LTS: Cách đây 45 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp, công lao và đạo đức cách mạng của Bác luôn sống mãi. Báo Phú Yên xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của tiến sĩ Nguyễn Xuân Thông (có 22 năm (1972-1994) làm việc với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ), sau này là Vụ trưởng, chuyên viên cao cấp của Tạp chí Cộng sản, để chúng ta hiểu thêm về Bác - vị lãnh tụ kính yêu của toàn thể dân tộc, Người đã hiến trọn cuộc đời cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta và cho cả loài người tiến bộ.
Cán bộ, nhân dân viếng Bác Hồ nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người - Ảnh: T.BÍCH |
Chiều 12/8/1969, Hà Nội mùa thu, trời mưa lất phất. Tuy lúc này Bác Hồ không được khỏe, nhưng nghe tin các đồng chí Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp vừa đi công tác về đang nghỉ ở nhà khách Trung ương bên Hồ Tây, Bác liền bảo với anh Vũ Kỳ bố trí để Bác lên thăm. Thấy trời hơi lạnh và gió to, sức khỏe của Bác giảm sút nên anh Vũ Kỳ thưa lại với Bác là để sáng ngày mai mời hai đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp vào gặp Bác. Nghe anh Vũ Kỳ nói, Bác liền bảo: Các đồng chí đó vừa đi công tác về, mình phải đến gặp chứ đợi ngày mai mới gặp để nghe báo cáo thì nói làm gì. Thấy Bác kiên quyết, anh Kỳ tuy băn khoăn, nhưng cũng không dám cản. Anh liền điện sang xin ý kiến đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Lê Văn Lương cho ý kiến:
- Bác quyết tâm đi, thì anh bố trí để Bác đi gặp hai đồng chí, nhưng phải hết sức chú ý, đừng để Bác bị lạnh, nhất là khi ra Hồ Tây, gió mạnh.
Trước lúc đưa Bác đi gặp hai đồng chí, anh Kỳ dặn anh Hoàng Thanh, lái ô tô vào gần thềm nhà để Bác khỏi ướt và anh Kỳ không quên mang theo chiếc áo bông để Bác khoác bên ngoài.
Thấy Bác đến, đồng chí Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp rất bất ngờ và vui mừng. Nhưng nhìn Bác không được khỏe, trời lại mưa gió, các đồng chí cũng băn khoăn, lo lắng. Nhưng các đồng chí biết đó là tình cảm của Bác, ngăn sao nổi.
Chiều hôm ấy, khi trở về phủ Chủ tịch, Bác bị ho, tối bị sốt nhẹ. Sáng ngày hôm sau (13/8), hội đồng bác sĩ gồm có anh Chánh, anh Ảnh, anh Bảo, anh Mẫn do anh Nhữ Thế Bảo phụ trách vào thăm, khám cho Bác. Hội đồng bác sĩ y khoa họp và xác định, Bác bị viêm phế quản trên nền viêm phế quản mạn tính. Hội đồng bác sĩ quyết định dùng loại thuốc kháng sinh tên là Ta-tô-pen (giống như Ăm-pi-xi-lin) của Pháp để điều trị cho Bác.
Nhưng những ngày sau đó, bệnh tình của Bác vẫn không giảm. Nhiệt độ người Bác lên xuống thất thường, tim đập không đều. Thế nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian làm việc, nghe báo cáo tình hình. Lúc này tay Bác cũng yếu và bị run. Có hôm đang cầm củ khoai tây, bị rơi xuống chiếu.
Những ngày tiếp theo, bệnh của Bác có giảm một ít. Thấy Bác dần bình phục, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các y tá, bác sĩ, cán bộ, nhân viên văn phòng ai cũng phấn khởi.
Nhưng đến ngày 24/8/1969, bệnh của Bác trở nên trầm trọng. Tối 24/8, Bác bị đau nhiều ở tim. Qua theo dõi điện tâm đồ, các bác sĩ phát hiện Bác bị nhồi máu cơ tim thành sau. Hội đồng bác sĩ quyết định anh Nhữ Thế Bảo dùng Pê-lê-xi-lin tiêm cho Bác. Tuy mệt, nhưng Bác vẫn nói chuyện vui vẻ với bác sĩ và anh chị em phục vụ Bác.
Lúc này, do điều kiện sức khỏe và theo đề nghị của hội đồng bác sĩ, Bác Hồ chuyển từ nhà sàn xuống nghỉ và chữa bệnh ở ngôi nhà xây, mới làm năm 1967 trong thời gian Bác sang chữa bệnh ở Trung Quốc. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên có mặt bên giường bệnh của Bác.Thấy Bác nằm trên giường bệnh, ngày một yếu ai cũng thương và lo cho Bác. Nhiều đồng chí cảm động không cầm được nước mắt. Khi Bác mở mắt nhìn, ai cũng muốn được gần Bác, nghe Bác dặn dò, hỏi chuyện cho Bác đỡ mệt. Khi nhìn thấy các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đến, Bác bảo các chú tranh thủ về làm việc, không phải lo cho Bác nhiều. Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác lúc này Bộ Chính trị quyết định phải tập trung chữa cho Bác khỏi bệnh. Bác liền bảo: Tôi ốm thì có y, bác sĩ. Công việc của Đảng, của nhân dân quan trọng hơn nhiều. Các chú nên phân công nhau về mà làm việc.
