Thứ Tư, 09/10/2024 03:21 SA
Tổng bí thư Trần Phú - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Chủ Nhật, 27/04/2014 08:00 SA

Trong lịch sử Đảng ta, thời dựng Đảng được ghi nhận là một trang vàng rạng rỡ.

 

Ha-Dang140427.jpg

Đồng chí Hà Đăng - Ảnh: D.T.XUÂN

Đó là thời kỳ khai phá con đường đi lên của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế của thời đại - con đường độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội; là thời kỳ hình thành những tổ chức cách mạng tiền thân, dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

 

Nói đến thời dựng Đảng, chúng ta nhớ tới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người chiến sĩ tiên phong, khai phá, mở đường và đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng ta. Kế đó, là lớp học trò, cũng là những người bạn chiến đấu gần gũi của Người, nổi lên hàng đầu là Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

 

Tiểu sử của Trần Phú trong như pha lê, không chút bụi mờ. Cuộc đời đồng chí rất ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thật lớn lao.

 

Sinh năm 1904, con một nhà quan nho học có lòng yêu nước, thương dân. Lên 4 tuổi đã mồ côi cha, lên 6 tuổi mồ côi mẹ. Lên 9 tuổi mới được đi học nhưng học rất giỏi. 18 tuổi (1922), đỗ thủ khoa kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế và đi vào nghề dạy học. Đó cũng là thời kỳ bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước.

 

Năm 1925, cùng một số đồng chí khác, thành lập Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam). Năm 1926, được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn - hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Năm 1927, được cử sang Liên Xô, học ở Trường đại học Phương Đông. Cuối năm 1929, được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Tháng 10/1930, được Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương bầu làm Tổng bí thư.

 

Ngày 18/4/1931, bị địch bắt, tra tấn dã man, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9 năm ấy.

 

27 tuổi đời, hơn 8 năm hoạt động cách mạng, Trần Phú đã nêu tấm gương cao đẹp về trí tuệ và phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực.

 

Thứ nhất: Là người được hun đúc nên bởi lòng yêu nước nồng nàn và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa sâu sắc.

 

Trần Phú lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhất là những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp ngày càng gia tăng áp bức, bóc lột thuộc địa. Sưu cao, thuế nặng và lao dịch hà khắc đổ lên đầu dân bản xứ. Các phong trào yêu nước bị đàn áp dã man. Ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã cảm nhận được những gì đã xảy ra. Cha của anh - cụ Trần Văn Phổ - một đương kim tri huyện của chính phủ Nam triều đã tự vẫn trước công đường để phản đối sưu dịch nặng nề và lệnh đàn áp của chính quyền thực dân phong kiến, cũng là để bày tỏ thái độ không cam chịu thân phận làm nô lệ ở chốn quan trường. Bản thân Trần Phú, lúc bước vào nghề dạy học, đã từng được một thầy giáo cũ của mình, gửi tặng hai câu thơ của một nhà chí sĩ thời đó:

 

Sinh ư nô lệ sinh do tử

Tử yếu tự do tử nhược sinh

Có nghĩa:

Sống mà nô lệ, sống như chết

Chết vì tự do, chết là sống

 

Truyền thống gia đình và quê hương đã nung nấu trong Trần Phú tinh thần yêu nước, chí hướng làm cách mạng. Không theo con đường học để làm quan, Trần Phú chọn nghề dạy học, rồi làm cách mạng chuyên nghiệp. Bước ngoặt lớn đã diễn ra sau khi Trần Phú đến Quảng Châu (Trung Quốc), được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Thế là, giống như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú đã từ chủ nghĩa yêu nước tiến tới bắt gặp lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và suốt đời trung thành với lý tưởng đó. Tinh thần yêu nước và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa hòa quyện vào nhau tạo nên một động lực tinh thần to lớn của cách mạng Việt Nam.

 

Thứ hai: Là con người của lý luận và thực tiễn cách mạng.

 

Năm 1930, ngay sau khi về nước, được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, đồng chí Trần Phú khẩn trương xúc tiến tổ chức các cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai (Quảng Ninh), Thái Bình… Chỉ trong vòng 3 tháng, Trần Phú đã hoàn thành bản dự thảo Luận cương chính trị để Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1930) thông qua.

 

Luận cương chỉ rõ tính chất cách mạng Đông Dương lúc đầu là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Luận cương cũng chỉ rõ nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Đông Dương là sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên hệ với quần chúng…

 

Luận cương chính trị đã vận dụng những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua Hội nghị thành lập Đảng. Luận cương chính trị cùng với Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt thực sự là ngọn cờ chiến đấu của Đảng ta thời dựng Đảng.

 

Từ khi nhận nhiệm vụ Tổng bí thư cho đến khi bị địch bắt, thời gian không đầy 6 tháng nhưng Trần Phú đã làm rất nhiều việc trong chỉ đạo thực tiễn. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1931) đã phân tích, đánh giá sâu sắc phong trào cách mạng sôi nổi đang diễn ra khắp nơi, cả những ưu điểm và thiếu sót, đặc biệt là các phong trào nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Mỹ Tho, Bến Tre…

 

Về Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Tổng bí thư một mặt đánh giá cao phong trào, mặt khác phê phán nghiêm khắc sai lầm của khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi đó là sai lầm “tả” khuynh, cô lập, hẹp hòi, tước bỏ bạn đồng minh, gây thêm khó khăn cho cách mạng. Có thể coi đó là sự phê phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong buổi đầu cách mạng.

 

Các hội nghị Thường vụ Trung ương do Trần Phú chủ trì còn ra nhiều quyết định cụ thể khác: Xuất bản báo Cờ vô sản và báo Cộng sản, làm cơ quan tuyên truyền và lý luận của Trung ương; tổ chức công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến các xứ ủy, tỉnh ủy và từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản; tiến hành công tác vận động công nhân và thành lập Ban Công vận Trung ương do chính Trần Phú làm Trưởng ban…

 

Thứ ba: Là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và về khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

 

Là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, Trần Phú sống vì cách mạng, mà chết cũng vì cách mạng.

 

 Tháng 10/1929, cùng với Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú bị tòa án Nam triều kết án tử hình vắng mặt vì “tội” làm cộng sản. Cộng sản lúc bấy giờ không còn là bóng ma ám ảnh mà đã trở thành nỗi sợ hãi thật sự của chính quyền thực dân, phong kiến.

 

Bất chấp sự săn lùng của kẻ thù, từ Mátxcơva, Trần Phú vẫn tìm đường về nước, hoạt động ngay giữa lòng địch ở Hà Nội và Sài Gòn, tham gia lãnh đạo xây dựng Đảng và có nhiều công lao suốt cả năm 1930 và những tháng đầu năm 1931.

 

Do Ngô Đức Trí phản bội khai báo, Trần Phú đã bị bắt tại Sài Gòn ngay sau Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

 

Bằng những thủ đoạn tra tấn cực kỳ dã man, thậm chí rạch da thịt, rồi nhét bông tẩm dầu mà đốt, kẻ thù hòng khai thác từ người đứng đầu Đảng ta nhiều điều bí mật. Song, Trần Phú vẫn một mực không khai: “Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe” (1). Tại phiên tòa xét xử, mặc dù đã thừa biết tên thật người bị bắt, tên quan tòa vẫn gặng hỏi mãi. Trần Phú thản nhiên: “Ông đã tha thiết muốn biết tên tôi quá như thế, thì đây, tên tôi là Trần Phú” (2). Rồi im bặt, không thêm một lời nào nữa.

Vậy là sự tàn bạo của kẻ thù không thắng nổi ý chí gang thép của người cộng sản kiên trung.

 

Gần 5 tháng bị giam cầm tại nhà lao, trước những đòn tra tấn dã man và chế độ nhà tù khắc nghiệt, cộng thêm bệnh lao tái phát, Trần Phú đã kiệt sức.

 

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Trần Phú còn gửi tới các đồng chí, đồng bào lời nhắn nhủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

 

Chí khí chiến đấu nói ở đây là tinh thần và ý chí của người cộng sản quyết phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, dù gian khổ hy sinh đến mấy, kể cả hy sinh tính mạng, cũng không nản chí, sờn lòng. Đó còn là niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng; là khí phách hiên ngang, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không lay chuyển trước bất cứ thứ vũ lực, sự uy hiếp hay cám dỗ nào.

 

Tấm gương hy sinh, chiến đấu của Trần Phú là minh chứng thuyết phục nhất cho lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí. Tấm gương ấy, lời nhắn nhủ ấy có sức mạnh tinh thần to lớn, đã và đang cổ vũ những lớp người kế tục chúng ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng quyết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

 

-------------------

(1), (2) Dẫn theo Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử, Sđd, tr.144, 161-162.

 

HÀ ĐĂNG

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek