Tiếp tục cho ý kiến đối với các dự án luật liên quan đến công tác tư pháp, trong buổi làm việc chiều 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Đây cũng là dự luật được xây dựng với yêu cầu cao về việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nhằm đảm bảo các quyền con người trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam. Đánh giá dự thảo, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành dự án luật này, nhằm bảo đảm công tác tạm giam, tạm giữ phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: Quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật.
Việc xây dựng luật cũng nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Phân biệt giữa tạm giữ và tạm giam
Các ý kiến tại buổi thảo luận đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ các quy định trong dự thảo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, nhất là về chế độ đối xử đối với người bị tạm giam, tạm giữ. Dự án luật cần phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, bảo đảm khắc phục cơ bản các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn tạm giữ, tạm giam thời gian qua. Có ý kiến đề nghị đổi mới về mô hình, cơ cấu tổ chức, chế độ tạm giữ, tạm giam nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam phúc đáp yêu cầu thực tiễn. Theo đó, cần phân biệt chế độ quản lý giữa người bị tạm giữ và người bị tạm giam.
Đề nghị cơ quan soạn thảo phân loại hình thức tạm giữ với tạm giam để từ đó xây dựng dự thảo luật này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng người bị tạm giữ là hình thức hạn chế rất đa dạng, không chỉ là hình sự mà có thể chỉ là vi phạm hành chính. Do đó, không nên để người bị tạm giữ lẫn lộn với đối tượng bị tạm giam. Việc phân biệt như vậy để đảm bảo các quyền cá nhân của từng loại đối tượng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc phân biệt chế độ tạm giữ, tạm giam là rất quan trọng bởi đây là hai chế độ hoàn toàn khác nhau, kèm theo cách thức quản lý khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật. Ông Lý cũng đề nghị cần có khu giam riêng đối với bị án tử hình, chung thân để đảm bảo thi hành án.
Cùng quan điểm, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuân kiến nghị thêm cần có nhà tạm giam, tạm giữ riêng đối với những người đồng tính, người vị thành niên.
Khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình
Quan điểm của Ủy ban Tư pháp cho rằng theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những người bị tam giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội và chưa phải chịu hình phạt nên một số quyền công dân cần phải được bảo đảm như quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân... Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, cần rà soát những nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì phải được quy định ngay trong dự án luật. Đề cập sâu đến yêu cầu cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp, bảo đảm các quyền con người trong khi xây dựng luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có tới 6 quyền tự do của con người bị hạn chế được quy định trong dự thảo luật này, vấn đề này cần được rà soát lại, ông Lý đề nghị.
“Việc người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là có tội nhưng lại bị hạn chế quyền con người liệu đã đúng chưa?. Cần nghiên cứu kỹ mức độ hạn chế các quyền con người như trong dự thảo, nhất là quy định cho phép cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam. Đây là hình thức rất nặng, cần nghiêm túc cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Lý nhấn mạnh.
Để đảm bảo quyền con người, cần cụ thể trong luật điều khoản cấm bức cung, nhục hình trong nhà tạm giam, tạm giữ, ông Lý kiến nghị. Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong thẳng thắn thời gian qua, các trường hợp bức cung, nhục hình chủ yếu xảy ra trong trong thời kỳ tạm giam, tạm giữ. Nếu tạm giữ mà không có các biện pháp bảo đảm quyền con người thì rất dễ tái diễn tình trạng này.
Nhiều năm qua, trên cơ sở pháp luật, ngành Kiểm sát đã trả tự do cho rất nhiều người bị tạm giữ, tạm giam mà xét thấy không có tội. Đây là trách nhiệm của ngành Kiểm sát, ông Phong khẳng định. Đối với quy định cho phép cùm chân người bị tạm giam, tạm giữ, Phó viện trưởng Nguyễn Hải Phong khẳng định đây là hành vi nhục hình, để đảm bảo quyền con người, quy chế giam giữ thì dự thảo không thể quy định cho phép áp dụng hình thức này. Cũng rất băn khoăn vì biện pháp này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần rà soát lại toàn bộ dự thảo, so sánh với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết để đảm bảo phù hợp.
Đồng tình với những quan điểm này, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị yêu cầu đảm bảo quyền con người cần được bổ sung, làm rõ hơn trong dự thảo, nhất là phải bảo lưu các quyền dân sự đối với người bị tạm giam, tạm giữ.
Ông Khánh cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật vai trò, vị trí của Viện Kiểm sát là kiểm sát toàn bộ hoạt động tạm giữ, tạm giam chứ không nên quy định chỉ là kiểm sát chế độ tạm giam, tạm giữ. Đây cũng là buổi làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII.
Theo TTXVN, Vietnam+