Nghe Bác nói như vậy, ai cũng rơi nước mắt, nhưng không dám khóc trước mặt Bác.
Có hôm, đồng chí Võ Nguyên Giáp vào, mang theo 2 trái dừa biếu Bác. Sau khi hỏi thăm tình hình chiến sự miền Nam và nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo xong, Bác bảo anh Vũ Kỳ lấy miếng vải gói trái dừa của đồng chí Võ Nguyên Giáp mang đến cho vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo - Chủ tịch liên minh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, lúc đó đang ở Hà Nội.
Cuối tháng 8/1969, một đoàn gồm đồng chí Chính ủy, viện trưởng, 3 bác sĩ và 3 y tá của Bệnh viện Quân đội 108 được cử đến phủ Chủ tịch trực tiếp theo dõi, chăm sóc, điều trị cho Bác.
Cũng thời gian đó, một đoàn cán bộ y tế của Trung Quốc gồm những thầy thuốc giỏi được cử sang Việt Nam, mang theo những dụng cụ, máy móc tối tân để cùng các bác sĩ Việt Nam chạy chữa cho Bác. Đó là bác sĩ Trương Hiếu (người Quảng Đông), bác sĩ Hoàng Uyên (người Bắc Kinh), chuyên về tim mạch; Tôn Chấn Hoàn, bác sĩ châm cứu và 2 y tá.
Khi thấy trong đoàn có các nữ y tá đến, Bác bảo anh Vũ Kỳ ra vườn ngắt một ít hoa, cắm vào lọ, để trong phòng nghỉ của các cháu gái. Bác còn trò chuyện, hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, quê quán và điều kiện công tác của từng người.
Bác nói:
- Bác già rồi, khi ốm đau, có lúc khó tính, các cô, các chú và các cháu thông cảm.
Bác còn nói với y tá Bệnh viện 108 được phân công đến chăm sóc Bác:
- Cháu tranh thủ nghỉ, đừng quá lo cho Bác mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chiều 30/8/1969, Bác bị sốt cao, người mệt nặng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều có mặt thường xuyên, túc trực bên giường bệnh của Bác. Theo dõi máy điện tim biết sức khỏe của Bác giảm sút nghiêm trọng. Thế nhưng khi qua cơn đau, tỉnh lại Bác vẫn hỏi thăm về tình hình ở miền Nam, tình hình chuẩn bị tổ chức các ngày lễ lớn năm 1970. Bác còn dặn đồng chí Phạm Văn Đồng cần chủ động đối phó và phòng chống tốt bão lụt, tránh thiệt hại cho nhân dân, cho Nhà nước. Nghe đồng chí Thủ tướng báo cáo, Bác tỏ vẻ hài lòng nhưng vẫn không quên nhắc nhở những việc cụ thể, quan trọng. Bác còn căn dặn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc chuẩn bị kỹ lễ Quốc khánh 2/9. Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo xong, Bác dặn: “Các chú nhớ cho bắn pháo hoa để ăn mừng chiến thắng của quân dân hai miền, để động viên chiến sĩ, đồng bào”. Các đồng chí đứng xung quanh Bác, miệng thì đáp “vâng” nhưng nước mắt thì chực trào ra, bởi không ai cầm được nước mắt trước sự quan tâm cụ thể, chu đáo của Bác đối với nhân dân, đất nước ngay cả khi ốm nặng.
Sáng 31/8/1969, các đồng chí phục vụ đưa cho Bác bát cháo. Thấy Bác ngồi dậy, ăn hết bát cháo ai cũng thấy mừng. Có hôm, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ hái trái dừa miền Nam trồng trước nhà sàn để Bác uống nước, nhưng Bác chỉ uống được một ít.
Chiều ngày hôm đó, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ đến nhắc: “Hôm qua bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, Văn phòng đã gửi tặng lẵng hoa chưa?”. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo là đã gửi tặng, Bác rất vui. Đó cũng chính là lẵng hoa cuối cùng của Bác gửi tặng Sư đoàn 361 Bộ đội tên lửa phòng không Hà Nội anh hùng.
Ngày 1/9/1969, bệnh tình của Bác xấu đi nhanh chóng. Bác vẫn nằm yên trên giường bệnh và không nói gì. Mọi người xung quanh và các bác sĩ, y tá biết rằng Bác đang phải cố chịu đau sau mỗi cơn co thắt tim, nhưng không muốn để mọi người biết. Chiếc máy ghi âm đặt ở đầu giường vẫn quay, nhưng không thấy Bác nói gì, bởi những điều cần dặn lại, Bác đã viết đầy đủ, cụ thể trong Di chúc trước đó. Cả căn phòng không một tiếng động.
9 giờ 47 sáng 2/9/1969, giữa lúc các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quân đội, công an và các thầy thuốc đang đứng quanh Bác, thì Bác trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và cả bạn bè, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN THÔNG