Mỗi dịp thu về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm trong thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước toàn thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bác trước nhà sàn, phủ Chủ tịch tại Hà Nội năm 1960. |
Dân thế nào, Bác như vậy
Kháng chiến thành công, Bác Hồ về Hà Nội. Ngày 19/12/1954, Người đến ở và làm việc tại Khu Ba Đình. Đảng, Nhà nước mời Bác ở và làm việc tại ngôi nhà của Phủ Toàn quyền (nay là phủ Chủ tịch), nhưng Bác từ chối. Người về ở trong ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ toàn quyền.
Vì Bác thương dân nhiều, nên dân thương Bác lắm, Người không nỡ từ chối mãi lời đề nghị của dân. Đến mùa hè năm 1958, Bác Hồ mới chịu nhận một chút tài sản của Đảng, của nhân dân dành cho Người là ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói, giản dị trong khu vườn phủ Chủ tịch.
Bác Hồ đã ở 11 năm cho đến giữa năm 1969 trong cái nhà sàn ấy, suốt cả 4 năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, kể cả thời gian ác liệt nhất ở Hà Nội, khi máy bay giặc chỉ cách Hà Nội 25km… Bấy giờ, Bác tuổi đã cao, sức khỏe không như trước nữa, Bộ Chính trị lo lắng nhiều. Tháng 5/1967, trong thời gian Bác Hồ sang thăm và làm việc ở Trung Quốc, Bộ Chính trị đã quyết định làm cho Người một ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, tường, mái nhà bằng bê tông cốt thép có thể có sức chống đỡ được bom bi và mảnh đạn.
Khi nhà xây xong, Bác Hồ không nhận sử dụng riêng cho mình, Người nói: “Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác, cũng phải lo cho dân. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy”. Theo quyết định của Người, ngôi nhà này trở thành phòng họp của Bộ Chính trị.
Trong dịp kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1930 – 3/2/1969), tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, biểu dương tinh thần hy sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi. Người chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân, là bạn đồng hành của những căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi... làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền.
Nơi đây, ngày 14/7/1969, Bác Hồ đã trả lời phỏng vấn Chủ nhiệm báo Grama - Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Cu Ba; ngày 15/7/1969, Người tiếp phóng viên báo Nhân đạo, Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Qua những lần gặp, Người đã khẳng định rằng: Nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về tấm lòng của Bác đối với miền Nam, Bác đã trả lời báo Grama rằng: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp nỗi đau khổ của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi biết rằng, tôi chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam, mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
“Đời tuôn nước mắt”
Ngày 18/8/1969, do sức khỏe, bác sĩ đề nghị và Người chấp hành không lên xuống nhà sàn nữa mà xuống ở hẳn nơi này để chữa bệnh. Và thế là bắt đầu từ ngày này, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ.
Tuy nằm trên giường bệnh, nhưng Bác Hồ vẫn làm việc. Hàng ngày, Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo công việc ở hậu phương và tiền tuyến, vẫn đọc sách báo và bản tin. Tập báo và bản tin từ ngày 17/8/1969 đến 24/8/1969, Bác xem và có những bài còn ghi lại bút tích của Người.
Tháng 8/1969, mực nước các sông lên to, trong lúc Bác đang bệnh, Trung ương mời Bác lên ATK (an toàn khu), nhưng Bác bảo: Bác không thể bỏ dân. Vì thế, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước đưa Bác đi, đằng sau có chuẩn bị nhiều xe lội nước khác để cứu dân. Ngày 29/8/1969, buổi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Vừa tỉnh lại, Người hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?”. Nghe Thủ tướng báo cáo, Người dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”. Người hỏi tình hình nước sông Hồng như thế nào và nhắc phải chú ý đề phòng lụt.
Ngày 31/8/1969, lễ kỷ niệm Quốc khánh được tổ chức long trọng tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, Người không đến dự được, nhưng Người hỏi về việc tổ chức lễ kỷ niệm này. Ngày 2/9/1969, bệnh của Người diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. 9 giờ 47 phút, Người qua đời sau một cơn đau tim đột ngột…
Ngôi nhà làm cho Bác Hồ ở, nhưng Người chỉ ở có hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình và là nơi đã chứng kiến Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương, tập thể giáo sư, bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc hết lòng trông nom cứu chữa cho Bác trong những ngày Người ốm nặng. Nơi đây, đã chứng kiến những giờ phút nặng lòng của Bác Hồ với non sông, đất nước.
Vào ngày 26/8/1969, tỉnh dậy, Người nói muốn được nghe một khúc dân ca. Cô y tá Ngô Thị Oanh chăm sóc sức khỏe cố gắng hát Bài ca người chiến sĩ quân y theo làn điệu dân ca quan họ. Nghe xong, Người tặng cô một bông hồng. Nơi đây cũng đã chứng kiến tình cảm da diết của Người đối với mảnh đất mà Người đã nói: “Quê mình ở Nam Đàn - Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. Ở những nơi như Huế, Phan Thiết, Sài Gòn... trước lúc ra đi nước ngoài, mình đã từng sống và đã đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn”, cái chốn mà cả cha mẹ của Người đều trút hơi thở cuối cùng.
Cho nên, lúc trở bệnh, Người muốn được uống chút nước dừa. Như hiểu được lòng của Bác, những người phục vụ đã ra hai cây dừa trước nhà sàn, đó là hai cây dừa giống miền Nam, hàng ngày Bác vẫn chăm bón, lấy ở mỗi cây một trái, hòa nước ở hai trái vào một chiếc cốc và tách ở mỗi trái một miếng cùi dừa bày vào đĩa, đưa lên cho Bác dùng. Bác đã nhấp một chút nước dừa để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh nỗi “nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”. Nơi ấy, ngày 2/9/1969, mãi mãi về sau lưu niệm về người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ TRẦN VIẾT HOÀN/SGGPO