Để chuẩn bị tiếp quản các cơ quan hành chính và quân sự của địch khi giải phóng TX Tuy Hòa, đêm 31/3/1975, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên quyết định thành lập Ủy ban Quân quản gồm 23 thành viên do ông Cao Kỳ Trí (Ba Diệu), Phó bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch; các ông Trịnh Tấn Lực (Bí thư TX Tuy Hòa), Đặng Văn Nhơn (Tỉnh đội phó), Phạm Duy Lưu (Phó chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời TX Tuy Hòa), Lê Bích Hải (Trưởng ban Tài chính) làm Phó chủ tịch.
Đồng chí Nguyễn Hữu Ái năm 1975 |
UBND Cách mạng lâm thời tỉnh thành lập đoàn cán bộ tiếp quản TX Tuy Hòa gồm khoảng 100 cán bộ thuộc các ngành, giới tham gia, được chia ra 11 ban chuyên môn. Ngành Công an do các ông Mạnh Hùng Thiên, Ngô Minh Tài phụ trách, tiếp quản Ty Cảnh sát, Trung tâm chiêu hồi, Sở Dân ý vụ. Tỉnh đội do ông Đặng Văn Nhơn, cùng lực lượng vũ trang thị xã tiếp quản khu vực hậu cần Trung đoàn 47, Tỉnh đoàn Bảo an. Ngành Văn hóa - Thông tin do các ông Nguyễn Phùng, Lương Thúc Quý phụ trách, tiếp quản Ty Thông tin, Đài Phát thanh và dùng phương tiện này để tuyên truyền chính sách Mặt trận dân tộc giải phóng; kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng và ra trình diện; giao nộp vũ khí, điện đài, tài liệu cho chính quyền cách mạng. Ngành Y tế do các ông Phan Công, Ngô Thanh Thúy, Nguyễn Cam phụ trách, tiếp quản Bệnh viện tỉnh, kho thuốc, các cơ sở y tế. Ngành Tài chính - Ngân hàng do các ông Lê Bích Hải, Trần Tuấn Đức, Phạm Duy Lưu và bà Nguyễn Thị Hạnh phụ trách, tiếp quản Ty Tài chính, Ngân khố. Ngành Giao thông vận tải do ông Hồ Văn Hòa phụ trách, tiếp quản Ty Giao thông công chánh và các cơ sở giao thông vận tải của ngụy. Ngành Sản xuất do ông Nguyễn Xuân An phụ trách, tiếp quản Nhà máy đèn TX Tuy Hòa. Ngành Giáo dục do các ông Nguyễn Chu, Nguyễn Cách, Nguyễn Châu phụ trách, tiếp quản Sở Học chánh và các cơ sở giáo dục của ngụy. Ngành Thương nghiệp do ông Nguyễn Đức Bảo phụ trách, tiếp quản và theo dõi các dịch vụ thương mại trong thị xã. Ngành Giao bưu do các ông Lý Thi Nam và Đinh Kim Hùng phụ trách, tiếp quản Bưu điện. Các ông Đỗ Chinh, Nguyễn Khánh, Trương Ba tiếp quản Tỉnh đường ngụy và phối hợp với UBND Cách mạng lâm thời TX Tuy Hòa chọn cán bộ thành lập UBND Cách mạng lâm thời các phường để quản lý hành chính và giữ gìn trật tự, trị an hàng ngày.
Các huyện thành lập ủy ban quân quản để làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở của địch trên địa bàn. Các phương án tiếp quản được hoạch định một cách cụ thể, từng ban chuyên môn được giao nhiệm vụ rõ ràng.
Sáng 1/4/1975, toàn tỉnh Phú Yên được giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân Phú Yên. Do có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ từ trước, nên việc tiếp quản các công sở, cơ sở vật chất của Mỹ - ngụy trong tỉnh diễn ra nhanh gọn, trật tự và an toàn. Ta đã thu được một số chiến lợi phẩm, tài liệu, hồ sơ của chế độ cũ để lại và cất giữ an toàn. Hầu hết các tài sản quý như tiền, vàng trong ngân khố và ngân hàng, địch đã tẩu tán vào Nha Trang trước ngày giải phóng.
Ngày 3/4/1975, Ủy ban Quân quản tổ chức lễ mừng chiến thắng tại Trường trung học Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, TP Tuy Hòa), có hơn 3.000 quần chúng nhân dân tham dự. Tại buổi lễ, Ủy ban Quân quản tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền ngụy; kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện; giao nộp vũ khí, tài liệu cho chính quyền cách mạng.
