Thứ Tư, 02/10/2024 15:21 CH
Những ấn tượng sâu sắc về Tổng Bí thư Lê Duẩn
Thứ Sáu, 06/04/2007 14:00 CH

Mỗi lần nhắc đến đồng chí Lê Duẩn, các đồng chí cùng hoạt động thường gọi với cái tên trìu mến và kính trọng là Anh Ba, mỗi chúng ta đều thấy như có thêm nguồn lực tinh thần sáng tạo vượt khó khăn, hòa với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tuổi của đồng chí gắn liền với những thời kỳ phát triển khó khăn, phức tạp, quyết liệt và hào hùng đặc biệt của cách mạng nước ta. Là nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ vĩ đại giương cao và quyết đem lá cờ chiến thắng vì độc lập tự do và CNXH của Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.

 

070406-leduan14.jpg

Đồng chí Lê Duẩn với thanh niên Hà Nội năm 1982 – Ảnh: PHẠM YÊN

 

1- TỪ NHỮNG THỜI KỲ ĐẤU TRANH GIAN NAN NHẤT CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG

 

Tiếp thu truyền thống yêu nước và bất khuất, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, đến với con đường của Nguyễn Ái Quốc và của Đảng ta, sớm được giao trọng trách trong những hoàn cảnh đầy khó khăn của phong trào. Ở tuổi 30, đồng chí đã trở thành một nhà tổ chức mưu lược và khôn khéo. Từ 1936 đến 1939 là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí luôn đi sát phong trào thời kỳ Mặt trận Dân chủ để có những hình thức duy trì, xây dựng cơ sở Đảng phù hợp. Cuối năm 1939, là ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị tổ chức Hội nghị 6 của Trung ương, đánh dấu bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sáng suốt và kịp thời của Đảng ta trước Cách mạng tháng Tám.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và Xứ ủy Nam Bộ, sau đó là với Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề cơ bản và cấp bách trong hoàn cảnh lúc đó.

 

Là người lãnh đạo ở những địa bàn khó khăn, gian khổ, đồng chí  gắn bó mật thiết với đồng bào và phát hiện, bồi dưỡng, dìu dắt những cán bộ trẻ theo con đường cách mạng của Đảng, để lại dấu ấn đẹp đẽ cho đến tận sau này. Trong một bài thơ dài như một dòng lịch sử “Nhớ về Anh” đồng chí Tố Hữu viết:

 

“ Ôi, làm sao quên được?

Cái bàn tay năm mươi năm trước

Dắt dìu tôi, ấm áp những ngày “.

 

Đồng bào, đồng chí Nam Bộ còn giữ mãi những ấn tượng sâu đậm về đồng chí khi nằm vùng hoạt động ở Cà Mau và một số tỉnh Tây Nam Bộ, “có  một người giống như kiểu Bác Hồ”, khi về trong lòng địch ở Sài Gòn mà bọn ngụy không hề hay biết. Các đồng chí lãnh đạo trong Khu ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ai cũng gần gũi, quý trọng đồng chí, kể cả các trí thức Nam Bộ tầm cỡ như: Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hưởng, Ngô Tấn Nhơn, … đều có ấn tượng sâu sắc về đồng chí. Các đồng chí Nam Bộ gọi “Anh Ba” là ngọn đèn “Hai trăm nến” để tôn vinh trí tuệ sáng suốt và sự chỉ đạo sâu sắc, mưu lược kỳ diệu của đồng chí Lê Duẩn.

 

2-ĐẶC SẮC NHẤT LÀ THỜI KỲ KHÁNG  CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

 

070406-Le-Duan-13.jpg

Đồng chí Lê Duẩn cùng chụp ảnh với các phóng viên  – Ảnh: Tư liệu

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm chia làm hai miền với ranh giới là vĩ tuyến 17. Thi hành Hiệp định, cán bộ miền Nam bao gồm cả chính trị và quân sự lần lượt ra Bắc tập kết. Đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công ở lại miền Nam, bí mật hoạt động, gây dựng phong trào, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài chắc chắn sẽ phải đương đầu giữa nhân dân ta với các lực lượng chống lại cách mạng Việt Nam, đứng đầu và trực tiếp là đế quốc Mỹ.

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt cho đây là “một sự đầu tư đặc biệt lớn” của Bác Hồ và Trung ương Đảng cho cách mạng Miền Nam và cả nước trong tình hình lúc đó. Đó là thời kỳ hiểm nghèo, đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, khi âm mưu của Mỹ và tay sai muốn chia cắt lâu dài đất nước ta, tập đoàn Ngô Đình Diệm đang tàn sát đẫm máu đồng bào và chiến sĩ ta ở Miền Nam. Đó là sự tin tưởng đặc biệt của Bác Hồ và Trung ương Đảng đối với đồng chí Lê Duẩn, tuy quyết định này “cũng có phần mạo hiểm”(1).

 

Đêm chia tay tập kết cuối cùng, đồng chí Lê Duẩn dặn đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo với Bác Hồ xin được gặp Bác sau 20 năm! Vừa xúc động vừa thể hiện ý chí kiên định với nhiệm vụ lâu dài.

 

Với kinh nghiệm nhiều năm sống chết cùng đồng bào Nam Bộ, với quan hệ mật thiết gắn bó và tài thao lược tuyệt vời, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ và Bộ Chính trị. Nhờ sâu sát thực tế và óc nhạy cảm, đồng chí đã hiểu sâu sắc tình hình, hiểu sâu bản chất yêu nước, dám hy sinh chiến đấu cứu nước của nhân dân Nam Bộ, đồng chí đã đánh giá đúng tình thế và xu hướng vận động của tình hình.

 

Đó là cơ sở để báo cáo Bác Hồ và Trung ương Đảng, là cơ sở của bản dự thảo “Đường lối cách mạng Việt Nam ở Miền Nam”, về sau tài liệu này quen gọi là bản “Đề cương cách mạng miền Nam”, tư tưởng chiến lược của nó được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (Khóa II). Nghị quyết 15 đã khai thông dòng thác cách mạng miền Nam. Nghị  quyết  cũng  xua tan ảo tưởng thống  nhất đất  nước bằng  “thi đua hòa bình”. Cả nước đã xác định rõ: miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn (trước đó chỉ nói ở mức: miền Bắc là chỗ dựa, chi viện cho cách mạng miền Nam).

 

Năm 1956, đồng chí Lê Duẩn quyết định bí mật chuyển từ Bến Tre lên hẳn Sài Gòn sào huyệt địch để trực tiếp nắm tình hình. Cả bộ máy CIA và mật vụ dày đặc của ngụy quyền Sài Gòn không thể ngờ bản Đề cương cách mạng miền Nam được soạn thảo tại trung tâm đầu não của chúng dưới ngòi bút của đồng chí Lê Duẩn.

 

Năm 1957, theo lệnh của Bác Hồ, đồng chí ra Hà Nội, nhận trọng trách Quyền Tổng Bí thư và chuẩn bị Đại hội III của Đảng. Đại hội đã bầu đồng chí là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn rất quyết liệt. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến cuộc chiến đấu hàng ngày của quân và dân miền Nam trên tiền tuyến lớn.

 

Ngoài việc chỉ đạo thông qua các chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Duẩn còn thường xuyên gửi điện, thư chỉ đạo Trung ương Cục và các Khu ủy, các đồng chí có trọng trách ở các địa bàn, vùng chiến lược, chỉ đạo rất sâu sát. Do đó, các đồng chí miền Nam đều thấy đồng chí Lê Duẩn luôn luôn gần gũi và dồn hết tâm lực vào lãnh đạo Đảng, chỉ đạo Quân ủy Trung ương với một quyết tâm sắt đá, củng cố rất nhiều cho niềm tin chiến thắng của cách mạng miền Nam và sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của cả nước.

 

Thư vào Nam là một tác phẩm đặc sắc của đồng chí Lê Duẩn, gồm những thư, điện gửi các đồng chí phụ trách ở miền Nam, thể hiện trí tuệ thông minh, tài thao lược và những tình cảm cách mạng thiêng liêng của đồng chí Lê Duẩn. Tác phẩm có ý nghĩa lịch sử và giá trị chỉ đạo nhanh nhạy của đồng chí trong thời kỳ chống Mỹ.

 

Tư tưởng hậu phương lớn tất cả cho tiền tuyến lớn, ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược (miền núi, đồng bằng, đô thị), đấu tranh chính trị đi đôi với đấu tranh quân sự, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tấn công là những tư tưởng chỉ đạo cực kỳ sáng suốt của Đảng và đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Bí thư Quân ủy Trung ương. Sự lãnh đạo của Đảng ta, sự chiến đấu anh hùng bất khuất của quân đội và nhân dân ta trên cả hai miền đã đi đến thắng lợi hoàn toàn với đại thắng mùa xuân 1975. Ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, mới bước xuống chân cầu thang các đồng chí lãnh đạo ôm nhau vì thắng lợi hoàn toàn, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Đây là thắng lợi của toàn dân tộc”. Đây là luận điểm cực kỳ sâu sắc và nhạy bén chính trị của Đảng. Đồng chí  Lê Đức Thọ đã có lời nói về đồng chí Lê Duẩn: Lời anh là cả lời non nước!

 

Sự nghiệp thắng Mỹ của nhân dân ta làm sáng ngời thêm truyền thống dân tộc, quân và dân anh hùng, sáng ngời hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh và tư tưởng quân sự của Người, tôn vinh các tướng lĩnh: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo , Trần Văn Trà, … tôn vinh Tổng Bí thư Lê Duẩn “đã có công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”(2).

 

Đồng chí Đỗ Mười đã viết: “Suốt 20 năm chống Mỹ, có thể nói trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của Anh Ba”(3). Đó là một ấn tượng thật sâu sắc.

 

3. ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN VỚI CÁCH MẠNG XHCN, XÂY DỰNG CNXH Ở VIỆT NAM

 

070406-Le-Duan-12.jpg

Đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đón đồng chí Mí-ya-mô-tô-kên-gi, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản sang thăm nước ta.  – Ảnh: Tư liệu

Di sản của đồng chí Lê Duẩn về cách mạng XHCN ở Việt Nam cũng là một di sản đồ sộ và đầy ấn tượng. Đó là những tư duy lý luận như một hệ thống lôgíc về các  vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Nếu ở giai đoạn trước chủ yếu là các quy luật của đấu tranh nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng, sáng tạo và nắm vững thời cơ tiêu diệt địch, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, thì sang giai đoạn mới, đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn chưa có tiền lệ. Dấu ấn sâu sắc của đồng chí Lê Duẩn ở giai đoạn này trước hết là dấu ấn của một nhà lý luận uyên thâm, tư duy biện chứng với phương pháp toàn diện, cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH khoa học.

 

Dấu ấn sâu đậm của đồng chí còn là dấu ấn của một ước mong cháy bỏng, mong cho đất nước cường thịnh, nhân dân mau chóng được hưởng hạnh phúc trong đời sống vật chất dồi dào, bỏ qua những ngày thiếu thốn, cái nghèo đeo bám. Do đó, tư duy ở đồng chí là tư duy làm ăn lớn, sản xuất lớn, hiện đại, với công nghiệp phát triển mạnh làm nền tảng.

 

Tư duy lý luận của đồng chí được phản ánh trong nghị quyết Đại hội III, đặc biệt ở Đại hội IV của Đảng xác định đường lối chung của cách mạng XHCN, xây dựng CNXH ở nước ta và đường lối phát triển kinh tế. Đó là quá trình tìm tòi, sáng tạo xuất phát từ đặc điểm nước ta. Dấu ấn nổi bật của đồng chí là tư tưởng và lý luận xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân. Đồng chí đặc biệt say sưa chuyên đề này và coi đó như một sự vận động sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng ta trong xây dựng xã hội mới. Trong tổ chức thực hiện đã có những chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Đại hội VI của Đảng đã kiểm điểm sâu sắc và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng.

 

Đồng chí Lê Duẩn đặc biệt coi trọng các vấn đề từ cơ sở, địa phương. Do vậy, đồng chí luôn bám sát thực tế, thâm nhập và phát hiện vấn đề. Đồng chí nói: “Không có và không thể có con đường nào khác. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trong suy nghĩ và việc làm. Đó là sự đổi mới theo đường lối của Đảng để đường lối được thực hiện tốt hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nhân dân và đất nước”(4). Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có những kỷ niệm sâu sắc về cách làm việc sâu sát trên lĩnh vực kinh tế của đồng chí theo hướng động viên mạnh mẽ các tiềm năng kinh tế.

 

Đồng chí Lê Duẩn để lại những kinh nghiệm quý làm việc với cơ sở. Đồng chí đã từng nói: “Làm việc với cơ sở, nghị quyết phải bỏ trong túi chứ đừng mang ra đọc. Phải hỏi kỹ tình hình và cách giải quyết các vấn đề cụ thể của cơ sở”(5) và làm mẫu cho các đồng chí cùng đi, từ giai đoạn cách mạng trước đến thời kỳ làm ăn kinh tế sau này, được nhiều đồng chí học tập và nhắc mãi.

 

4. MỘT BIỂU TƯỢNG ĐẸP ĐẼ CỦA TINH THẦN ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

 

070406-Le-Duan-11.jpg

Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Bưu điện Phú Khánh ngày 15/11/1984. - Ảnh: CĐBĐVN

Đi theo con đường của Lênin và Bác Hồ vĩ đại, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn luôn vun đắp cho tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản, coi đây là một nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đặc biệt coi trọng góp sức nâng cao tinh thần đoàn kết hữu nghị, cùng chiến đấu vì mục tiêu chung của các nước XHCN, trước hết là Liên bang Xô Viết, khối đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam – Cu Ba và các lực lượng cách mạng khác. Thế giới tôn vinh ca ngợi đồng chí bằng những lời hết sức cao đẹp, người “đại diện lỗi lạc của đội ngũ những người cách mạng Việt Nam”, “một nhà lãnh đạo đầy tình người và sôi nổi”, “một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất”, “nhà quốc tế chủ nghĩa kiên cường, người chiến sĩ gang thép đấu tranh vì sự thống nhất của các nước XHCN”(6).

 

5. MỘT ẤN TƯỢNG ĐẸP VỀ SỰ HÒA QUYỆN LÝ TRÍ VÀ TÌNH CẢM

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhà chính trị sâu sắc, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, có uy tín lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Nhà thơ Tố Hữu gọi đó là “Cánh đại bàng Việt Nam”. Trọn đời làm cách mạng, trọn đời làm công tác Đảng, đồng chí có vai trò ở những bước ngoặt lịch sử và những thắng lợi rực rỡ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Nét đặc sắc của tấm gương cách mạng triệt để ấy là sự gắn kết hài hoà lý trí và tình cảm, là lòng yêu nước, quý trọng đồng bào, đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi với đồng bào, đồng chí và đồng đội. Cùng với trí tuệ mẫn cảm, quyết thắng, là tình cảm bao la, trìu mến, thân thương.

 

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí thường nhắc nhở về tinh thần đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Trong công việc phải biết kết hợp tâm huyết và trí tuệ, không có tâm huyết thì không thể sáng tạo, song phải biết phân biệt rạch ròi, không lẫn lộn. “Trong tổ chức thực hiện, phải dồn tất cả tâm huyết thì mới tìm ra được những giải pháp mới, sáng tạo. Tuy nhiên, khi phải thực hiện chủ trương và giải quyết những vấn đề liên quan tới chủ trương lớn thì không để tình cảm xen vào”(7).

 

Đó là thuộc tính của người cộng sản, người cán bộ đảng viên gương mẫu, gắn bó máu thịt cùng nhân dân với tâm hồn lộng gió, trái tim dào dạt với cuộc đời. Đến thăm ngành giáo dục, đồng chí căn dặn phải yêu nghề, thương yêu học sinh. Đến thăm Hội phụ nữ, đồng chí thường nhắc nhở phải đoàn kết thương yêu nhau, để lại những tình cảm đẹp trong gia đình giữa vợ chồng và con cái. Đó là nét đẹp nhân văn, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhớ về Tổng Bí thư Lê Duẩn không chỉ là nhớ về một nhà lãnh đạo kiệt suất của Đảng và cách mạng, mà còn là nhớ về một tình cảm lớn hòa quyện cùng trí tuệ sáng suốt, đưa tới những thắng lợi vinh quang.

 

TS. ĐỖ KHÁNH TẶNG

 

(1) Võ Văn Kiệt: Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, 2007, trang 58.

(2) Trang 5, Tài liệu đã dẫn Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước tặng đồng chí Lê Duẩn Huân chương Sao Vàng.

(3) Đỗ Mười: Nhớ về anh Ba Duẩn. Tài liệu đã dẫn, trang 49.

(4) Lê Duẩn: Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng, ngày 19/5/1986 - Tài liệu đã dẫn.

(5) Tài liệu đã dẫn, trang 55.

(6) Tài liệu đã dẫn, trang 145 – 148.

(7) Võ Văn Kiệt: Tài liệu đã dẫn, trang 63.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek