(Bài diễn văn của đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại lễ kỷ niệm)
Thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;
Thưa đồng bào và đồng chí,
Sáng nay, ngày 25/4/2014, tại Thành An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An - khu Di tích lịch sử cấp quốc gia và cũng là nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Tuy An, xã An Dân tổ chức trọng thể lễ dâng hương và mít tinh Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904-1/5/2014).
Đồng chí Đào Tấn Lộc trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: D.T.XUÂN
Đồng chí Trần Phú (bí danh Lý Quý), sinh ngày 1/5/1904 tại thôn Long Uyên, tổng Hạ, phủ Tuy An nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đều là những vùng đất "địa linh nhân kiệt". Thân phụ của đồng chí là ông Trần Văn Phổ, một nhà nho có tinh thần yêu nước, sau khi đậu Giải nguyên, năm 1901 được cử làm giáo thụ phủ Tuy An; thân mẫu là bà Hoàng Thị Cát.
Năm lên 4 tuổi, đồng chí Trần Phú mồ côi cha. 6 tuổi, đồng chí mồ côi cả cha và mẹ. Tuổi thơ của đồng chí trĩu nặng thương đau. Nhờ vào sự giúp đỡ của anh chị, họ hàng thân thuộc và là người có trí thông minh, có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đồng chí luôn luôn là học sinh giỏi. Đồng chí Trần Phú học ở Trường Quốc học Huế, một ngôi trường danh tiếng. Được tiếp xúc với nhiều thầy giáo và bạn bè có tư tưởng yêu nước, đồng chí đã sớm hòa mình vào các phong trào của học sinh, sinh viên tham gia "Hội Thanh niên tu tiến" để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Năm 1918, đồng chí Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Trường Quốc học Huế. Với tấm bằng này đồng chí có đủ điều kiện trở thành một quan chức của chế độ thuộc địa - phong kiến. Nhưng truyền thống gia đình và quê hương đã sớm hình thành chí hướng cách mạng trong lòng người thanh niên Trần Phú, đồng chí từ chối con đường làm quan, chọn nghề dạy học. Tháng 9/1922, đồng chí được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Sống gần gũi với học sinh và nhân dân lao động, đồng chí sớm thấu hiểu nỗi cơ cực của công nhân và nông dân. Năm 1924, vì lý do sức khỏe, đồng chí Trần Phú xin thôi dạy học, về làm việc ở Văn phòng Đốc học của tỉnh. Giữa năm 1924, đồng chí Trần Phú gặp Hồ Tùng Mậu, thành viên của tổ chức Tâm Tâm xã, được đọc những tài liệu sách báo tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc. Say mê với sách báo yêu nước, đồng chí Trần Phú đã lập tổ đọc sách nhằm tập hợp các bạn trẻ cùng chí hướng. Ngày 19/6/1924, tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái như "chim én báo hiệu mùa xuân" đã thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng chí và nhiều thanh niên trong cả nước. Tháng 7/1925, Hội Phục Việt tập hợp những trí thức yêu nước ra đời. Đồng chí Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt, hăng hái tham gia mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho người nghèo khổ, mượn bục giảng để truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò. Những hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt và các phong trào đấu tranh sôi động chống giới chủ, chống chế độ áp bức của thực dân Pháp đòi tăng lương, cải thiện đời sống của công nhân ở TP Vinh có ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn con đường cách mạng của đồng chí Trần Phú. Cũng trong năm đó, đồng chí đã thôi nghề dạy học để bước hẳn vào con đường hoạt động cách mạng.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Là thành viên của Hội Phục Việt, giữa lúc đang lúng túng về đường lối, đồng chí Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện, đào tạo. Tại lớp huấn luyện chính trị, đồng chí miệt mài học tập, tỏ rõ năng khiếu tư duy lý luận cách mạng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng kết nạp vào Cộng sản Đoàn, nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động. Bị mật thám Pháp truy lùng ráo riết, theo yêu cầu của Hội Phục Việt, đồng chí tạm lánh ra nước ngoài hoạt động. Đồng chí đã trở lại Quảng Châu, làm việc tại Tổng bộ Thanh niên. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cậy, cử sang Liên Xô học ở Trường đại học Phương Đông.
Tại Trường đại học Phương Đông, đồng chí đã bộc lộ phẩm chất của một nhà hoạt động cách mạng tài năng. Đồng chí theo học muộn 3 tháng so với các học viên khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ thông minh và chăm chỉ học tập, đồng chí Trần Phú đã nhanh chóng theo kịp chương trình chung. Do kết quả học tập tốt, sau mấy tháng học đầu năm 1927, đồng chí Trần Phú được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Qua sự giới thiêu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Trần Phú làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại trường. Nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, đồng chí đã tiếp thu tốt bài giảng; có điều kiện để nghiên cứu lý luận và trao đổi với các đồng nghiệp. Chính trong những năm tháng học tập, nghiên cứu lý luận, tích cực tham gia hoạt động thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã tiếp thu một cách có hệ thống Chủ nghĩa Mác-Lênin và phương pháp tổ chức theo đường lối cách mạng vô sản. Từ một người Việt Nam yêu nước, đến với Liên Xô, đến với lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng chí Trần Phú đã trở thành chiến sĩ cộng sản đủ sức gánh vác những nhiệm vụ quan trọng do Quốc tế Cộng sản và Đảng ta phân công.
Tình hình cách mạng thế giới và tình hình cách mạng ở Đông Dương diễn biến nhanh chóng. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, tháng 11/1929 đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị. Để nắm vững tình hình thực tiễn cách mạng, đồng chí luôn tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Ban Chấp ủy, trực tiếp đóng vai "thầy đồ", "nhà buôn", sống cuộc đời thợ mỏ, thợ nề, thợ nhà máy xi măng… để thâm nhập, nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào cách mạng của công dân, nông dân và hoạt động của các chi bộ cộng sản ở nhà máy, hầm mỏ… tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình. Sau khi khảo sát tình hình thực tế và trao đổi với các đồng chí trong Ban Chấp ủy, đồng chí đã khởi thảo văn kiện Luận cương chính trị của Đảng ngay trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức thực dân Pháp ở phố Giăng Xoole (nay là số nhà 90, phố Thợ Nhuộm, Hà Nội). Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí Trần Phú đã trình bày bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng và đã được hội nghị nhất trí thông qua.
Bản Luận cương chính trị đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải một cách sắc bén về tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương. Đó là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo; chỉ ra nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến. Đường lối cơ bản của cách mạng Đông Dương và cách mạng Việt Nam nêu trong Luận cương chính trị tháng 10/1930, là sự tiếp tục khẳng định về mục tiêu và đường lối cách mạng mà Chính cương vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc nêu ra tháng 2/1930.
Luận cương chính trị còn khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng trong suốt quá trình cách mạng: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”…
Cống hiến lý luận của bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Những nội dung này về cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo tại Hội nghị hợp nhất tháng 2/1930. Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là một văn kiện lịch sử, góp phần cụ thể hóa một số vấn đề về đường lối cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất họp tháng 10/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, hội nghị đã thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức của Đảng, công tác dân vận, công tác Mặt trận đặt nền móng cho việc hình thành một số tổ chức quần chúng quan trọng của Đảng như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản...
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng bí thư của Đảng, Trưởng Ban Công vận Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra tờ báo Cờ Vô sản, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng; Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng, chống âm mưu thâm độc của kẻ thù buộc nông dân ra đầu thú. Được sự quan tâm theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong thời kỳ 1930-1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên năm 1931 lên tới 64.000 người. Tại một số tỉnh và thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ Tho, Bến Tre, Quảng Ngãi, vùng mỏ Quảng Ninh... những cuộc biểu tình và bãi công của công nhân diễn ra liên tiếp.
Bộ Tham mưu tối cao của Đảng đặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Tổng bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, tạo ra cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 3/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, hội nghị đã phân tích, đánh giá phong trào cách mạng sôi nổi diễn ra khắp cả nước, cả ưu điểm và thiếu sót của các phong trào công nhân, nông dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Mỹ Tho, Bến Tre... giúp cho Đảng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu để chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống cuộc khủng bố trắng của kẻ thù.
Một cống hiến nổi bật của đồng chí trên cương vị Tổng bí thư của Đảng là đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và củng cố tổ chức Đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và các chi bộ cơ sở của Đảng. Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy, từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đánh giá cao hoạt động của Đảng ta, trong đó có công lao của Tổng bí thư Trần Phú. Ngày 11/4/1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể lần thứ XI của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản đã đưa ra nghị quyết: Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản. Quyết nghị này sẽ được đưa ra thông qua trong Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản.
Đồng chí Trần Phú giữ cương vị Tổng bí thư của Đảng được hơn 5 tháng, một thời gian không dài, nhưng sự cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân thật lớn lao. Đồng chí sống giản dị, đạm bạc. Tuy trong người mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, nhưng bất chấp ốm đau, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian, sức lực cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do có kẻ phản bội khai báo, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt vào lúc 8 giờ sáng 18/4/1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, kẻ thù đã dùng mọi cực hình để tra tấn, song chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí. Trước những hành động tra tấn dã man hoặc thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, đồng chí luôn chủ động tiến công: “Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ”. Tại bốt Catina, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân của đồng chí, rồi nhét bông vào tẩm xăng đốt, đồng chí vẫn kiên quyết, nửa lời không nói. Trong lao tù, đồng chí Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực để lên án chế độ nhà tù dã man, vô nhân đạo. Đồng chí luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam; tranh thủ mọi cơ hội để liên hệ, dặn dò mọi người phải giữ gìn bí mật của Đảng và không ngừng học tập, để sau này tiếp tục làm cách mạng.
3 tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man, sức khỏe của đồng chí bị giảm sút rất nhanh, căn bệnh cũ tái phát, phút lâm chung, đồng chí nắm tay một đồng chí bạn tù cùng nằm ở nhà thương dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 ở nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Năm ấy đồng chí mới bước vào tuổi 27, độ tuổi tài năng đang phát triển để cống hiến cho cách mạng. Cuộc đời của Tổng bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tổng bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta và cả đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giai đoạn đó. Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khắng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản ở Đông Dương”. Hồ Chủ tịch trong bài Đạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 12/1958 đã viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh. Thể theo nguyện vọng của gia quyến và gia tộc của đồng chí Trần Phú, Đảng và Nhà nước tổ chức di dời hài cốt của đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Thưa đồng bào và đồng chí.
Tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển gắn liền với quá trình mở đất về phương Nam của dân tộc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã bình định về phương Nam đến núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), nhưng do quá xa xôi, nên vẫn chưa đưa dân lập ấp đến vùng này. Năm 1597, vua Lê Quang Hưng lệnh cho Tổng trấn Nguyễn Hoàng sai Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh chiêu mộ dân vào khai phá vùng đất mới này. Năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Từ đây vùng đất Phú Yên hòa mình cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh và luôn có một vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là phên dậu phía Nam của Tổ quốc từ năm 1611 đến 1698 với vai trò Trấn Biên Dinh, nhiều người con Phú Yên hành phương nam mở mang bờ cõi; giúp nhà Tây Sơn lật đổ nhà Nguyễn đàng trong từ thập kỷ 1770; khởi nghĩa chống Pháp trên một vùng đất miền Tây rộng lớn. Cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà yêu nước như Lê Thành Phương, Võ Trứ, Nguyễn Hào Sự... liên tiếp nhau khởi nghĩa chống Pháp đã làm kẻ thù run sợ trước tinh thần “thà chết chứ không chịu nhục”.
Bước sang thế kỷ XX, hòa mình cùng dòng chảy hào hùng của lịch sử, vùng đất Phú Yên chứng kiến sự hội tụ của khí thiêng song núi, anh linh của các bậc tiền nhân với truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp đã hun đúc sản sinh ra một nhân vật lịch sử - cậu bé Trần Phú, sau này là vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta.
Sau khi Đảng ta thành lập ngày 3/2/1930, Phú Yên là nơi sinh ra Tổng bí thư Trần Phú nên tư tưởng cách mạng của Đảng sớm đến với vùng này. Tháng 10/1930, thời điểm mà đồng chí Trần Phú trình bày Luận cương chính trị tại Ban Chấp hành Trung ương và nhận nhiệm vụ Tổng bí thư của Đảng ta, thì ở Phú Yên, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên cũng ra đời tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân. Từ những hạt giống đỏ ban đầu đó, sức sống cách mạng lan tỏa nhanh chóng trong toàn tỉnh, đến tháng 10/1931, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư đã thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Phú Yên luôn phát triển mạnh mẽ, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ làm cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, đến 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, sau đó 21 năm chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ ác liệt, nhân dân Phú Yên vẫn một lòng theo Đảng để giải phóng quê hương ngày 1/4/1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ sau giải phóng, nhất là sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên 1/7/1989, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên ra sức khôi phục sau chiến tranh, xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua đạt trên 10%/năm, các kết cấu hạ tầng quan trọng ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến cuối năm 2013, công nghiệp - xây dựng chiếm 35,5%, dịch vụ chiếm 40,3% và nông lâm ngư nghiệp chiếm 24,2% trong cơ cấu GDP. Văn hóa - xã hội nhiều mặt phát triển, an ninh quốc phòng ngày càng được tăng cường và củng cố, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc hơn. Tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn, đến nay 100% thôn, buôn, khu phố, trường học, trạm xá toàn tỉnh đều có chi bộ đảng; nội bộ đoàn kết, giữ vững vai trò lãnh đạo và được nhân dân tin tưởng.
Tuy vẫn còn không ít hạn chế và khuyết điểm, nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị phải chỉnh đốn, khắc phục một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, song có thể nói những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà Phú Yên đạt được trong những năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để Phú Yên tiếp tục phát triển, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Học tập, noi gương đồng chí Trần Phú và để thực sự xứng đáng với công lao to lớn và tấm gương quên mình hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao chí khí cách mạng, đoàn kết một lòng, phát huy những thành quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục ra sức thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, không ngừng củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống quê hương anh hùng trong kháng chiến; đoàn kết, năng động, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước và xứng đáng là địa phương nơi sinh ra đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Xin chân thành cảm ơn đồng bào, đồng chí.
-----------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.