Ngày 4/4/1975, Quân khu 5 lệnh cho tỉnh Phú Yên nhanh chóng tổ chức các trạm đón tiếp dọc theo tuyến đèo Cù Mông (quốc lộ 1) và Mục Thịnh (tỉnh lộ 6); chuẩn bị các điểm cung cấp lương thực cho bộ đội chủ lực ở Xuân Thọ (huyện Sông Cầu), An Hòa, An Mỹ (huyện Tuy An), Hòa Vinh, Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa). Tỉnh lập 2 trạm sửa chữa ô tô ở TX Tuy Hòa và Phú Lâm. Ngoài ra, tỉnh còn lập 7 trạm khác dọc theo tuyến quốc lộ 1. Mỗi trạm có một số cán bộ, nhân viên của các ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương như: Y tế, Tài chính, Lương thực, Thương nghiệp, Vật tư, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… Cùng với lực lượng trên, Tỉnh đội Phú Yên huy động xe cộ, xăng dầu, lương thực, thực phẩm để phục vụ các binh đoàn chủ lực cách mạng đang ngày đêm hành quân thần tốc tiến vào Sài Gòn.
Ngày 1/5/1975, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh tổ chức lễ mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam trọng thể tại Sân vận động TX Tuy Hòa, có trên 6.000 người tham dự. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Ái, Phó chủ tịch thường trực UBND Cách mạng lâm thời tỉnh đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, dũng cảm của quân và dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ, đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hải Dương kết nghĩa cũng như đồng bào, chiến sĩ cả nước góp phần cùng Đảng bộ, chiến sĩ và nhân dân Phú Yên giải phóng toàn tỉnh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Buổi lễ long trọng công bố quyết định kết thúc nhiệm vụ Ủy ban Quân quản và làm lễ ra mắt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh trước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng, mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình phát triển lịch sử tỉnh nhà. Tuy vậy, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Phú Yên phải đương đầu giải quyết nhiều khó khăn thử thách do hậu quả chiến tranh để lại. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng manh mún, lạc hậu; sản xuất công nghiệp hầu như chưa có gì; đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ, vùng giải phóng; hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin cơ sở vật chất và trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn lại xuống cấp nghiêm trọng. Cạnh đó, chính quyền cách mạng các cấp trong tỉnh còn phải giải quyết hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền vừa mới rã ngũ và tình trạng thất nghiệp, mất việc làm của một bộ phận nhân dân.
Cùng với những khó khăn về kinh tế - xã hội, bộ máy cán bộ chính quyền cách mạng vừa thiếu vừa yếu trình độ chuyên môn, năng lực quản lý điều hành chưa đáp ứng yêu cầu mới.
Với quyết tâm đưa mọi mặt cuộc sống trở lại bình thường, trong hai ngày 29 và 30/4/1975, Hội nghị Tỉnh ủy đã phân tích, đánh giá các mặt làm được và hạn chế sau ngày giải phóng, trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian đến, đó là:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phấn đấu sớm ổn định tình hình; tiến hành truy quét ngụy quân, ngụy quyền lẩn trốn, trấn áp các thành phần phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Từng bước ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải…
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn về việc chính quyền cách mạng thu các loại thuế đã có từ trước, trên cơ sở đó phát huy tinh thần tự nguyện của quần chúng, không gán ép, không động viên quá mức. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, thực hành tiết kiệm, chấm dứt việc thu lạc viên ngoài quy định.
Nhân dân dự Lễ mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam tại Sân vận động TX Tuy Hòa ngày 1/5/1975 do UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên tổ chức |
Khôi phục các trường phổ thông ở căn cứ, nông thôn đồng bằng, bảo đảm đủ trường lớp, thu nhận hết số học sinh đang học. Trong vùng mới giải phóng cần sắp xếp, điều chỉnh một số trường cho hợp lý. Sử dụng lại chương trình sách giáo khoa của chế độ cũ, bỏ phần chính trị, xã hội, thay vào đó là phần giáo dục công dân của chính quyền cách mạng. Học sinh các trường từ cấp 1 đến cấp 3 phải có giờ lao động. Thu nhận hết số giáo viên cũ. Các cấp học phải có giáo viên cách mạng làm nòng cốt. Mở ngay các lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ chuyên môn ngắn ngày cho giáo viên, tiếp tục mở trường sư phạm đào tạo đủ giáo viên cấp 1.
Củng cố Bệnh viện tỉnh và Bệnh xá huyện Miền Tây ở Trà Kê, tổ chức phòng khám bệnh, vận động nhân dân các xã, phường xây dựng tủ thuốc dân lập, nhà hộ sinh. Sử dụng điều hòa số nhân viên y tế cũ, đưa người của cách mạng vào làm nòng cốt.
Tập trung giải quyết số người hành khất; nắm và thống kê số người tàn tật, neo đơn, mất sức lao động để tổ chức cứu tế. Nắm chắc số người mới trở về quê cũ để có kế hoạch giải quyết về ăn, ở và sản xuất…
Thực hiện Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy, các cấp chính quyền ra sức triển khai thực hiện và đạt những kết quả sau:
Trước ngày giải phóng, phần lớn các xã, phường, thị trấn đều thành lập bộ máy chính quyền cách mạng. Ở một số nơi tuy còn trắng Đảng, chưa có thành phần đảng viên tham gia bộ máy chính quyền, nhưng ta đã chọn được cơ sở tốt hình thành các ban cán sự để lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng và chính quyền.
