Thứ Ba, 19/11/2024 11:24 SA
Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:
9 nhóm giải pháp tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm
Thứ Bảy, 14/03/2015 08:22 SA

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 13/3, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 

Cùng dự phiên chất vấn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Huỳnh Ngọc Sơn. Phiên chất vấn được trực tuyến với các điểm cầu của Đoàn ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Phú Yên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Thị Kim Chi và các vị ĐBQH tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan dự phiên chất vấn.

 

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, công tác xét xử các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong xét xử án hình sự. Do đó, phiên chất vấn lần này nhằm đánh giá thực trạng về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Từ đó, làm cơ sở để có giải pháp khắc phục trong thời gian đến”.

 

Sau phần khai mạc, các ĐBQH ở các địa phương đã tập trung chất vấn Chánh án TAND Tối cao về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước từ năm 2012-2014. Các đại biểu cũng tập trung làm rõ một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước mà bị cáo có đơn kêu oan như các vụ án Lê Bá Mai tại tỉnh Bình Phước bị xét xử về các tội giết người và hiếp dâm trẻ em; vụ án Hồ Duy Hải tại tỉnh Long An bị xét xử về các tội giết người và cướp tài sản; vụ án Huỳnh Văn Nén tại tỉnh Bình Thuận bị xét xử về các tội giết người, cố ý hủy hoại tài sản và cướp tài sản; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại TP Hải Phòng bị xét xử về các tội giết người và cướp tài sản…

 

Cùng với trả lời cụ thể từng câu hỏi của các vị ĐBQH, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng đề ra 9 nhóm giải pháp để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm trong thời gian đến. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác giám sát việc xét xử của tòa án cấp trên đối với các tòa án cấp dưới. Đặc biệt, tòa án cần chủ động kiểm tra, tự rà soát theo trình tự kiểm tra việc xét xử, không đợi có đơn đề nghị của đương sự thì mới xem xét.

 

Cũng tại phiên chất vấn, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng đã tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan đến tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự…

 

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử về việc thực hiện một số chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước. Phiên chất vấn tập trung vào công tác triển khai Chương trình 135 về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn; thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai; vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số; giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và một số hủ tục, mê tín dị đoan trong vùng dân tộc thiểu số.

 

Chương trình 135 được triển khai từ năm 1999, đến năm 2013 đã triển khai tại 1.723 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 2.701 thôn, buôn đặc biệt khó khăn trong cả nước. Trong giai đoạn 2014-2015, chương trình này được triển khai tại 2.331 xã và 3.059 thôn, buôn thuộc 415 huyện của 52 tỉnh. Kinh phí triển khai chương trình là 2.030 tỉ đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, từ nguồn vốn 5.760 tỉ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương đã xây dựng được 6.221 công trình dân sinh phục vụ đời sống đồng bào vùng khó khăn. Chương trình đã góp phần giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tỉ lệ giảm bình quân 3,5%/năm.

 

Đối với vấn đề giải quyết tình trạng di cư tự do, giảm thiệt hại thiên tai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đến nay, các địa phương đã triển khai các chính sách về định canh định cư, chính sách dạy nghề, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, miền núi, với kinh phí 1.945 tỉ đồng. Sau 7 năm triển khai chính sách này có 43 dự án định canh định cư xen ghép và 119 dự án tái định cư tại 35 tỉnh được hoàn thành; có 223.792 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo sơ cấp nghề, 8.555 lao động được đào tạo trung cấp và cao đẳng nghề; 12.000 lao động nghèo được tạo việc làm tại chỗ, 7.000 lao động ở các huyện nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài; 87.889 hộ được bố trí đất ở, 101.767 hộ được bố trí đất sản xuất.

 

V.TÀI - M.DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek