu cứu của Thiệu, ngày 22/1, Tổng thống Mỹ lúc ấy là J.Ford tuyên bố: “Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn, sẽ không can thiệp vào Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với biện pháp và pháp luật”.

 

Chiến thắng Phước Long đã góp phần cho Trung ương Đảng đánh giá đúng tình hình khả năng của Mỹ - ngụy, đề ra chủ trương chiến lược, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

HỒ SĨ THÀNH

Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek