Trước khi khởi thảo bản di chúc lịch sử để lại cho muôn đời sau, ngày 15/2/1965 Bác Hồ về Côn Sơn (Hải Dương) bái vọng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đọc kỹ và nghiền ngẫm các văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi.
Bác Hồ đang đọc tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương ngày 15/2/1965 |
“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong truyền thống văn hóa Việt Nam suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trước phút lâm chung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông cuối thế kỷ XIII trối trăn rằng: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ”.
Năm 1428, sau mười năm kháng chiến, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Trãi mở đầu áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…”.
Khi được nhà vua hỏi về kế sách giữ nước và soạn lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã dâng sớ: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.
Khi vâng mệnh vua soạn chiếu “hậu tự huấn” để răn dạy thái tử, Nguyễn Trãi viết: “Hòa thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ và làm những việc khoan dân”.
Nguyễn Trãi đúc kết “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu tư tưởng tinh hoa “lấy dân làm gốc” của tiền nhân. Ngày đầu thành lập nước, Bác Hồ dạy:
Nước lấy dân làm gốc
Quân tốt, dân tốt
Muôn sự đều nên
Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân
Bác còn dặn cán bộ, đảng viên: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức”.
Bước vào cuộc kháng chiến, kiến quốc, Bác dạy: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân… Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Bác căn dặn bộ máy chính quyền: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân…
Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.
Ngày 10/10/1954, quân dân ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ chỉ thị:
“Chính phủ và Đảng chỉ muốn giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân…
Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam (5-10/9/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở chỗ Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng của nhân dân”.
Bác Hồ nhiều lần quán triệt bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở:
“Nước ta là nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”.
Bác Hồ đúc kết:
Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong
Trong thời điểm chiến tranh ác liệt, cả nước phải gồng mình gánh chịu vô vàn khó khăn thử thách để hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Bác Hồ trăn trở:
Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.
Trong bản di chúc lịch sử để lại cho muôn đời sau trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn tâm huyết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền… phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của tiền nhân đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tỏa sáng mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 85 năm qua.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) phát động công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động và lãnh đạo khẳng định chân lý lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Trong cương lĩnh xây dựng đất nước được thông qua tại Đại hội VII và bổ sung, phát triển tại Đại hội XI (2011), bài học lấy dân làm gốc được cụ thể hóa: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới là những cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia, toàn dân đánh giặc, mà lực lượng chủ lực, nòng cốt là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Những thành tựu rực rỡ trong 30 năm đổi mới và hội nhập là kết tinh công lao đóng góp của toàn dân.
Toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước đang tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang chuyển động mạnh mẽ từ một nhà nước quản lý thành nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển để đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.
Trong thông điệp chào mừng năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh “Lòng dân là quốc bảo”. Chủ tịch nước kết thúc thông điệp với hào khí ngàn năm tiếp sức cho hiện tại để hướng về tương lai: “Với sức mạnh Phù Đổng, hào khí Đông A, tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa bất diệt, bằng sự quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và khí thế thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam kiên định, tự tin và mạnh mẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của chúng ta đến bến vinh quang, cập bờ hạnh phúc, cùng nhân loại tiến bộ chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phồn vinh, thịnh vượng”. Chúng ta trải lòng đón xuân 2015 trong niềm tin bất diệt ấy.
PHAN THANH