Trước đây yêu cầu tổ chức bộ máy là phục vụ cho chiến tranh, nay nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội nên phải sắp xếp và đào tạo lại. Tỉnh sắp xếp đào tạo văn hóa ở trường tỉnh và huyện 919 cán bộ, giải quyết chế độ chính sách cho 78 cán bộ nghỉ việc do già yếu, mất sức; tổ chức trại an dưỡng chăm sóc 3.067 thương bệnh binh; đưa 94 cán bộ bị tù đày, bị địch bắt trao trả về quê quán. Trung ương đã tăng cường cho tỉnh Phú Yên 395 cán bộ, trong đó có 15 người ở Khu 5 đưa về tỉnh. Trên cơ sở lực lượng cán bộ tăng cường, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh bố trí, sắp xếp vào các cơ quan chuyên môn của tỉnh; tăng cường cho cấp huyện, bổ sung về xã, phường 120 cán bộ. Đội ngũ cán bộ này góp phần quan trọng vào việc nâng cao hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã, phường.
Sau ngày giải phóng, tỉnh Phú Yên có 63 xã, 7 phường và 3 thị trấn (Phú Lâm, La Hai, Sông Cầu), với tổng số dân là: 416.000 người, trong đó người Kinh: 401.531 người, đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm H’roi và Ê Đê): 12.044 người, dân tộc Hoa 2.794 người. UBND Cách mạng lâm thời tỉnh tiến hành điều chỉnh một số đơn vị hành chính phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới ở các huyện Miền Tây, Đồng Xuân và Tuy Hòa 2.
Trước ngày sáp nhập tỉnh, trên địa bàn Phú Yên có 6 đơn vị hành chính cấp huyện là Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Miền Tây và TX Tuy Hòa.
Về tổ chức bộ máy và cán bộ, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh có 11 thành viên, do ông Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời; ông Nguyễn Hữu Ái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức Phó chủ tịch thường trực; ông Ông Văn Bưu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ chức Phó chủ tịch; ông Trần Văn Thu giữ chức Ủy viên Thư ký. Văn phòng UBND Cách mạng lâm thời do ông Nguyễn Kim Khôi làm Chánh văn phòng.
Để giúp UBND Cách mạng lâm thời quản lý, điều hành các công việc chuyên môn, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh thành lập 16 ty, 4 ban và 3 phòng chuyên môn. Phân công, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan: Ty Tài chính do ông Lê Bích Hải làm Trưởng ty; Ty Thương nghiệp - Mậu dịch do ông Nguyễn Đức Bảo làm Trưởng ty; Ty Lương thực do ông Nguyễn Chung làm Trưởng ty; Ty Lâm nghiệp do ông Trần Văn Phấn làm Trưởng ty; Ty Nông nghiệp do ông Đinh Cẩm Hà làm Trưởng ty; Ty Giao thông công chánh do ông Châu Công Vọng làm Trưởng ty; Ty Giáo dục do ông Nguyễn Chu (Nam Đà) làm Trưởng ty; Ty Bưu điện do ông Lý Thy Nam làm Trưởng ty; Ty Y tế do ông Phan Công làm Trưởng ty; Ty Văn hóa - Thông tin do ông Nguyễn Phùng làm Trưởng ty; Ty Thương binh - Lao động do ông Phạm Thuyền làm Trưởng ty; Ty Kế hoạch và Nhà đất do ông Lê Duy Tường làm Trưởng ty; Quân sự tỉnh do ông Ông Văn Bưu làm Chỉ huy trưởng; Ty Công an do ông Mạnh Hùng Thiên làm Trưởng ty; Bộ máy Nhà nước ở tỉnh còn có Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Tỉnh thành lập một số đơn vị mới như Đài Phát thanh tỉnh…
Biên chế hành chính toàn tỉnh có 1.544 người, trong đó có 129 người lưu dung, 114 người tạm tuyển. Biên chế sự nghiệp có 2.921 người, trong đó lưu dung 1.495 người, tạm tuyển 380 người.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh như Nhà máy điện, Xí nghiệp sửa chữa ô tô, Nông trường, Đường sắt có 669 người, trong đó cán bộ lưu dung và tạm tuyển là 417 người.
Lực lượng vũ trang tập trung huyện, tỉnh có 3.170 người. Lực lượng an ninh biên phòng và an ninh các huyện có 550 người.
Bộ máy của tỉnh Phú Yên hoạt động ổn định và hiệu quả cho đến ngày sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa (3/11/1975) thành tỉnh Phú Khánh.
VIỆT THÀNH
(Ghi theo đồng chí Nguyễn Hữu Ái,
Phó chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên 1969-1975,
Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy cơ bản tỉnh Phú Yên tháng 3/1975)